Làng gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) được thành lập vào năm 1470, nổi danh là làng gốm “tiến vua”.
Ngày nay, ông Lê Trọng Diễn thỉnh thoảng mới làm om
Nghề làm muối nung cũng song hành cùng với nghề sản xuất gốm nổi tiếng của làng. Ông Lê Trọng Diễn (68 tuổi), người làm gốm Phước Tích lâu nhất còn sống chia sẻ, gọi làm muối lò (hay muối nung) là một nghề cũng đúng mà không đúng lắm vì muối được làm ra do người trong làng họ tận dụng nguồn nhiệt tỏa ra ở cửa lò. Nói nôm na cho dễ hiểu như bây giờ ta làm nấm, cũng là tận dụng rơm rạ từ ruộng.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, muối lò xuất hiện cùng thời điểm với nghề gốm, ngót ngét cũng hơn 500 năm.
Du khách đến thăm Phước Tích. Ảnh: L.Tuệ
Theo đó, khi nghệ nhân làm gốm hoàn thành xong khâu tạo hình, phơi khô om, tréc họ sẽ cho muối sống mua ở chợ (muối hột chưa hoàn toàn ráo nước) vào các cái om rồi đặt ở phía sau lò (đạo lò) và cửa lò để đến 2-3 ngày, khi om nung đạt yêu cầu thì muối cũng được lấy ra.
Nhiệt độ ở đạo lò thấp hơn, còn ở cửa lò thì có nguồn nhiệt tỏa ra nên các chất hữu cơ có trong muối hột sẽ cháy hết. Muối trở nên tinh khiết, mịn màng và trắng tinh hơn so với màu xám ban đầu.
“Tùy vào om to hay om nhỏ, mỗi om người ta cho vào khoảng 2-3kg muối sống để nung cùng om, muối lò thu được từ muối sống mỗi om xấp xỉ khoảng 60% “, ông Diễn cho hay, “Ở cửa lò nguồn nhiệt tỏa ra không biết làm gì nên họ đặt om có đựng muối ở đó để tận dụng nguồn nhiệt”. Khi cho ra lò những sản phẩm gốm, người ta thường thấy những om muối lò trắng tinh được lấy ra.
“Muối biển thường mặn chát nên người làng Phước Tích mới cho vào lò gốm nung để thu muối vị mặn dịu, đằm hơn, ngon hơn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho hay. Còn ông Nguyễn Ngọc Đức (62 tuổi), một người dân trong làng cổ, cười và bảo: “Ngày còn nhỏ tui toàn ăn muối lò, muối đó ngon, mặn nhưng thơm và khô, rất dễ ăn, mỗi bữa cầm bát cơm đầy ăn với muối lò cũng đủ ngon miệng rồi”.
Theo như nhiều tài liệu còn lưu giữ của làng, ngày xưa cả làng có khoảng 12 khẩu lò gốm, mỗi khẩu lò có 3 lò, mỗi lò nung khoảng 20-30 sản phẩm, làm ra không đủ để bán. Muối làm ra cũng nhiều hơn, trung bình mỗi tháng thu được một đến vài tấn muối. Người dân làng cổ Phước Tích làm ra muối lò phần để ăn, phần đem về các miền quê, chở đến các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng... bán hoặc đổi lấy lúa, đậu, ruốc...
Muối lò dùng để chế biến thức ăn hằng ngày như tương chao, mắm, gà um muối, muối sống cơm chay... phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân.
Kể từ năm 2006, cùng với sự suy tàn của nghề làm gốm cổ truyền do nhiều sản phẩm làm bằng nhựa, inox... ra đời, muối lò cũng không còn thấy xuất hiện trên ngôi làng cổ hơn 530 năm này. Bởi theo ông Diễn, muối lò phải đựng trong om mới ngon, mới đạt chuẩn nhưng nghề gốm Phước Tích bây giờ chuyển sang làm các sản phẩm gốm mỹ thuật như chai, lọ, bình nước... để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Muối nung Phước Tích giờ chỉ còn trong trí nhớ của những người già.
Nguyễn Vương - Tuấn Hiệp