ClockThứ Sáu, 19/01/2024 06:20

Khai thác tốt tiềm năng du lịch từ lễ hội

TTH - Các hoạt động lễ hội ở Thừa Thiên Huế được đánh giá là một tiềm năng và thế mạnh lớn để phát triển du lịch. Quan trọng là làm sao để khai thác tốt du lịch lễ hội, tạo ra sự chuyến biến tích cực trong bức tranh du lịch địa phương.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Vui nhộn hội đua ghe câu chào năm mớiRa mắt điểm đến du lịch giảm rác thải nhựa tại Thủy BiềuGiải pháp kích cầu du lịch

Đua ghe trên sông Như Ý 

Lễ hội là cơ hội để hút du khách

Cùng với nhiều hoạt động chào đón năm mới, trong kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 của Thừa Thiên Huế có rất nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian, thể dục thể thao sắp được tổ chức. Nhiều lễ hội mang tính truyền thống đã được du khách thập phương biết đến, như: Lễ hội đền Huyền Trân, hội vật làng Sình, hội vật làng Thủ Lễ, lễ hội cầu ngư đầu năm ở các địa phương…

 Không quá khi nói Thừa Thiên Huế là điểm đến của di sản văn hóa, của lễ hội. Nếu như dịp đầu năm, vùng đất Cố đô rộn ràng với hàng chục lễ hội lớn nhỏ thì trong năm, Thừa Thiên Huế cũng mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm ở Festival Huế - Bốn mùa lễ hội. Là người đam mê khám phá văn hóa, thích hòa mình vào các lễ hội, tôi thấy rõ sức hút của các lễ hội ở Huế. Chỉ riêng lễ hội Chợ quê ngày hội tại cầu ngói Thanh Toàn mỗi dịp tổ chức đã thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Theo đại diện một số đơn vị lữ hành, không phải ngẫu nhiên, các địa phương trong cả nước quan tâm đến phát triển du lịch lễ hội. Xét ở nhiều góc độ, lễ hội truyền thống phản ánh một cách sinh động đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, gắn liền với các sự tích, sự kiện, được hình thành trong lịch sử và được vun đắp, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cũng vì thế, nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc hướng đến việc khai thác hiệu quả giá trị của di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống, vừa là mục tiêu cũng vừa là giải pháp để phát triển du lịch. Nhìn sang tỉnh bạn như Thanh Hóa, nhiều lễ hội gắn với các điểm đến tín ngưỡng - tâm linh của địa phương này hiện đang có sức thu hút lớn với khách du lịch, điển hình như lễ hội Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn, Mai An Tiêm, Cầu Ngư, Sòng Sơn, Mường Xia, Mường Khô, Mường Ca Da, Phố Cát...

Khai thác tốt các yếu tố văn hóa, lễ hội có thể tạo ra sản phẩm du lịch cho du khách 

Khai thác tốt du lịch lễ hội

Thừa Thiên Huế là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa và yếu tố văn hóa có sức hấp dẫn, là chất liệu để hình thành nên các sản phẩm du lịch để khách khám phá, trải nghiệm. Theo giới nghiên cứu, có hai yếu tố giúp lễ hội thu hút khách. Đầu tiên là lễ hội phục vụ nhu cầu của khách, thỏa mãn đúng mong muốn trải nghiệm của khách. Thứ hai là khả năng quảng bá lễ hội để thu hút khách. Khi lễ hội công bố sớm thời gian, địa điểm, quy mô, các dịch vụ… mới thuyết phục được du khách đặt vé máy bay, đặt phòng lưu trú đến tham gia lễ hội. Việc công bố quá chậm các thông tin của lễ hội khiến du khách khó sắp xếp thời gian, hoặc đã có những lựa chọn khác. Các doanh nghiệp lữ hành cũng bị động, khó kết nối xây dựng tour tuyến.

Du lịch lễ hội mang lại nhiều giá trị, trải nghiệm cho du khách, nhưng không phải lễ hội nào cũng thu hút được du khách. Tại Huế, một số lễ hội mang tính tâm linh thu hút khách hành hương, đến để chiêm bái, cầu nguyện. Còn không ít lễ hội văn hóa, thể thao khác ít thấy có sự xuất hiện của khách du lịch. Ngay cả những lễ hội nổi tiếng, như vật làng Sình, vật làng Thủ Lễ cũng chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Một số chuyên gia cho rằng, sự kết nối giữa ba bên: Quản lý Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Phía các doanh nghiệp gần như còn bỏ ngỏ việc khai thác tính đặc trưng của lễ hội để phát triển du lịch. Các tour tuyến chuyên biệt về lễ hội gần như chưa có.

Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Huế cho rằng, để lễ hội thu hút khách không phải dễ. Trước hết, phải làm rõ việc tổ chức lễ hội hay sự kiện. Với quan điểm tổ chức lễ hội thuần túy thì sẽ dừng ở mức là hình thái sinh hoạt của cư dân bản địa, chỉ thu hút một bộ phận ít khách đến tìm hiểu lễ hội. Còn khi nhìn nhận tổ chức lễ hội thành sự kiện thì có tính bài bản hơn, có dịch vụ, có trải nghiệm và có nguồn thu. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ dòng khách nào chọn lễ hội, để tập trung thúc đẩy các giải pháp thu hút.

Theo một số chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch lễ hội, cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch. Và điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách. Đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, lễ hội là thành tố quan trọng của sản phẩm du lịch văn hóa. Thời gian đến, ngành du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương để phát huy hơn nữa sản phẩm được đánh giá có thế mạnh này, quan tâm kết nối của doanh nghiệp để xây dựng tour tuyến phù hợp với từng lễ hội.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch biển đảo ở Phú Lộc: Thừa tiềm năng, thiếu dịch vụ tour tuyến

Sau khi công ty làm tour du lịch trải nghiệm Đảo Ngọc (đảo Sơn Chà) bị đình chỉ do không đủ điều kiện hoạt động, du lịch biển đảo tại Phú Lộc càng thiếu dịch vụ giữa muôn trùng tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều rất trăn trở về điều này.

Du lịch biển đảo ở Phú Lộc Thừa tiềm năng, thiếu dịch vụ tour tuyến
Hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm

Sáng 19/7, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị họp bàn về đề nghị của Tổng công ty hàng không Việt Nam (TCTHKVN) mời hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp.

Hợp tác phát động khách du lịch sử dụng sản phẩm bay đêm
Để điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa

Lợi thế về cảnh quan, di sản văn hóa, nét cổ kính, trầm mặc của đền đài, cung điện, di tích, kiến trúc..., Huế đang là điểm đến được các nhà làm phim lựa chọn. Đây cũng là cơ hội để điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa.

Để điện ảnh đưa du lịch Huế vươn xa
Trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, văn hóa, xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

Trong 2 ngày 16 - 17/7, Đoàn công tác Tỉnh ủy Khánh Hòa do ông Nguyễn Hải Ninh, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để trao đổi kinh nghiệm về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số; phát triển du lịch, văn hoá; xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản Cố đô gắn với thúc đẩy các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, văn hóa, xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top