ClockChủ Nhật, 21/04/2019 09:55

Nhân nhẩn ốc gai

TTH - Trong muôn vàn loại ốc dưới đáy đại dương, có lẽ ốc gai được liệt vào loại “xấu” nhất bởi hình dáng sần sùi, đáng sợ, có gai nhọn, còn vỏ ốc thì đừng hỏi độ cứng.

Quên đường về với mắm cá thia

Ốc gai - món quà từ biển

Ngày trước, mỗi lần ba đi biển, họa hoằn lắm mới có vài con bén lưới. Mà chẳng có ai ưng ốc gai mắc lưới bởi vừa khó gỡ vừa nguy hiểm, lại nặng lưới. Và, loại ốc này bán chẳng có người mua.

Với dân vùng lộng, hầu như chẳng có nghề nào liên quan đến chuyện bắt ốc, hè đến đôi khi chỉ mấy cô cậu học sinh lặn biển cào ốc gạo, loại ốc bé như hạt nút áo. Riêng ốc gai chỉ bắt được nhiều lúc ngư dân bủa “dạ” (kéo ruốc), có được nhờ nó lẫn trong đạy ruốc đỏ tươi…

Ốc gai không cao sang, giá trị như loại ốc hoàng hậu đặc sản, hay đẹp đẽ, thơm lạ kỳ như ốc hương khiến thực khách phải ngất ngây. Ốc gai như anh chàng thô kệch, chân chất với 7 tầng xoắn, có loại nhiều gai nhọn, có loại gai tù, cũng có loại màu xám bạc, sần sùi. Miệng vỏ ốc tròn, mép ngoài hình răng cưa...

Có lẽ môi trường sống khiến hình thù của loại hải sản này trở nên đặc biệt. Ốc gai thường sống ở tầng đáy, bên những rạn đá và có khả năng săn mồi. Tùy theo khu vực biển và con nước mà ốc có thể dạt vào vùng nước nông. Thường vào hè lúc thủy triều hạ, ốc gai xuất hiện gần bờ, bởi thế mà chúng mắc vào lưới cá hay đạy dạ của ngư dân vùng lộng.

So với các loại ốc khác, ốc gai không giá trị bằng, nếu không muốn nói xếp ở khu vực đáy bảng xếp hạng các loài ốc. Loại hải sản này mua ở chợ khoảng trên dưới 50 nghìn đồng/kg. Mặc dầu rẻ, nhưng ốc rất khó kiếm bởi không phải lúc nào sau chuyến biển ngư dân cũng bắt được. Và chỉ người sành ăn hải sản mới cảm nhận được và có thể… nghiện. Tôi đồ rằng, với những người lần đầu nhìn thấy, họ sẽ lắc đầu, xua tay trước lời mời chào của người bán hải sản.

Nhắc đến ốc gai, người sành ăn sẽ hình dung ngay đến phần thịt ốc dày cộm trong lớp vỏ cứng như đá, nếu không khéo, thịt ốc thụt sâu vào “vùng xoắn” thì vứt nguyên con, nếu muốn “níu kéo” chỉ có nước dùng búa tạ đập thật mạnh cho vỏ ốc vỡ tung tóe. Thịt ốc gai không thanh ngọt như vị vốn có của các loài ốc mà béo, giòn, bùi, đăng đắng nhân nhẩn. Đó là điểm đặc trưng, tạo nên dấu ấn riêng có của loại ốc này.

Ngày nay, bởi hiếm khi thấy ốc gai xuất hiện nên một số nhà hàng, quán ăn hải sản lựa chọn món ăn này là đặc sản trong thực đơn. Nó không chỉ kích thích sự tò mò mà con giúp thực khách cảm nhận được hương vị khá lạ của món ăn này.

Cũng như những loài ốc khác, ốc gai có thể chế biến được thành nhiều món ngon. Có người mê mẩn với ốc gai nướng mỡ hành, có người thích xào sả ớt, còn với ai muốn đơn giản thì hấp sả là nhanh nhất và cũng là cách để người ăn cảm nhận đủ cái vị lạ của loại ốc này. Nhưng cho dù là món gì, người ăn cũng phải khéo léo dùng tăm nhọn tách phần thịt ra khỏi khỏi vỏ sần sùi, cứng như đá.

Trong nhiều món ăn chế biến từ ốc gai, với cư dân miệt biển, phổ biến nhất là ốc nướng và hấp sả. Nướng dành cho những ai cầu kỳ, kiên nhẫn, bởi lớp vỏ ốc dày nên thịt ốc khó chín; đơn giản hơn sau khi sơ chế, mang ốc hấp sả chấm muối tiêu chanh hay nước mắm chua ngọt. Đó là những cách các nhà hàng, quán ăn thường làm. Còn với tôi, khều từng con ốc gai hấp chấm nước mắm ruốc đặc sệt tỏi ớt thì chỉ có “ngậm mà nghe”, vị bùi, đắng, mằn mặn, nhân nhẩn cứ thấp thoáng xung quanh vòm miệng.

Bài, ảnh: L.THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Món quà ý nghĩa

Tháng 9 vừa qua, cán bộ, người dân vui mừng khi Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam) đã hỗ trợ cho TP. Huế 2 xe ép rác (vận chuyển rác), với trị giá gần 10 tỷ đồng.

Món quà ý nghĩa
FAO: Rủi ro khí hậu sẽ ảnh hưởng đến lượng cá trên khắp các đại dương

Theo báo cáo mới được công bố của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), những dự báo mới nêu bật những rủi ro khí hậu tiềm ẩn đối với sinh khối cá (khối lượng của các cá thể cá sống trong một khu vực hoặc hệ sinh thái nhất định) có thể khai thác ở hầu hết các khu vực các đại dương trên thế giới, bao gồm các quốc gia có sản lượng cá hàng đầu và những quốc gia phụ thuộc nhiều vào thủy sản.

FAO Rủi ro khí hậu sẽ ảnh hưởng đến lượng cá trên khắp các đại dương
Món quà từ Gió Xanh

Những ai tham dự đêm hòa nhạc hợp xướng với chủ đề “Việt Nam thương mến – Loving Vietnam 2024”, tại Nhà hát Sông Hương bên trong Học viện Âm nhạc Huế vào một đêm cuối tháng 6 vừa qua, hẳn đã không khỏi xúc động và vỡ òa cảm xúc bởi cái cách mà dàn hợp xướng cộng đồng đến từ Hà Nội gửi tặng đến những người yêu âm nhạc, đến các trẻ có hoàn cảnh yếu thế.

Món quà từ Gió Xanh
Món quà bất ngờ

Tôi nhìn ba mẹ háo hức khi nhận được xấp ảnh mà bác Trâm gửi tặng. Đây là món quà mà bác gửi tặng những người bạn đã đến tham gia buổi tiệc nhỏ của gia đình bác. Trong ảnh là những khoảnh khắc hạnh phúc của tôi cùng ba mẹ ở nhà bác Trâm, trong buổi tiệc mừng thôi nôi cháu nội của bác.

Món quà bất ngờ
Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 1: Tổ quốc từ biển

Đầu năm 2024, tôi vinh dự được cùng 100 phóng viên báo, đài trên khắp mọi miền đất nước, cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân, do Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, làm Trưởng đoàn, mang quà tết; thăm, chúc tết nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024 đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. 18 ngày trải qua khắc nghiệt của sóng gió và cách trở, để thấu những hi sinh, kiên trung thầm lặng, lớn lao, của biết bao thế hệ người lính, làm nên lá chắn vững chắc từ hướng biển, điểm tiền tiêu thiêng liêng, bảo vệ Tổ quốc.

Thiêng liêng tiếng gọi Trường Sa - Kỳ 1 Tổ quốc từ biển

TIN MỚI

Return to top