ClockThứ Hai, 02/01/2012 07:23

Thêm một ý tưởng làm đẹp Huế

TTH - Đó là điều mà tôi trăn trở từ lâu- làm sao để Huế thêm đẹp trong mắt của bè bạn và trong lòng của mỗi công dân Cố đô.Mỗi lần đi qua công viên An Hòa, cửa ngõ phía bắc của thành phố, hình ảnh trống trải của một khu đất rộng chỉ trồng cỏ và ít lùm cây cây bụi luôn ám ảnh tôi: Chẳng lẽ Huế chỉ đón chào hay chia tay du khách buồn tẻ như vậy!

Quốc lộ 1A đi ngang qua đoạn này uốn cong như hình lưỡi liềm và trục đường chia luồng phía đối diện đã tạo nên một khu đất kẹp giữa có hình gần như một tam giác với diện tích hơn 2,5ha, chưa kể khoảng 0,7ha phía bên tuyến đường sắt. Chính hình dáng đặc biệt của khu đất đã làm cho các nhà quy hoạch cảnh quan lúng túng khi lựa chọn phương án phù hợp cho công viên cửa ngõ phía bắc này. Kể từ năm 2002 đến nay, đã 9 năm trôi qua, công viên này vẫn hầu như không có gì thay đổi ngoài vài tháp cây, hoa được dựng lên mỗi khi có lễ, tết!

Ngày xưa, các triều vua Nguyễn đều quan tâm đến việc tạo ra và giữ gìn hình ảnh đẹp về kinh đô; ở cả hai cửa ngõ Nam, Bắc đều có những công trình kiến trúc phục vụ mục đích này. Tôi cảm thấy hết sức thích thú khi tìm được thông tin ghi trong chính sử rằng, năm 1834, vua Minh Mạng đã chuẩn y đề nghị của bộ Công, cho xây dựng hai tòa Bắc, Nam Trường đình:
 
“Bắt đầu cho xây dựng Nam, Bắc Trường đình (mỗi đình đều một tòa 7 gian, dài 5 trượng 9 thước 5 tấc, rộng 2 trượng 7 thước). Bộ Công nghĩ tâu, cho rằng việc dựng Trường đình đời cổ đã có, làm lễ Tổ đạo để tiễn chân, bẻ cành liễu ở Bá Kiều đều ở chỗ trường đình đó. Làm vậy là để biểu thị cái ý ân cần và bày tỏ lễ độ. Nay sắc sai dựng Nam, Bắc Trường đình để làm chỗ đưa đón tiễn tặng thì xin đặt Nam Trường đình ở phía nam cầu An Cựu, đặt Bắc Trường đình ở phía bắc cầu Hương Trà, ngoài cửa tây bắc Kinh thành: Cả hai đều phải rộng rãi cao lớn, xung quanh đình nên trồng nhiều cây dương liễu, để phù hợp với ý cổ nhân… Vua chuẩn y lời bàn ấy, sai phủ Thừa Thiên thuê dân làm”.
 
(Quốc Sử quán, Đại Nam thực lục, quyển 152, bản dịch, tập 4, trang 648).
 

Cửa Hiển Nhơn khi còn là tam quan làm bằng gỗ cũng là một hình ảnh nên tham khảo

Xét về quy mô, Nam, Bắc Trường đình là hai tòa kiến trúc rất lớn, dài 25,22m, rộng 11,44m, diện tích mặt nền hơn 288m2 (mỗi thước thời Nguyễn trước năm 1898 là 424mm). Ngay cả đối với kiến trúc cung đình, công trình đơn thể, quy mô đến 7 gian như vậy vẫn được xem là lớn. Dựng Nam, Bắc Trường đình là phỏng theo lệ cổ có từ thời Hán. Ngày xưa ở kinh đô Trường An, người ta cũng dựng trường đình ở cửa ngõ kinh đô, lễ đón tiễn khách đều diễn ra tại đó. Người Hán cũng bày ra tục bẻ cành liễu ở Bá Kiều để tiễn tặng khách. Còn lễ, Tổ đạo xưa là lễ tế thần, sau cũng biến thành lễ tiễn khách.
 
Nam Bắc Trường đình dựng xong trở thành nơi đưa đón, tiễn tặng người đến và người đi khỏi Kinh đô Huế. Các viên quan được cử đi sứ, đi nhận nhiệm vụ bên ngoài kinh đô đều dừng chân tại đây hành lễ trước khi lên đường. Tiệc thết đãi đón đưa khách cũng được tổ chức tại đây. Đó là một nghi thức hay và đẹp.
 
Trải qua thời gian và các biến động lịch sử, cả Nam, Bắc Trường đình đều không còn tồn tại. Vị trí của Nam Trường đình bên phía nam cầu An Cựu hiện nay đã thuộc về khu dân cư sầm uất, hầu như không thể phục hồi. Nhưng ở cửa ngõ phía bắc thành phố, việc phục hồi Bắc Trường đình là hoàn toàn có thể. Bắc Trường đình mang hình ảnh một ngôi nhà rường Huế đứng ở cửa ngõ thành phố sẽ bổ sung thêm một hình ảnh đẹp về cố đô vốn giàu bản sắc riêng. Vả lại, việc xây dựng công trình này (bằng vật liệu kiên cố, cột bê tông giả gỗ, mái lợp ngói liệt) cũng không tốn kém bao nhiêu so với các cụm tượng đài “hoành tráng” quen thuộc ở cửa ngõ các thành phố lớn.
 

Cửa Hiển Nhơn, một hình ảnh gợi ý cho Khải Hoàn Môn dạng tam quan truyền thống Huế

Bắc Trường đình có thể trở thành nơi giải trí và thư giãn của nhân dân phường An Hòa, một phường đang còn rất thiếu các thiết chế văn hóa cộng đồng.
 
Trao đổi ý tưởng này với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn, tôi nhận được một góp ý rất hay: Ở một thành phố văn hóa như Huế, cửa ngõ thành phố nên có một “Khải Hoàn Môn” theo kiểu kiến trúc truyền thống. Ta có thể mô phỏng một công trình dạng tam quan như cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức hay Nghi môn theo lối cung đình để dựng ở ngã ba đầu công viên. Không gian phía sau thì trồng thật nhiều cây xanh, hoa, thảm cỏ để cảnh quan thật đẹp và giàu chất thơ. Đó chính là lời chào nhẹ nhàng mà dễ thương đúng kiểu Huế! Tôi rất khâm phục sự lịch duyệt và những nhận xét tinh tế của người đồng chí lão thành. Những nhận xét ấy thật sự cần thiết cho những người làm văn hóa và cả những nhà thiết kế đô thị.
 

Trung tâm công viên chỉ có những tháp cây xanh và cỏ

Quả là với hình dáng “củ khoai” rất đặc biệt của công viên An Hòa, việc quy hoạch, xây dựng các công trình hiện đại hay cụm tượng đài có quy mô lớn là rất khó và không phù hợp. Vậy thì, một chiếc “Khải Hoàn Môn” theo kiểu tam quan cung đình phía trước, và có thể, kết hợp với một tòa Bắc Trường đình với quy mô vừa phải ở phía sau theo kiểu “tiền môn hậu đình” mới là phương án thích hợp nhất?
 
Một mùa xuân lại sắp đến, cũng là năm thứ 10 hình thành công viên An Hòa, tôi thật sự mong ước năm Nhâm Thìn 2012, khi Thừa Thiên Huế đăng cai Năm Du lịch quốc gia, cố đô sẽ có những thay đổi thật lớn. Và mỗi khi đi qua cửa ngõ phía bắc thành phố này, du khách, bè bạn sẽ trầm trồ vì vẻ đẹp Huế hiển hiện qua hình ảnh qua của một “Khải Hoàn Môn” đài các, tinh tế, và có thể, cả một Bắc Trường đình cổ kính mà thân thuộc.           
 

TS. Phan Thanh Hải

Cửa ngõ đầu công viên An Hòa.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top