|
Cảng Chân Mây đón tàu du lịch quốc tế. Ảnh: TUẤN KIỆT |
Nhiều cơ hội, lắm trăn trở
Năm 2017, trong đoàn công tác ngành du lịch tỉnh đón khách quốc tế du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây, tôi có cơ hội được lên chiếc siêu tàu này. Không ngoa khi ví siêu tàu như một thành phố thu nhỏ khi có đầy đủ các tiện nghi, dịch vụ, từ vui chơi giải trí, khu vực chơi thể thao, nhà hát, khu mua sắm… Điều đặc biệt, những vị khách trên tàu cũng là những vị khách sẵn sàng chi tiêu mạnh tay. Đáng tiếc là qua trao đổi nhiều vị khách, rất nhiều người chia sẻ điểm đến của họ là Đà Nẵng hoặc ở lại trên tàu. Tìm kiếm thông tin vấn đề liên quan ở thời điểm đó, một số báo cáo chỉ ra con số chỉ khoảng 10% khách tàu biển khi cập cảng Chân Mây lên TP. Huế tham quan và mua sắm.
Chuyện của hơn 6 năm trước có lẽ khác với hiện tại rất nhiều. Song, dưới góc độ mong muốn du lịch Cố đô phát triển, nỗi lo trên vẫn còn tồn tại. Từ năm 2018 đến tháng 6/2023, các đơn vị liên quan của Thừa Thiên Huế đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu du lịch mang theo hơn 208.000 lượt khách du lịch, hơn 91.000 thuyền viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Số lượng tàu du lịch trong giai đoạn 2018 - 2019 tăng đều qua các năm nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, các hãng tàu du lịch phải hủy chuyến.
|
Dịch vụ trên các tàu du lịch biển rất tốt nên muốn hút khách phải đầu tư, nghiên cứu sản phẩm hấp dẫn |
Mới đây, tại hội nghị “Đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018 - 2023”, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng, tiềm năng, thế mạnh của du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao. Sản phẩm du lịch biển còn thiếu đa dạng. Một số cơ chế, chính sách liên quan đến đón khách du lịch biển vẫn chưa thuận lợi để đón khách tàu biển số lượng lớn.
Rõ ràng, trước khi nghĩ đến chuyện đưa khách lên TP. Huế, thì phải tạo ra được sản phẩm thu hút khách ngay tại khu vực gần cảng Chân Mây, bởi sẽ giữ chân khách ở Huế và phục vụ số lượng khách đáng kể ở lại cảng.
Cách đây vài năm, một loạt sản phẩm mới nhằm thu hút khách du lịch chung và cả khách tàu biển nói riêng được ngành du lịch triển khai, như Đại Nội mở cửa ban đêm, một số doanh nghiệp về cảng Chân Mây tổ chức một số chương trình ca Huế, phục vụ khách ở lại trên tàu. Các doanh nghiệp cũng chủ động liên kết, đầu tư hình thức vận chuyển mới để tăng chất lượng dịch vụ…, nhưng khách vẫn “kén” chọn Huế. Đây cũng là vấn đề trăn trở cần nghiên cứu.
Đầu tư, tìm giải pháp hút khách
Khách quan đánh giá thì chính quyền địa phương và ngành du lịch cùng các ban, ngành liên quan đã chủ động, tích cực để giải quyết bài toán thu hút khách quốc tế du lịch bằng tàu biển. Để phục vụ đón các đoàn khách du lịch tàu biển, cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m. Trong đó, cầu cảng số 1 dài 360m, cầu cảng số 2 dài 280m và số 3 dài 270m. Các bến số 4, 5 cảng Chân Mây với tổng chiều dài 540m đang triển khai các thủ tục về xây dựng, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn I vào quý I/2025.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hoàng Phước Nhật cho biết, năm 2024, Thừa Thiên Huế dự kiến đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và gần 19.000 thuyền viên; năm 2025 sẽ đón 26 lượt tàu với gần 30.000 hành khách và gần 13.000 thuyền viên; năm 2026 đón 7 lượt tàu với 18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên. Trước mong muốn thu hút khách đến Huế tham quan, trải nghiệm và chi tiêu khi đi du lịch, cần đầu tư nhiều mặt với các giải pháp linh hoạt.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan cần ban hành các chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển, đầu tư cho hệ thống cảng biển chuyên dụng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất, nhập cảnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ khách tàu biển. Đồng thời, tập trung xây dựng các sản phẩm chuyên đề hấp dẫn, có điểm nhấn; khai thác thị trường khách du lịch từ châu Á, trong đó tập trung vào các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... và các thị trường nguồn đầy tiềm năng như Bắc Mỹ và châu Âu.
Giải pháp quan trọng là nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, mang tính đón đầu, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách. Bên cạnh đó, cần chủ động xây dựng sản phẩm mới để khách tàu biển sử dụng trong một ngày; trong đó, giải trí và mua sắm cũng là mục tiêu chung của du lịch Huế. Tiến tới tạo cho Huế là điểm đến vừa mạnh về văn hóa, vừa có dịch vụ vui chơi, giải trí và mua sắm.
Trong hoạt động xúc tiến quảng bá, tỉnh cần tăng cường quảng bá du lịch tàu biển Việt Nam; tham gia các hội chợ du lịch tàu biển quốc tế, tích cực trong hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch tàu biển; đăng cai tổ chức các sự kiện liên quan đến du lịch tàu biển; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin điểm đến với các hãng tàu du lịch hoạt động thường xuyên ở khu vực. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý cảng, công ty lữ hành, hãng tàu biển và các cơ sở cung ứng dịch vụ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, giải trí để tăng tính hấp dẫn đối với du khách.