Từ năm 2006, Chương trình Hợp tác Bảo vệ Di sản Văn hóa giữa Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam và Tổng cục Quản lý Di sản văn hóa Hàn Quốc được ký kết. Cuộc triển lãm “Báu vật triều Nguyễn ở Việt Nam” là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của chương trình hợp tác này. Đây là cơ hội tăng cường hợp tác văn hóa giữa 2 nước Việt – Hàn, cũng là cơ hội để quảng bá di sản văn hóa Việt, nhất là văn hóa Huế, ở đất nước bạn. Theo kế hoạch, các hiện vật sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia Hàn Quốc từ ngày 8/11/2010 đến 6/2/2011. Sau đó, trưng bày tiếp tại Bảo tàng Quốc gia thành phố Gyeongju từ 28/2 đến 15/5/2011. Hiện, phía đối tác Hàn Quốc và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã phối hợp tiến hành xong các thủ tục kiểm và đóng gói hiện vật để chuyển đến Hàn Quốc.
Chuẩn bị cho cổ vật lên đường
Để giới thiệu một cách đầy đủ những sinh hoạt hàng ngày, tín ngưỡng, tôn giáo… của vương triều Nguyễn, 81 bộ hiện vật này sẽ được trưng bày theo các chủ đề sưu tập, như: Ấn triện thời Nguyễn, cành vàng lá ngọc, đồng sách, thể sách và sắc phong, đồ sứ, đồ gỗ, đồ bạc và đồ ăn trầu, y phục cung đình, hiện vật các trò chơi cung đình, pháp lam… “Dưới triều Nguyễn, Huế là kinh đô của cả nước, là nơi ăn ở và làm việc của vua quan, và cũng là nơi diễn ra những trò chơi tiêu khiển của tầng lớp này. Các trò giải trí trong cung đình lúc bấy giờ rất phong phú. Một số thiên về thể lực, một số thiên về trí tuệ hoặc kết hợp cả hai yếu tố nói trên...” Đó là một trong câu chuyện mà hiện vật các trò chơi cung đình triều Nguyễn, như: Đầu hồ gỗ khảm cẩn, đầu hồ pháp lam, tô sứ và bộ xăm hường... sẽ kể trong dịp này.
Trong một chuyến đến Huế khảo sát thực tế, ông Ro Myoung-Gu, Quản thủ Bảo tàng Cố cung quốc gia Hàn Quốc, bày tỏ sự thích thú về một số điểm khác nhau giữa văn hóa đời sống cung đình xưa ở 2 đất nước. Trong đó, đặc biệt ấn tượng với những cổ vật về các trò chơi cung đình; những bức tranh được vẽ trên gương, trên kính thể hiện nét sinh hoạt cung đình xưa; những bức bình phong với kích cỡ lớn mà vua chúa nhà Nguyễn thường dùng và cả những cổ vật được sơn son thếp vàng, hoặc mạ vàng. Hy vọng, “Báu vật cung đình triều Nguyễn ở Việt Nam” tại Hàn Quốc sẽ là một cuộc triển lãm thành công, dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác bảo vệ di sản của hai đất nước; đồng thời, cũng là lời giới thiệu đầy thuyết phục với bạn bè quốc tế về nét văn hóa cung đình một thuở trên đất Việt.
Đồng Văn