|
Trao đổi về các sản phẩm du lịch ở Huế |
Sản phẩm khó “sống lâu”
Khoảng chục năm trước, nhiều du khách quốc tế thích thú khi về cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) trải nghiệm dịch vụ chèo thuyền, thả cá trên sông Như Ý. Cuộc sống thôn dã, chèo thuyền bắt tôm cá, ra vườn làm rau được khách quốc tế xem như một trải nghiệm. Vài năm trở lại, sông Như Ý vắng bóng những trải nghiệm như thế. Một vài lần gặp khách quốc tế, có người hỏi đến dịch vụ ấy nhưng dường như chẳng còn.
Những ý tưởng, sản phẩm du lịch ra đời ở các địa phương không phải quá ít, nhưng có một thực tế là tuổi thọ của một số sản phẩm du lịch không bền. Tại chương trình khảo sát, học tập mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ông Trần Minh Tân, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển du lịch, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế chia sẻ đầy trăn trở rằng, thời gian qua, một số sản phẩm, mô hình du lịch ở các điểm du lịch chưa đạt kỳ vọng, thậm chí có những mô hình thất bại.
Ngày nay, tính cạnh tranh trong phát triển du lịch tại các địa phương rất lớn. Sự na ná nhau trong nhiều sản phẩm du lịch phần nào chia sẻ lượng du khách và cho thấy sự bế tắc trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch. Nhiều sản phẩm ra đời rồi cứ im lìm, nói “sống” cũng được mà “chết” cũng không sai vì vẫn còn đó nhưng chẳng có mấy du khách trải nghiệm.
Trong một chia sẻ liên quan, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc điều hành The Outbox Company, chuyên nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, khách sạn cho rằng, nguyên nhân chính cho vấn đề trên một phần do người làm sản phẩm chưa quan tâm đến thị trường và chưa đặt khách hàng làm trung tâm.
Việc bỏ qua bài toán thị trường, đi thẳng từ những tài nguyên sẵn có để tạo thành sản phẩm du lịch hay sao chép những dịch vụ đang thu hút sự chú ý của xã hội, tạo xu hướng mới để mong sản phẩm sẽ thu hút du khách, đem lại sự phát triển cho địa phương mà chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng sản phẩm, thiếu thông tin về thị trường trước khi làm sản phẩm là tình trạng đang diễn ra ở nhiều nơi.
Có cơ hội đi nhiều địa phương trong tỉnh hay đi nhiều tỉnh, thành trong nước để so sánh, dễ thấy là hàng loạt địa phương tổ chức lễ hội giống nhau, nhiều điểm du lịch xây dựng cùng mô hình như thang vô cực, cổng trời, các mô hình check-in. Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển sản phẩm với nhiều lỗ hổng, không tuân thủ nguyên tắc là phải xác định được khách hàng mục tiêu rồi mới phát triển sản phẩm phù hợp được ví như là “gót chân Achilles”, và đó là nhược điểm lớn trong cách thức phát triển sản phẩm du lịch.
|
Khách du lịch tham gia các trải nghiệm ở A Lưới |
Nghiên cứu kỹ bài toán thị trường
Quan sát kỹ sự tăng trưởng về quy mô thị trường và sự phát triển của hành vi của khách du lịch, không khó để thấy, sản phẩm du lịch đang ngày càng trở thành một mặt hàng tiêu dùng như những mặt hàng được khách hàng sử dụng thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cũng thường khẳng định, việc tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo là yếu tố thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch.
Sản phẩm du lịch được các chuyên gia đánh giá là điểm yếu của du lịch Cố đô nhiều năm trở lại đây. Trong khi các sản phẩm du lịch về văn hóa di sản đã có từ lâu thì các sản phẩm mới chậm hình thành, hoặc có lại thiếu tính quy mô. Các chuyên gia du lịch cũng từng nhiều lần góp ý với Huế, tiêu chí về sản phẩm có hấp dẫn, đặc trưng, mới lạ là yếu tố để du khách ra quyết định đi du lịch, rút “hầu bao”; doanh nghiệp cũng đưa ra quyết định về lịch trình của tour tuyến. Đối với khách du lịch, 70% chi tiêu là vào ban đêm, 30% còn lại là vào ban ngày. Muốn khách ở lại lâu, chi tiêu nhiều, sản phẩm du lịch đêm nói riêng và tổng thể sản phẩm phải hình thành đa dạng, nhưng phải đặc sắc, riêng có.
Trên thực tế, vẫn có không ít địa phương, doanh nghiệp chỉ tập trung vào công tác xây dựng, phát triển dự án theo ý tưởng riêng, cứ làm sản phẩm rồi mới tính đến chuyện đánh giá sản phẩm và nghĩ cách tìm khách hàng thích hợp để bán mà quên giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi để xác định thị trường mục tiêu. Đây là vấn đề cần thay đổi.
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, khách hàng là yếu tố sống còn. Do đó, phải đặt khách hàng làm trung tâm, lấy trải nghiệm của khách làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các điểm du lịch cần lưu tâm là việc xây dựng dữ liệu chân dung khách hàng, theo dõi hành trình của khách và quản trị các chỉ số quan trọng đo lường sự hài lòng khách hàng hay đo lường mức độ sẵn sàng của khách hàng khi tiếp tục sử dụng sản phẩm, dịch vụ và giới thiệu cho người khác… để làm nền tảng cơ sở cho tất cả hoạt động, trong đó có xây dựng sản phẩm.
Điều quan trọng không kém là phải thoát khỏi lối mòn suy nghĩ kiểu “địa phương thấy có gì tiềm năng thì phát triển” mà cần áp dụng một quy trình phát triển sản phẩm theo hướng xem ý kiến khách hàng là quan trọng, làm sản phẩm là để phục vụ khách du lịch dựa trên dữ liệu thực tế của thị trường và nhu cầu của du khách.