ClockThứ Ba, 24/01/2012 07:43

Hình tượng con rồng trong điệu múa cung đình "Long Hổ hội"

TTH - Nghệ thuật múa cung đình Huế có từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Đào Duy Từ là người đã có công chỉnh sửa các điệu múa cung đình của các triều đại trước và bước đầu xây dựng múa cung đình Huế cùng với những cơ sở đào tạo nhạc công, vũ công cho loại hình nghệ thuật này.

Đây chính là những giá trị tinh thần không thể thiếu trong chốn hoàng cung xưa. Đặc biệt trong các điệu múa cung đình, hình tượng các con vật “linh” luôn là nguồn cảm hứng để nhiều thế hệ vũ sư lấy đó làm đề tài để sáng tạo nên nhiều điệu múa như: Lân mẫu xuất lân nhi; phụng vũ; long, lân, quy, phụng;… trong đó thông qua các động tác vũ đạo tuồng và võ thuật mang tính ước lệ, điệu múa cung đình “Long Hổ hội” đã được sáng tạo dựa vào sự tưởng tượng về biểu hiện thuộc tính của hai loài vật này.  

Giống như hình tượng rồng được trang trí trong cung điện của nhà vua, các nghệ sỹ cung đình cũng đã đưa hình tượng con rồng vào điệu múa “Long Hổ hội” với vẻ uy nghi khi rồng ẩn mình trong đám mây tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng của đấng thiên tử. Nghệ nhân múa cung đình - NSƯT La Cẩm Vân cho biết, hình tượng con rồng trong điệu múa cung đình “Long Hổ hội” mang ý nghĩa trời đất hòa hợp, mưa thuận gió hòa. Điệu múa này thường được biểu diễn trong ngày Gia Long Khai Quốc hay Hưng Quốc Khánh Niệm (mồng 2/5 âm lịch) và những ngày khánh hỷ của triều đình nhà Nguyễn.
 
 
Các nhà nghiên cứu về nghệ thuật cung đình Huế cho biết, từ xưa ngoài dân gian đã có điệu múa rồng ở hội Gióng, trong điệu múa này cha ông ta đã sử dụng cách đốt rơm và phun lửa để tăng thêm tính hấp dẫn, cuốn hút đám rước. Sau này hình tượng con rồng trong điệu múa cung đình “Long Hổ hội” cũng có sử dụng động tác phun lửa, tuy vậy theo các nghệ nhân múa cung đình đây chỉ là sự sáng tạo thêm của các thế hệ vũ công sau này.
 
 
Theo nghệ nhân múa cung đình La Hùng (con trai cố nghệ nhân La Cháu – nghệ nhân tuồng và múa hát cung đình cuối cùng của triều Nguyễn) ngoài biểu tượng của trời, long (con rồng) còn đại diện cho vua (con trời), long xuất hiện đồng nghĩa với trời hoặc vua ban điềm lành cho khắp thiên hạ. Do đó, trong điệu múa khi thể hiện hình tượng rồng xuất hiện nghiên mình bay xuống người diễn viên phải sử dụng vũ đạo của nghệ thuật tuồng để làm những động tác đặc thù của con rồng bằng trí tưởng tượng theo thẩm mỹ của văn hóa thời đại. Các động tác đó được mô tả như: rồng dang oai, rồng hụp nước, rồng vuốt râu, rồng khỏa nước, rồng lắc mình rũ nước… Tất cả được thể hiện thông qua sự tạo hình đẹp mắt khi người diễn viên làm các động tác vuốt râu, lắc mình… kết hợp với việc mở rộng của không gian tạo nên sự mềm mại cho hình tượng con rồng nhưng không kém phần uy nghiêm.
 
 
Ông Trương Tuấn Hải – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế cho biết, điệu múa cung đình “Long Hổ hội” là sự kết hợp đường nét vũ đạo liên hoàn, chặt chẽ bằng tiết tấu được đẩy tăng dần và đạt đến độ cao trào ở phần hội. Lúc vờn nhau, mặc dù thông qua lốt nhưng người diễn viên vẫn thể hiện được thần thái của con rồng mềm mại, oai nghiêm đối lập với con hổ cứng cỏi, dữ tợn bằng các động tác rồng vờn hổ, rồng đứng tấn, rồng múa bộ và kết thúc bằng hình tượng rồng đứng tấn để hổ nhảy chân phải đứng trên chân trái của rồng. Tuy vậy, sau khi chế độ quân chủ cáo chung điệu múa này đã bị thất truyền một thời gian dài do mất đi môi trường diễn xướng nguyên thủy. Hiện nay, đã được nghiên cứu, phục hồi và biểu diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Duyệt thị Đường (Đại Nội – Huế).
 
 
Dưới triều Nguyễn, Huế được coi là nơi tập hợp những tinh hoa nghệ thuật của cả nước, cũng như Nhã nhạc, tuồng, nghệ thuật múa cung đình Huế luôn là đề tài phản ánh tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ của xã hội quân chủ. Chính vì vậy, nó giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống cung đình nên các vũ sư khi xây dựng các điệu múa đã chú ý đến những giá trị tư tưởng thích hợp với thời đại. Và khi xây dựng hình tượng con rồng trong điệu múa “Long Hổ hội” các nghệ sỹ cung đình đã tạo nên một sức mạnh vĩnh hằng của vũ trụ thông qua linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Đây chính là sự kết tinh độc đáo của nghệ thuật múa Việt Nam.
 

Trọng Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top