Doanh nghiệp Đà Nẵng đến tuyển dụng sinh viên Trường cao đẳng Du lịch Huế
Cạnh tranh nhiều hơn hợp tác
Liên kết giữa 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là mô hình điểm về liên kết phát triển du lịch của cả nước. Ở các lĩnh vực, như quảng bá, phối hợp quản lý các hoạt động, nhất là liên kết tour tuyến chung cho thấy hiệu quả. Tuy nhiên, trong liên kết phát triển có một khía cạnh ít khi được đề cập đến chính là liên kết đào tạo, phát triển nhân lực du lịch, bởi trên thực tế, các địa phương đang cạnh tranh hơn là chia sẻ, liên kết hợp tác cùng có lợi.
Việc cạnh tranh phần lớn do yếu tố khách quan hơn chủ quan. Nếu địa phương nào có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao, cơ hội thăng tiến sẽ hút nhân lực, nhất là nhân lực có chuyên môn và chất lượng. Trong ba địa phương, Đà Nẵng đang là “nam châm”. Gần đây, Quảng Nam cũng đang bắt đầu “hút” nhân lực du lịch từ Huế khá nhiều.
Câu chuyện khát nhân lực được dự báo sẽ tiếp tục là vấn đề nóng của Huế và các địa phương trong khu vực. Thống kê của ngành du lịch Đà Nẵng, thành phố này đang cần khoảng 20.000 lao động trong thời gian đến. Tương tự, ở Quảng Nam, trong vòng 1 năm tới, cần thêm ít nhất 5.000 lao động. Trong khi đó, với Huế cần phải nhìn nhận rằng, tốc độ tăng trưởng về các cơ sở lưu trú chậm hơn, các điểm vui chơi, giải trí… chưa hình thành khiến nhu cầu về nhân lực ở Huế không bằng. Mức thu nhập ở Huế thường thấp hơn các địa phương, càng làm cho Huế yếu thế hơn trong cạnh tranh.
Rõ ràng, đặt trên mối liên kết phát triển du lịch chung, vẫn còn đó những trở lực và Huế đang là địa phương bị “chia sẻ” nguồn nhân lực nhiều nhất. Thống kê từ các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch ở Huế, mỗi năm có trên dưới 1.500 sinh viên ra trường. Đa số lao động này di chuyển đến các nơi khác để làm việc, số lượng ở lại Huế chỉ khoảng 10 - 20%.
Vấn đề chuyển dịch, cạnh tranh lao động giữa các địa phương là điều khó tránh khỏi. Riêng với Huế, cần phải nhìn nhận và có những giải pháp để giữ chân lao động. Nếu không sẽ làm mất cán cân, nhất là sự chủ động cho sự phát triển của tương lai. Chẳng hạn khi các hạng mục giai đoạn 2 của dự án Laguna Lăng Cô tiếp tục hoàn thiện, nâng tổng số phòng lưu trú lên khoảng 5.000 phòng, cùng với đó là nhiều dịch vụ được đưa vào khai thác, đòi hỏi một lượng lao động chất lượng không hề nhỏ.
Hướng dẫn viên đưa khách tham quan Đại nội
Hợp tác, chia sẻ cùng có lợi
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, liên kết chia sẻ nhân lực du lịch lâu nay chưa được thể hiện nhiều. Gần đây, việc các địa phương tạo điều kiện để các hướng dẫn viên hỗ trợ nhau được xem như bước chạy đà cho những liên kết tiếp theo. Đối với khách tàu biển, mỗi lần cập cảng ở Huế hay Đà Nẵng đều cần lượng lớn hướng dẫn viên phục vụ. Nếu tàu cập cảng ở Huế, hướng dẫn viên từ Đà Nẵng sẽ ra và ngược lại. Sự hỗ trợ này giúp hai địa phương giảm đi phần nào tính bị động.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (đầu mối liên kết ba địa phương của Huế) cho biết, trong các kế hoạch liên kết ba địa phương thời gian đến, nội dung chia sẻ hợp tác nguồn nhân lực chắc chắn sẽ được đề cập nhiều hơn. Việc hợp tác này đặt mục tiêu tạo cơ hội chia sẻ, học tập kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực giữa các hội, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch ba địa phương, hạn chế tính cạnh tranh.
Ngày 5/12/2018, Chính phủ có Quyết định số 1685/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Một nội dung quan trọng là sắp xếp, kiện toàn hệ thống quản lý du lịch, từng bước hình thành cơ chế điều phối phát triển du lịch theo các vùng du lịch đáp ứng yêu cầu liên kết phát triển du lịch. Theo đó, tư duy phối hợp, liên kết trong phát triển và sử dụng nhân lực du lịch trong khu vực phải được tốt hơn.
Các doanh nghiệp du lịch ở Huế cho rằng, trong liên kết chia sẻ nhân lực du lịch, nếu chỉ quản lý Nhà nước sẽ không đủ, vì doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động. Do đó, cần có cơ chế chung, có sự ràng buộc, hỗ trợ nhau trong sử dụng nguồn lao động là điều cần được tính đến.
Bài, ảnh: Đức Quang