ClockThứ Ba, 16/02/2021 09:17

Mong tết sang năm lại bận rộn với việc phục vụ khách

TTH.VN - Tết Nguyên đán những năm trước, ít khi họ ở nhà trọn kỳ nghỉ vì tham gia phục vụ khách du lịch. Riêng năm nay, vì dịch bệnh, các tour đều hủy nên mọi việc thay đổi hoàn toàn so với thường niên.

Huỷ du lịch, nhiều gia đình ở nhà để đảm bảo an toànThể thao - du lịch: Một mũi tên trúng hai đíchNgành du lịch thế giới tổn thất 1,3 nghìn tỷ USD doanh thu do đại dịchCầu ngói Thanh Toàn lưu thông trở lạiĐan Mạch xây dựng hòn đảo năng lượng đầu tiên trên thế giới ở Biển BắcKhi xứ Huế thành phim trường

Một hướng dẫn viên phục vụ khách trong tết Nguyên đán năm ngoái

Phục vụ khách là niềm vui

Ngày tết, ai cũng muốn ở nhà suốt kỳ nghỉ, dành trọn thời gian bên gia đình, người thân, cùng nhau đi chúc tết nội ngoại, bà con, hàng xóm. Dù thế, khi nhu cầu đi du lịch trong tỉnh tăng cao, cùng với đó lượng khách du lịch đến Huế cũng tăng qua các năm (tính từ giai đoạn trước dịch bệnh xảy ra) nên những người tham gia phục vụ trong ngành du lịch ít khi có một kỳ nghỉ tết nguyên vẹn.

Anh Nguyễn Đình Quyên, hướng dẫn viên tiếng Anh chia sẻ, thường vào các năm, sau khi ở nhà mùng 1 Tết, đi lễ chùa và thăm nội và ngoại, ngày mùng 2 Tết đã bắt đầu công việc hướng dẫn khách. Một số năm thì dẫn khách đi ra nước ngoài du lịch; có nhiều năm nhận tour khách quốc tế đến miền Trung tham quan. Ban đầu có cảm thấy buồn vì phải đi làm sớm, không dành được nhiều thời gian cho gia đình. Song đã là công việc thì phải có trách nhiệm, dần dà thành quen.

Không chỉ có những hướng dẫn viên luôn phải “theo” khách trong các tour tết, nhân viên tại các khách sạn cũng luôn bận rộn trong dịp tết, bởi đây là giai đoạn cao điểm khách du lịch. Theo Sở Du lịch, riêng kỳ nghỉ tết Nguyên đán năm ngoái (Tết Canh Tý), có những ngày Huế đón đến 20 ngàn lượt khách. Do đó, đòi hỏi một lượng lớn nhân viên tham gia phục vụ để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Anh Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng bộ phận Lễ tân, Khách sạn Century cho biết, các năm trước, khách sạn thường kín phòng ngày tết. Do đó, các thành viên trong bộ phận lễ tân sẽ làm phiên nhau, nếu làm ngày mùng 1 thì nghỉ ngày mùng 2. Khách đông hơn, nên các thành viên sẽ làm nhiều hơn. Trước đó có nhiều khách đặt tour, nhưng do dịch nên gần tết, nhiều khách hủy phòng. Riêng năm nay, hầu hết nhân viên đều nghỉ nguyên kỳ nghỉ, chỉ có một số người trực khách sạn.

Đi làm ngày tết, một phần là công việc bắt buộc, nhiều người xung phong làm việc xuyên tết là vì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều so với ngày thường. Với các hướng dẫn viên, doanh nghiệp sẽ trả lương cao, thu nhập trong các chuyến tour tết sẽ tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường.

Theo hướng dẫn viên tiếng Hàn Quốc - Nguyễn Văn Thảo, cảm giác phục vụ khách trong những ngày tết không giống như ngày thường: háo hức, lòng người thấy xốn sang hơn khi thấy hoa, cờ phướn treo khắp nơi. Ăn tết vội dần cũng thành quen và phục vụ khách trong những ngày tết, giới thiệu văn hóa, truyền thống của Việt Nam trong những ngày tết trở thành niềm vui riêng mà những người trong ngành mới hiểu được.

Mong ước du lịch phục hồi

Thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, du lịch là một trong ít ngành nghề có tỷ lệ làm việc xuyên tết nói riêng và các kỳ nghỉ lễ nói chung cao nhất trong tất cả các ngành nghề. Trong ngày nghỉ nhu cầu đi du lịch cao nên nhiều khách sạn, điểm đến, người làm việc phải tăng ca mới đáp ứng đủ khả năng phục vụ khách.

Mong ước năm mới dịch bệnh được kiểm soát, du lịch trở lại bình thường là tâm trạng chung của những người làm du lịch

Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh, dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn, lượng khách đến Huế giảm sâu. Nhiều tour đến Huế bị hủy vào phút chót, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Đây là một cái tết “thảnh thơi” nhất của người làm du lịch từ trước đến nay.

Đáng lẽ ngày mùng 4 tết này, anh Nguyễn Tiến Học, hướng dẫn viên Công ty CP Du lịch Đại Bàng sẽ dẫn đoàn khách ở Huế đi du lịch ở Phú Quốc, nhưng tour đã hủy khi dịch bệnh tái bùng phát ở một số địa phương. “Năm nào cũng có một chuyến dẫn khách để “kiếm lộc” đầu năm, hướng đến một năm nhiều thuận lợi. Riêng năm nay thì khác. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp và chưa biết khi nào mới trở lại bình thường. Đầu năm chỉ ước mong làm sao cho dịch bệnh sớm qua, để mọi người được phục vụ khách trở lại”, anh Học tâm sự.

Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên chia sẻ, nếu nói thèm được hướng dẫn khách trong ngày tết chắc có lẽ nhiều người sẽ không tin. Nhưng đó là cảm xúc thật. Khi tất cả đã thành thói quen nay không còn thì đó là cả một sự hụt hẫng rất lớn.

“Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã bỏ ngành du lịch. Một năm dài với nhiều biến động khiến mọi người đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu năm mới, đi lễ chùa, tôi chỉ cầu mong dịch bệnh sớm qua, công việc sẽ ổn định, khách đi du lịch nhiều hơn. Năm nay thảnh thơi nhưng tết sang năm sẽ lại bận rộn trở lại bận rộn như thường niên. Đầu năm, chỉ cầu mong như thế!”, hướng dẫn viên Nguyễn Văn Thảo tâm trạng.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch đánh giá: Dự báo đà phục hồi cho năm 2021 vẫn chưa lạc quan được. Nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra mốc 2023 cho ngành du lịch đạt được các chỉ tiêu như năm 2019. Đồng cam, cộng khổ, cùng vượt qua khó khăn để chờ đợi những điều thuận lợi sắp tới khi thị trường mở cửa và bình thường trở lại; cùng chờ đón làn sóng du lịch sau một thời gian dài bị “bó chân” có lẽ là điều tích cực nhất để chúng ta, những người làm du lịch mong đợi.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm city tour phục vụ khách

Với xu hướng đa số khách đến Huế rồi mới đặt tour thay vì đặt từ trước, nên các city tour cần đa dạng để đáp ứng nhu cầu.

Thêm city tour phục vụ khách
KHẮC PHỤC SỬA CHỮA ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH BẠCH MÃ:
Nỗ lực hoàn thành vào cuối tháng 8/2022

Sau gần 3 tháng tạm dừng đón khách để sửa chữa tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã (Vườn Quốc gia Bạch Mã), đến nay, công trình đang đẩy nhanh hoàn thiện vào cuối tháng 8 để đưa vào hoạt động, phục vụ khách.

Nỗ lực hoàn thành vào cuối tháng 8 2022
Return to top