ClockThứ Hai, 03/10/2016 14:06

Lên Pâr Le, tìm câu chuyện Târ Roonh

TTH - “Târ Roonh” tiếng đồng bào Cơ Tu nghĩa là “Tình yêu”. Đến với suối nguồn Pâr Le, du khách không chỉ được đắm mình trong dòng nước mát lạnh, ngắm rừng già với núi đá lô nhô, thưởng thức ẩm thực rừng núi nhiệt đới, mà còn nghe trong tiếng suối những câu chuyện cổ tích về Târ Roonh, như lần nữa khám phá giữa bạt ngàn gió rừng những tiếng vọng xưa xa…

Suối đá giữa rừng già

Suối nguồn Pâr Le, xã Hồng Hạ (A Lưới), cách Huế khoảng hơn 50km theo hướng Quốc lộ 49, cách trung tâm A Lưới 25km khi vừa đổ đèo A Co. Từ Huế, du khách chạy xe theo Quốc lộ 49 và đổ đèo Tà Lương khoảng 5km là tới.

Từ sáng sớm, đã đông đảo du khách đến Pâr Le

Ngay từ nơi đỗ xe, đã nghe tiếng suối róc rách. Và rồi, đập ngay vào mắt du khách là dòng suối đá. Đá như mọc từ đất, trải mình dài hàng cây số dọc suối. Đá như mọc từ trời, dựng những trái núi lớn ngay bên suối. Những dãy đá giăng mắc, như trò chơi xếp hình. Đá chen nhau nằm như đá mẹ, đá con, đá chắt chít. Từ trên những phiến đá, chỉ cần thả một viên sỏi nhỏ xuống các vũng nước, những đàn cá ùa đến ngóng mồi, chúng quẫy mình rất đẹp, vảy ánh bạc dưới nắng trời.

Nước trong mùa nắng nóng 38 độ C, ở đây vẫn lạnh băng 20 độ, khiến khi ta ùm xuống suối, như vừa nhảy vào một bể đá lạnh, cóng từ chân tới đỉnh đầu, những người trẻ tuổi thích thú ré lên. Lúc đó, du khách nhìn từ vũng nước lên cao, những khoảnh rừng xanh um trải ra trước mắt, khơi gợi về những đỉnh núi gió thổi. Và khi những cơn gió đi qua, cỏ cây ven suối không hẹn mà gặp, cùng phơ phất những điệu múa núi rừng, tạo nên một không gian sôi động, và ngập tràn âm thanh.

Sau khi ngâm mình trong suối, du khách trèo lên lán tre mây thì ở đó đã bày sẵn những món ẩm thực núi rừng: những con gà đồi thịt săn chắc và thơm chanh núi, món ốc suối thơm mùi rêu đá, món ếch rừng ngọt đậm vị lá sim mua… Dĩ nhiên, cả những món rau rừng, đặc trưng nhất là rau dớn.

Mới 9 giờ sáng, Pâr Le đã đón gần 200 du khách muôn phương trong nước từ phía Nam, phía Bắc đổ về. Đông nhất là các bạn trẻ, thích thú nhảy ùm từ những hòn đá lớn. Họ thích thú bơi trong dòng nước lạnh, thích thú gọi nhau, trốn tìm trong các  hốc đá, rủ nhau chụp cho mình và bạn bè những tấm ảnh ưng ý nhất. Tiếng cười nói trong trẻo vọng trên suối đá, lan trong các vách đá, rộn rã một không khí như ngày hội.

Rất nhiều những câu chuyện tình yêu còn lưu giữ trong ký ức những người già ở thôn Pa Ring, nơi suối Pâr Le chảy qua. Những câu chuyện có tên “Tiểu Ca Lang và anh mồ côi”, “Lấy chồng trăn”, “Xóc cà tục”, “Piềng Riềng”, “Ku Kay thông minh”, “Con voi thần”… Trong những câu chuyện đó, mô típ lặp đi lặp lại nhiều nhất, là câu chuyện về chàng mồ côi nghèo giàu lòng thương người, vì vậy được người con của trời (Yàng) thương. Những chàng trai mồ côi hoặc nhà nghèo bao giờ cũng nuôi mộng cưới con gái nhà giàu có và quyền lực nhất bản làng (A nha). Người con trời của Yàng thường giúp cho chàng trai có thật nhiều vàng, nhiều bạc dư sức để cưới con gái A nha. Những câu chuyện đó thường được kể từ đêm này sang đêm khác, nội dung không dài, nhưng xen vào giữa là những tình tiết liên quan đến luật tục, truyền thống, lời răn và những bài ca... Nếu có một đêm giữa núi rừng nghe người già kể chuyện, chúng ta sẽ chứng kiến những nhà thơ dân gian ở đây ứng tác những bài ca đối đáp, nghe những lời ca cha chấp xuyên thấu tâm can kể lể những khúc bi tình da diết.

Buổi chiều của Khoa

Khoa là một nữ sinh viên năm nhất đang tham gia đội thanh niên tình nguyện hè tại đây. Chiều xuống, khi du khách đã rời đi, đội tình nguyện cùng nhau dọn vệ sinh, những chiếc áo xanh cần mẫn đi nhặt một số ít rác còn vương lại. Với sự nhắc nhở của họ, du khách ngày càng chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh cho dòng suối, không vứt rác bừa bãi. “Chúng em không ngờ rất nhiều du khách đã tìm đến chơi suối, thật mừng vì việc phát triển du lịch ở đây sẽ kéo theo nhiều công ăn việc làm cho người dân Hồng Hạ và lân cận” - một thành viên nói. Rất nhiều sinh viên của xã nghỉ hè đã ra đây làm tình nguyện bán vé, cứu hộ, nấu ăn cho du khách… Nhiều người dân cung cấp gạo nếp, rau rừng, thịt gia súc gia cầm cho du khách ở đây. Cùng tình nguyện với Khoa có nhiều chàng trai khác, là nhân viên cứu hộ.

Chuẩn bị xuống suối ngâm mình 

Con đường vào suối Pâr Le đang hoàn thiện. Chủ tịch xã UBND Hồng Hạ Hồ Viết Lương cho biết, Trung ương hứa sẽ cấp kinh phí để Hồng Hạ xây dựng “Làng truyền thống các dân tộc Ca Tu huyện A Lưới”, đóng ở Hồng Hạ, ngay ven đường vào Pâr Le. Hiện, xã đang lập đội văn nghệ để giữ gìn văn hóa phi vật thể của bà con dân tộc, rồi sau này sẽ tổ chức đan lát, dệt zèng vừa bảo tồn di sản cha ông, vừa phục vụ du lịch… Huyện A Lưới xác định du lịch là một trong những mũi nhọn kinh tế, Hồng Hạ cũng đang triển khai mạnh mẽ chủ trương hợp lý đó…

Trước mắt, điện sẽ vào Pâr Le sớm hơn, vào cuối hè này. Pâr Le thật có tương lai. Mỗi ngày ở đây đón hàng trăm du khách. “Nếu có một lựa chọn địa chỉ ấn tượng cho kỳ nghỉ mùa hè này, tôi sẽ chọn cái tên Pâr Le ” - Hà Thị Hoa, một cô giáo từ Hà Nội lặn lội vào đây chơi, nói với nụ cười như ý.

Pâr Le, niềm vui của Khoa cũng là niềm vui của nhiều người dân Hồng Hạ. Nụ cười của Khoa và nhiều thanh niên tình nguyện ở suối Pâr Le cũng là nụ cười của nhiều người dân Hồng Hạ…

Hồ Đăng Thanh Ngọc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ

Những ngày bước sang thu, trời Huế bớt oi nóng và dịu nhiệt hơn. Chúng tôi những người làm việc ở bảo tàng mang tên Bác tại Huế, trong chuyến thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” tại huyện Phú Lộc, may mắn gặp được bác Lê Đình Thông - người đã từng gặp Bác Hồ. Bác Lê Đình Thông, hiện đang sống ở thị trấn Phú Lộc. Năm nay, bác đã gần chín mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, lanh lợi và rất minh mẫn.

Xúc động câu chuyện của người con xứ Huế được gặp Bác Hồ
Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Là cơ duyên khi có một xóm người Mường nơi chân núi Bạch Mã. Và cũng như sự sắp đặt, ở đó những người Mường nghèo khó kia nhận được nhiều sự giúp đỡ để hòa nhập, trong đó có cô nhân viên thư viện Nguyễn Thị Hồng Phúc.

Như câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Hóa thạch & câu chuyện về sự sống

Lần đầu tiên, một triển lãm về nguồn gốc sự sống được giới thiệu đến công chúng ở Huế với hàng ngàn mẫu vật hóa thạch có niên đại cách đây mấy trăm triệu năm đến vài tỷ năm, mang đến cho người xem sự ngạc nhiên đầy thích thú.

Hóa thạch  câu chuyện về sự sống
Khi các con được lắng nghe

Trong hơn 25 năm đi dạy và suốt một thời gian dài làm công tác tư vấn học sinh, tôi đã lắng nghe rất nhiều câu chuyện từ các em học sinh.

Khi các con được lắng nghe
Return to top