ClockThứ Năm, 14/07/2011 14:14

Làm gì để khai thác hiệu quả giá trị di sản Cố đô Huế?

TTH - Báo Thừa Thiên Huế số 5140, ngày 16/6/2011 đã thông tin về Đề án Quy hoạch và phát triển tổng thể hoạt động dịch vụ ở khu di sản văn hoá cố đô Huế, do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế dự thảo. Trở lại vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đắc Xuân - một trong những nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa tâm huyết với di sản Huế với mong muốn góp phần để dự thảo nói trên càng hoàn thiện.  

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trên thế giới, văn hóa và du lịch luôn luôn phát triển song hành với nhau. Du lịch là kinh doanh văn hóa. Nếu tổ chức tốt thì hai lĩnh vực ấy hỗ trợ cho nhau; trong đó, văn hóa là nguồn tài nguyên cho du lịch phát triển. Mặt khác, du lịch phát triển thì cũng giúp văn hóa có điều kiện để bảo tồn và gìn giữ. Nếu mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch không được điều chỉnh tốt, thì hoặc là du lịch không khai thác được gì cả, hoặc là khai thác du lịch không đúng khiến văn hóa bị biến hình, hậu quả vô cùng tai hại.

- Vậy theo ông, vấn đề của di sản Huế hiện nay là gì?

- Chắc chắn, khai thác du lịch ở các khu di sản Huế cũng không nằm ngoài xu thế tôi vừa nói. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề quan điểm và tổ chức. Trung tâm BTDTCĐ Huế có nhiệm vụ nghiên cứu, bảo vệ, phát huy và trùng tu di sản Huế. Trung tâm có trách nhiệm thiết kế một đề án kinh doanh dịch vụ trong khu di sản do Trung tâm chủ quản. Trong đề án này, xác định những lĩnh vực nào được kinh doanh, hình thức kinh doanh và các địa điểm kinh doanh cho từng mặt hàng, phong cách phục vụ, trang phục, thời gian trong ngày...
 
- Theo ông, những mặt hàng nào được phép kinh doanh trong khu di tích?
 
- Thông thường trong khu di tích có những dịch vụ như sau: Hướng dẫn du lịch, chụp ảnh lưu niệm, bán bưu ảnh, tập gấp, sách lịch sử văn hóa có liên quan đến khu di tích, quà lưu niệm, thưởng thức Nhã nhạc, hát tuồng, giải khát như lâu nay đã thực hiện. Nhiều mặt hàng ta đang dò dẫm thực hiện (như ẩm thực cung đình, yến tiệc cung đình, chụp ảnh từ Kỳ đài trước cửa Ngọ Môn), hoặc chưa nghĩ tới như dạo thuyền dọc sông Ngự Hà, tổ chức lễ Ban sóc (phát lịch), lễ Phất thức (rửa ấn), kỵ giỗ, sinh nhật các ông vua yêu nước và có công xây dựng đất nước hằng năm.
 
- Khi nói về ba việc cần làm ngay để phát triển du lịch Huế, ông có đề cập đến “phần mềm” và “phần cứng”. Những điều đó có gần với nội dung đang được trao đổi?
 
- Có chứ. Nếu hiểu nguồn tài nguyên du lịch có sẵn như kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, sông núi… là phần cứng, thì việc sáng tạo nên không gian sống cho nó được coi là phần mềm. Việc khai thác dịch vụ trong khu vực di sản Huế - phần cứng, chính là sáng tạo nên những phần mềm để tăng sức hấp dẫn và thu hút du khách. Thực tế, hệ thống đền đài lăng tẩm của mình vẫn chưa là gì so với nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, điều quan trọng nhất của chúng ta là tổ chức khai thác các dịch vụ đi kèm như thế nào để giữ được chân du khách và thu hút họ trở lại vào những lần sau. Điều này đòi hỏi các điểm di tích Huế phải luôn sinh động. Du khách đến Huế nếu chỉ coi cái nhà (kiến trúc) thì người ta chỉ cần coi một lần là biết. Thậm chí, ngồi ở nhà họ vẫn có thể xem qua tranh ảnh, ti vi là được rồi. Cái có thể hấp dẫn được du khách là cái luôn luôn thay đổi bên trong, ấy là những phần mềm. Chẳng hạn, trong cung Diên Thọ nên luân phiên trưng bày những hình ảnh liên quan đến các bà Từ Dũ, Từ Cung, Nam Phương.... để luôn tạo cảm giác mới, hấp dẫn du khách. Những dịch vụ này tôi cũng đã từng đề cập đến trên báo Thừa Thiên Huế.
 

Đưa dịch vụ voi, ngựa vào phục vụ du khách tại Đại Nội

 
- Trở lại câu chuyện bảo tồn và phát triển, quan điểm của ông như thế nào?
 
- Buôn bán bên trong di tích là điều nghiêm cấm. Nhưng bên ngoài cách xa di tích một khoản theo qui định thì không cấm. Nhưng tất cả phương tiện, dụng cụ phục vụ kinh doanh đều thuộc loại tháo ráp dễ dàng (démontable). Chẳng hạn, chiều chiều người ta có thể bày bàn ghế để bán cà phê, vừa khai thác được dịch vụ nhưng vẫn không ảnh hưởng đến di tích vừa được trùng tu.
 
Xã hội hóa được vấn đề bảo tồn di sản là điều rất cần thiết. Trong hệ thống di sản Huế vấn đề bảo tồn và phát triển phải được đặt ra nghiêm túc, phải xây dựng đề án với sự tham gia của nhiều ngành, tranh thủ ý tưởng của các chuyên gia. Ví dụ hồ Tịnh Tâm có một ví trí rất đặc biệt, nhưng bao nhiêu năm nay đang bị bỏ hoang và chưa được quan tâm đúng mức. Để phục hồi không gian cho di tích này, Trung tâm BTDTCĐ Huế có thể thiết lập hồ sơ quy hoạch lại hồ Tịnh Tâm và kêu gọi đầu tư. Trong đó, điều kiện ràng buộc là họ phải thực hiện theo thiết kế của mình, phục vụ khách hàng đúng như sinh hoạt vua chúa ngày xưa ở hồ Tịnh Tâm. Họ được khai thác dịch vụ trong một thời gian bao lâu đó rồi giao lại cho Trung tâm. Đây cũng là một cách xã hội hóa để trùng tu di sản có hiệu quả. Còn đợi Nhà nước bỏ tiền ra phục dựng thì còn lâu lắm, chưa chắc hết đời của chúng ta đã làm được.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top