ClockChủ Nhật, 25/10/2020 22:25
QUY HOẠCH, PHÁT TRIỂN DU LỊCH:

Tránh lối mòn, hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 2: Quy hoạch, bài toán chưa được giải

TTH - Rất bất ngờ khi lâu nay vẫn tồn tại bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng không hề được đề cập và cũng không trở thành “kim chỉ nam” cho sự phát triển của du lịch Huế.

Tránh lối mòn, hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: “Mắc kẹt giữa đám đông mà không có sự khác biệt”

Du khách đến Huế chủ yếu để tham quan di sản

Kỳ vọng nhiều, nhưng...

Tên gọi đầy đủ của quy hoạch này là “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 – 2020, định hướng đến năm 2030”, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (thời điểm chưa tách sở) làm đơn vị chủ quản; đơn vị tư vấn là Akitek Tenggara (Singapore). Kinh phí để thực hiện quy hoạch này khoảng 470 nghìn USD được kỳ vọng giúp du lịch Huế sớm lấy lại vị thế trên “bản đồ” du lịch cả nước. Tháng 7/2013, quy hoạch được hoàn thiện.

Ngoài những định hướng phát triển, trong nội dung quy hoạch, Akitek Tenggara đưa ra 10 dự án trọng điểm với mục tiêu sẽ làm thay đổi du lịch Huế. Cụ thể là những khu định cư “nông - thị” kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch; những khu định cư “nông - thị” kết hợp với du lịch sinh thái; nâng cấp Sân bay Phú Bài; dự án Làng sinh thái ở đầm Lập An; Khách sạn nổi Vinh Thanh; Khách sạn nổi Thuận An; dự án “Venice trên những cánh đồng lúa” ở đầm Cầu Hai; Khu nghỉ mát trên đồi Bạch Mã; Làng mưa và nghệ sĩ Lương Quán, dự án Trung tâm MICE (hội nghị) và biểu diễn nghệ thuật, truyền thông, có sức chứa tới 2.000 người. Đơn vị này cam kết sẽ hỗ trợ Huế cụ thể hóa ít nhất 3 dự án trong danh sách trên.

7 năm trôi qua, tất cả 10 dự án trọng điểm mà Akitek Tenggara đề xuất cho Huế, không có bất kỳ dự án nào khởi động. Điều khó hiểu không dừng ở đó, khi quy hoạch không được ngành du lịch đề cập đến suốt nhiều năm qua. Ngay trong Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy năm 2016 cũng không có nội dung nào đề cập đến quy hoạch, dù quy hoạch ra đời trước đó chỉ 3 năm. Ông Phan Trọng Minh, Giám đốc điều hành Khách sạn Azerai La Residence thông tin, từ năm 2015 về trước, tại các cuộc làm việc với tỉnh và ngành các định hướng, góp ý chuyên môn đều dựa trên quy hoạch. Nhưng đã rất lâu, trong các cuộc làm việc, hay sự kiện lớn đều không hề đề cập nữa. “Có lẽ, quy hoạch này đã không còn áp dụng”, ông Minh hoài nghi.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, trên thực tế, quy hoạch này đã không còn được áp dụng. Quy hoạch năm 2013 khác với các quy hoạch trước chính là ở 10 dự án trọng điểm mà phía đơn vị tư vấn sẽ hỗ trợ thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là việc đầu tư, đưa Sân bay Phú Bài thành sân bay lớn của khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư hạ tầng sân bay theo hình thức xã hội hóa thời điểm này chưa có trong tiền lệ và bị ràng buộc quá nhiều quy định. Sau thời gian dài bế tắc, đại diện của hãng hàng không muốn đầu tư ở Phú Bài bị kỷ luật, dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khiến 10 dự án đề cập trong quy hoạch cũng không được đối tác hỗ trợ triển khai.

Điều thắc mắc nữa là đã trải qua 7 năm, quy hoạch tổng thể nêu trên không được sơ kết, đánh giá để có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ôm đồm, thiếu tính thực tiễn

Thiếu tính thực tiễn là mấu chốt dẫn đến không thành công của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Huế vào năm 2013. Trước hết là xã hội hóa đầu tư sân bay, việc chưa lường hết khó khăn và những vướng mắc trên thực tế khiến mọi việc vượt quá tầm kiểm soát. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Du lịch cũng nhìn nhận, về khách quan, 10 dự án trọng điểm trong quy hoạch phần lớn chưa thể hiện tính khả thi.

Văn hóa - di sản lâu nay vẫn được xác định là sản phẩm nền, cốt lõi, là “thỏi nam châm” hút khách và chính là lợi thế so sánh lớn nhất, duy nhất trong cả nước mà Huế sở hữu. Tuy nhiên, tốc độ phát triển dịch vụ bên trong Quần thể Di tích Cố đô Huế không theo kịp với tốc độ phát triển của du lịch. Những sản phẩm chưa tạo ra cuộc “cách mạng”. Nguồn thu từ dịch vụ tại quần thể di sản chỉ chiếm khoảng 1%.

Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng một quy hoạch phát triển dịch vụ ở di sản. Mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu nguồn thu dịch vụ đạt tỷ trọng 30% so với nguồn thu bán vé tham quan. Đến nay, việc phát triển dịch vụ ở di sản còn ít. Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thẳng thắn đánh giá, bản quy hoạch trước đó đã quá ôm đồm nhiều dịch vụ. Các sản phẩm khi triển khai chỉ đáp ứng nhu cầu xem, khám phá, chứ chưa khơi dậy tính tò mò, hưởng thụ…

Trong quy hoạch dịch vụ ở khu vực Đại Nội năm 2012, lấy khu vực Phủ Nội Vụ làm điểm chính để quy hoạch toàn bộ dịch vụ kinh doanh, trong đó có khu trưng bày và kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm thủ công truyền thống, giải khát và ẩm thực cung đình... Hình thành một nhà hàng cung đình đạt tiêu chuẩn 5 sao để làm nơi đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia, giới doanh nhân và những du khách muốn thưởng thức tinh hoa ẩm thực cung đình Huế. Đồng thời, kết nối các điểm Nhà hát Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, phủ Nội Vụ, vườn Cơ Hạ - Hậu Hồ... để tạo thành chuỗi dịch vụ.

Ông Mai Xuân Minh cho hay, về năng lực của trung tâm không thể triển khai dịch vụ quy mô như thế, đòi hỏi có nhà đầu tư. Nhưng khó nhất là thu hút đầu tư để khai thác dịch vụ trong di sản. Thông thường, sau khi nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát, sẽ xây dựng đề án. Giữa hai bên thấy phù hợp sau đó mới tiến hành các thủ tục cần thiết khác để đầu tư. Khi chi tiết hóa dự án bằng các hạng mục cụ thể lại mắc ở những quy định của Luật Di sản. Một nguyên nhân khác là các nhà đầu tư thường muốn sở hữu tài sản, tạo thuận lợi trong huy động nguồn vốn đầu tư. Nhưng những gì thuộc di sản thì không thể có quyền sở hữu, nên nhiều nhà đầu tư ban đầu đã đồng ý, sau đó bỏ cuộc. Hoặc có đầu tư, cũng chỉ quy mô nhỏ lẻ, dịch vụ đơn giản, không tạo được điểm nhấn.

Năm 2017, sản phẩm “Đại Nội về đêm” được xây dựng, khai thác song lại “đứt gánh nửa chừng” vì nhiều lý do. Nhìn thẳng vào sự thất bại này, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, khi tổ chức đã quá ôm đồm, hình thành nhiều không gian, nhưng lại làm “không tới”. Đây là bài học kinh nghiệm lớn.

Ngày 26/8/2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1622/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030; đồng thời thay thế Quyết định 1402/QĐ-UBND năm 2009 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trước đó.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG - Infographic: NGUYÊN LINH

Bài 3: Nghĩ khác, làm khác

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp lễ tết, mùa cao điểm du lịch và tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty, khu nghỉ dưỡng, phòng vé bán combo, vé máy bay du lịch để lừa đảo du khách.

Khuyến cáo du khách cảnh giác chiêu trò lừa đảo trên mạng
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Return to top