Chùa Linh Mụ là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi thăm Huế. Ảnh: Bùi Vũ
Cần nắm bắt xu hướng
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, chủ nhân Tịnh cư Cát Tường Quân, địa điểm nổi tiếng với loại hình du lịch tâm linh ở Huế chia sẻ, cách đây không lâu, WTO tổ chức một hội thảo với sự tham gia của những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về du lịch trên toàn thế giới và đã đưa ra dự báo rằng, du lịch hưởng thụ sẽ xuống thấp, việc “ăn chơi” cũng đến lúc nhàm chán và con người chuyển sang một nhu cầu mới, đó là du lịch tâm tưởng.
Xu hướng này đang bắt đầu phát triển mạnh ở các quốc gia có thế mạnh về du lịch tâm linh, nhất là một số quốc gia trong khu vực ASEAN, như Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Theo ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch, Sở Du lịch, ở nước ta, không nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh. Huế là một trong số ít địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an sinh xã hội. Các điểm đến tâm linh ở Huế được hình thành một cách tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo, chứ không phải nhân tạo. Đây là yếu tố cơ bản để định hình nên giá trị tâm linh của Huế.
Chủ nhân Cát Tường Quân nhận định, tùy vào mục tiêu của mỗi điểm đến mà hướng đến những dòng khách khác nhau. Khi những doanh nhân, chính khách, giới thượng lưu đã chán về vật chất thì tìm niềm vui ở bên trong. Nắm bắt nhu cầu này, Cát Tường Quân chọn dòng khách cao cấp. Tất nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của những vị khách hạng sang thì dịch vụ cũng phải đẳng cấp tương ứng. Chính việc có những dịch vụ tốt và khác biệt, du khách cảm thấy thỏa đáng với kinh phí bỏ ra mà lịch đón khách của tịnh cư đã kín phòng trong năm 2018.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, ông đã đi nhiều nơi và biết được những sản phẩm du lịch độc đáo. Khi qua Kyoto (Nhật Bản) có hình thức ngồi thiền rất thú vị. Trong một công viên nhiều cây xanh, có ghế và những tảng đá để ngồi, hàng ngàn người cùng ngồi thiền trong không gian tĩnh lặng vô cùng, không có một tiếng nói. Hỏi ra, người Nhật quá bận rộn với công việc, ai cũng cần những phút tĩnh lặng để tái lập cân bằng, tiếp tục công việc. Ở Việt Nam nói chung và Huế cũng thế, sự phát triển đến lúc nào đó sẽ làm cho con người muốn tìm đến những không gian yên tĩnh, mà Huế là điểm đến quá lý tưởng.
Du khách tham quan chùa Thiên Mụ
Phân loại từng dòng khách
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, du lịch tâm linh ở Huế hoạt động đang ở quy mô nhỏ lẻ, có tính chất "đến hẹn lại lên". Một số điểm du lịch có đón khách nhưng chỉ là khách hành hương, đến khấn bái, cầu phúc, cầu may chứ chưa có những trung tâm hành thiền, những dịch vụ khác để khách có thể ở lại nhiều ngày. Do đó, nguồn thu từ du lịch tâm linh chưa được nhiều.
Ông Nguyễn Hàng Quý, Giám đốc Công ty du lịch HGH, một công ty hiếm hoi có xây dựng tour du lịch tâm linh cho hay, khách rất ít đặt tour để đi dù lịch trình tour rất linh động và nhiều dịch vụ, kể cả thiền và yoga. Qua tìm hiểu, lượng khách đến Huế để đi viếng chùa, các điểm tâm linh không phải ít, nhưng đa số họ tự đi và đi trong thời gian ngắn.
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo nhận định, nếu so sánh phát triển về hạ tầng thì Huế không bằng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Nhưng xét về cảnh quan, nhất là chiều sâu của văn hóa và tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh thì Huế “ăn đứt” các nơi khác. Đầu tiên, cần cho du khách thấy chiều sâu của Huế, tâm hồn của vùng đất Cố đô, là cái nôi của Phật giáo...
Cũng theo chủ nhân Cát Tường Quân, sau đó, Huế cần có những sản phẩm đáp ứng được hai dòng khách chủ yếu của du lịch tâm linh. Thứ nhất là khách chỉ đi hành hương, vẫn đáp ứng được nhu cầu bằng những dịch vụ bình dân. Dòng khách thứ hai Huế phải tập trung khai thác, là giới thượng lưu, chính khách, doanh nhân muốn đến Huế để tìm niềm vui bằng những chuyến lưu trú để hành thiền dài ngày. Đối với dòng khách cao cấp này cần thiết kế một quy trình đón tiếp thật bài bản và chuyên nghiệp ngay từ sân bay, cho đến nơi lưu trú.
Bước tiếp theo, Huế cần hình thành được những trung tâm thiền, trong những không gian cực kỳ yên tĩnh. Có thể hình thành những điểm ngồi thiền ở đồi Vọng Cảnh nhìn ra sông Hương hay ở những khu rừng yên bình xanh tươi xây dựng các tịnh thất nhỏ để ngồi thiền. Nếu có một kế hoạch như thế, Huế sẽ bỏ xa các địa phương khác về sức hấp dẫn của du lịch và có thể sử dụng câu slogan: “Huế - Điểm đến của du lịch tâm tưởng”.
Ông Trần Viết Lực cho hay, trong năm 2018 này, Sở Du lịch sẽ lập đề án về phát triển du lịch tâm linh ở Huế. Thời gian đến, ngành tiến hành trao đổi với những doanh nghiệp đã từng triển khai tour này, tìm nguyên nhân vì sao chưa hiệu quả. Công việc tiếp theo là làm việc với các ngành liên quan về thống nhất quy chế an ninh. Theo quy định, một số ngôi chùa khách không thể ở lại qua đêm. Sau đó sẽ hình thành tour và tiến hành khảo sát, dành thêm thời gian để doanh nghiệp vận hành sau đó điều chỉnh và triển khai chính thức trong năm 2019.
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo đánh giá, có một kế hoạch đúng, du khách được hưởng thụ những giá trị cao nhất mà loại hình du lịch tâm linh mang lại, Huế sẽ "lấy" tiền của khách một cách rất nhân văn và sang trọng.
Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo phân tích, xét về mặt kinh tế, nguồn thu từ du lịch tâm linh thậm chí còn nhiều hơn so với nhiều loại hình khác. Du lịch hưởng thụ tạo nguồn thu cho 3 người, còn du lịch tâm linh tạo nguồn thu đến 5 người. Chỉ xét về dòng khách hành hương, để đi viếng chùa thì khách phải mua nhang, vật dụng, trang phục... mang lại nguồn thu lớn trong dân.
Bài, ảnh: Đức Quang