ClockThứ Tư, 27/04/2011 22:05

Vị ớt cay nồng

TTH - Tôi có anh bạn cùng cơ quan rất thích ăn cay. Cùng đi công tác, tôi giật mình khi phát hiện ra sở thích này của anh. Vào các quán hàng ăn, câu hỏi đầu tiên bao giờ của anh là xin ớt, phải là loại ớt “chỉ trời”, bé xíu mà cay điếc lỗ tai thì anh mới vừa bụng.

Chuyện mới đây đi công tác với anh ở miền Nam, buổi trưa ghé lại một quán cơm ven đường tận Cần Thơ, cô bé phục vụ bàn nhìn anh ăn ớt ngon lành đã buột miệng kêu lên “chú ăn ớt mà cứ như ăn dưa leo”, lạ quá, khiến mọi người không nhịn được cười. Tôi nghĩ, ăn ớt đã trở thành thói quen, món ăn khoái khẩu, thấm vào máu, vào thịt của anh bạn tôi mất rồi.

Cũng là chuyện ăn ớt. Dạo đất nước còn khó khăn, tôi có anh bạn cùng lớp gia đình rất nghèo, cả tháng bữa đói bữa no. Cơm bữa cũng chỉ lưng bát với đủ thứ độn, nào sắn, nào khoai, rồi cả ớt nữa. Nghe chuyện lạ tai, tôi thắc mắc thì được anh giải thích. Rằng, ăn ớt (loại ớt Cu ba) thiệt cay để mà uống nước cho no bụng. Lý sự đến vậy thì tôi biết có “ừ” và tràn đầy thông cảm. Có điều chuyện cứ ám ảnh, khiến tôi nhớ mãi. Âu cũng là sự đắc dụng của trái ớt ở vào một thời điểm khó khăn của đất nước.
Bỏ qua cái chuyện ăn ớt để đánh lừa cái miệng, cái bụng của anh bạn nhỏ ngày xưa thì chuyện ăn cay, ăn nhiều ớt đã trở thành đặc trưng của người Huế ta. Nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội, vào quán cơm tôi bất ngờ khi nghe bà chủ quán đon đả: “Mấy chú ở Huế ra phải không”. “Răng biết ?”. “Chỉ có người Huế mới ăn ớt nhiều thế”. Thì ra nãy giờ bà đã chú ý quan sát chúng tôi. Tôi đọc sách, xem ra, ngôn từ để diễn tả cái cảm giác cay thì người Huế ta có đủ cả, toàn cảm giác mạnh, phi xứ Huế ra không mấy ai dùng, kiểu như: cay sướng miệng, cay đã đời, cay điếc mũi, cay điếc tai, điếc óc...
Nghiên cứu về món ăn Huế, thấy người Huế ta dùng nhiều gia vị, mỗi món có những gia vị khác nhau nhưng đứng hàng thứ nhất phải kể đến là ớt. Ý chừng, Huế ăn gì cũng cay. Buổi sáng ăn đọi cơm hến, tô bún bò, bát bánh canh, nước dùng đỏ rực, vừa ăn vừa xuýt xoa hít hà. Buổi trưa ăn cơm “bụi” cũng thấy đầy vị ớt. Chiều tối bạn bè loanh quanh rủ nhau đi ăn bánh nậm, lọc hay bánh khoái, không có cái gì không cay, cay từ trong ra ngoài, cay trong vị nước chấm, trong chén nước lèo… Ớt được trồng khắp nơi. Tôi nghe chuyện, người Huế còn có bí quyết bón bằng… phân gà để tăng độ cay cho ớt.
Có người bảo xứ Huế ta lạnh nên ăn nhiều ớt. Gặp buổi mưa rét, người ta tìm đến những món cay và nóng hổi như ớt như để tìm một chút hơi ấm cho cuộc sống đời thường. Cũng có những người bảo xứ Huế, xưa là châu Ô, châu Lý núi rừng ác địa, nhiều chướng khí nên ăn ớt nhiều cũng là cách phòng chữa bệnh. Lâu dần thành quen. Bách khoa toàn thư Việt Nam có lời rằng, ớt là vị thuốc bổ cho con người vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Xem chừng cũng có lý nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Huế ta đâu quá lạnh và Huế mình mấy trăm nay rồi là thủ phủ, từng là kinh đô của đất nước. Tôi như tìm thấy có sự đồng điệu giữa phong cách Huế với hương vị cay nồng của ớt.
Bất chợt tôi lại hình dung đến sắc màu và hương vị của ớt. Nào ớt bột, nào tương ớt, nào ớt xào, ớt chưng, ớt làm nước màu cho một số món ăn…Cũng bất chợt tôi mường tượng đến đĩa rau sống của người Huế với những “biến tấu” của ớt: ớt chẻ, ớt lát… đỏ tưng bừng lẫn trong muôn sắc của các thứ rau quả. Festival Nghề truyền thống Huế 2011 tôn vinh ẩm thực 3 miền đang đến ngày khai hội. Lại nghĩ, món ăn Huế sẽ là gì nhỉ nếu thiếu ớt? Và rồi, tôi háo hức chờ đợi có thêm những trải nghiệm từ ớt trong món ăn của xứ Huế mình trong cuộc phô diễn cùng bè bạn…
Đan Duy
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Thanh tao mứt vỏ thanh trà

Tôi nhớ lần đầu tiên mình thử món ăn này là vào Lễ hội Thanh trà Thủy Biều 2022, tôi đi giữa những gian hàng màu xanh óng ánh, lúc lại vàng ươm của loại trái cây đặc sản này. Khi ra về, tôi chọn cho mình một túi mứt vỏ thanh trà nho nhỏ. Cho đến giờ, hương vị của thức quà mộc mạc ấy vẫn còn vương mãi.

Thanh tao mứt vỏ thanh trà
Trong veo kẹo gương xứ Huế

Kẹo gương có vẻ ngoài trong suốt như một chiếc gương soi nhỏ. Và có một điều thú vị tôi nhận ra là, các loại kẹo truyền thống Cố đô hầu như đều có tên gọi mô phỏng dáng hình bên ngoài, như kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương…, độc đáo, chân phương và dễ nhớ.

Trong veo kẹo gương xứ Huế
Lan tỏa ẩm thực Huế

Hình ảnh, hương vị đặc sắc của những món ngon đặc trưng của từng địa phương do các hội viên phụ nữ (HVPN) mang đến những hội thi, hay những cửa hàng bán đồ ăn do hội viên làm chủ được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh và các cơ sở hội tích cực giới thiệu, quảng bá, góp phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Huế đi muôn nơi.

Lan tỏa ẩm thực Huế
Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

Ẩm thực Huế đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong, ngoài nước và mới đây, UBND TP. Huế đã lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để xây dựng hồ sơ “Huế - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bảo tồn và tôn vinh giá trị ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top