ClockThứ Năm, 12/04/2018 06:00
HƯỚNG DẪN VIÊN TẠI ĐIỂM:

Hướng tới chuyên nghiệp

TTH - Huế đang triển khai xây dựng hướng dẫn viên (HDV) tại điểm, nhằm hướng đến sự chuyên nghiệp và “đẳng cấp” cho ngành du lịch và hạn chế tối đa việc hướng dẫn sai lệch.

Bồi dưỡng nghiệp vụ cho lái xe du lịchDu lịch Huế: Vẫn lận đậnLành mạnh hóa môi trường du lịchHuế chính thức có câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịchĐi du lịch cần biết quy tắc ứng xửDu lịch & lịch lãm

Trong tương lai, các điểm di tích sẽ chỉ sử dụng HDV tại điểm

“Nút thắt” được gỡ

Năm 2016, trước tình trạng người nước ngoài sang hành nghề hướng dẫn trái phép tại Huế và các địa phương, cùng với đó là mối lo bị xuyên tạc lịch sử, giải pháp được đưa ra là sử dụng HDV tại điểm. Khi khách đến Huế, cụ thể là ở các điểm di tích, chỉ sử dụng đội ngũ thuyết minh viên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Tuy nhiên, có hai “nút thắt” đã khiến ngành du lịch Huế không thể triển khai, một là còn vướng bởi một số quy định của luật và hai là, nội tại của Huế thiếu các HDV tiếng hiếm.

Luật Du lịch 2017 ra đời và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018, theo đó với những quy định mới, “nút thắt” lớn nhất được gỡ. Ngoài HDV nội địa, quốc tế, luật còn phân ra HDV du lịch tại điểm. Chức năng của HDV tại điểm phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch và phải có sự phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đó.

Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch cho hay, khoản C, điều 25 của Luật Du lịch 2017 có quy định rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch. Theo đó, điểm du lịch được tổ chức dịch vụ hướng dẫn; quy định, quản lý việc sử dụng HDV du lịch trong phạm vi quản lý.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, “nút thắt” thứ hai phần nào được giải quyết khi trung tâm đang phối hợp với Trung tâm Giải pháp phần mềm Audio, lập chương trình audio guide (thuyết minh bằng tai nghe điện tử), dự kiến tháng 6/2018 sẽ đưa vào thí điểm. Du khách đến tham quan di tích sẽ được sử dụng một thiết bị có gắn tai nghe. Trong thiết bị có dữ liệu được đánh số tương ứng với từng điểm cụ thể tại các điểm di tích. Chẳng hạn như khi khách vào điện Thái Hòa, chỉ bật lên nội dung được đánh số sẵn để nghe thuyết minh.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, nhằm đáp ứng với xu hướng, hệ thống thuyết minh audio guide  sẽ tích hợp với điện thoại thông minh của du khách, giúp vừa nghe được thuyết minh vừa xem hình ảnh. Nội dung được chuẩn hóa và dịch sang 8 thứ tiếng, kể các tiếng hiếm như Ý, Đức… sau đó, tiến tới 12 ngôn ngữ.

Có lộ trình

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, ở nhiều quốc gia, nhất là ở các nước có nhiều di sản, di tích lịch sử, chỉ dùng riêng HDV tại điểm. Như tại Thái Lan, khi vào tham quan Hoàng Cung, chỉ có những HDV nơi đây mới tham gia hướng dẫn. Họ mặc trang phục truyền thống và được đào tạo rất bài bản. Đây là những giải pháp thể hiện rõ tính chuyên nghiệp và “đẳng cấp” của du lịch Thái Lan mà lâu nay Huế luôn muốn xây dựng.

Ông Nguyễn Việt Dũng thừa nhận, lâu nay một số HDV thuyết minh tại các điểm di tích vẫn còn sai lệch, dùng loa, micro dạng đeo tai hướng dẫn làm ảnh hưởng các du khách khác, đó là chưa kể ăn mặc thiếu lịch sự… Giải pháp tạm thời là sử dụng hệ thống camera an ninh, các bảo vệ quay phim, ghi âm lại các trường hợp để điều chỉnh, xử lý. Ngoài ra, phối hợp với thanh tra du lịch kiểm tra hợp đồng, thẻ hành nghề của các HDV khi tham gia hành nghề.

“Hiện tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Du lịch xây dựng bộ quy chuẩn nội dung thuyết minh. Sau khi hoàn chỉnh, sẽ tiến hành bước tiếp theo thành lập HDV tại điểm”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Trước thông tin các điểm di tích chỉ sử dụng HDV tại điểm, HDV Nguyễn Đình Quyên cho rằng, nếu phương án này được triển khai, chắc chắn những HDV suốt tuyến sẽ phản đối. Theo luật, khi HDV đã được Tổng cục Du lịch cấp thẻ thì được quyền hướng dẫn ở các nơi. Trong khi đó, ông Trần Hữu Cửu, Chủ tịch Chi hội HDV chia sẻ, nếu cơ quan chức năng làm theo luật thì “anh em” HDV sẽ không phải đối. Thế nhưng cần có các giải pháp và nếu đượ, cơ quan chức năng cần trao đổi với lực lượng HDV để nắm tâm tư. Vì khi sử dụng HDV tại điểm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập, đời sống của HDV.

Về vấn đề mà các HDV lo lắng, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, trung tâm sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo đủ thẩm quyền như Khoa Du lịch, Trường cao đẳng Du lịch tổ chức những đợt tập huấn, bồi dưỡng cho các HDV suốt tuyến. Sau khi tập huấn sẽ cấp chứng chỉ và những ai có chứng chỉ, dĩ nhiên đủ điều kiện để hướng dẫn trong các điểm di tích. Về các lớp tập huấn sẽ không hạn chế HDV nào. Để kiểm soát chất lượng, sẽ có đợt sát hạch khá gắt gao.

Gần đây, tại Đà Nẵng lại xuất hiện tình trạng người Trung Quốc sang hành nghề và cung cấp những thông tin sai lệch về chủ quyền của nước ta. Huế cần đón đầu các giải pháp hạn chế tình trạng này. Hình thành HDV tại điểm là cần thiết, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, có lộ trình để tránh những ý kiến trái chiều.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

TIN MỚI

Return to top