ClockThứ Hai, 19/07/2010 11:29

Từ Hóa Châu đến Huế

TTH - Lịch sử vẫn có những quyết định mang tính bước ngoặt. Tôi nghĩ, thời điểm năm 1626, khi hạ quyết tâm dời lỵ sở từ Dinh Cát, Thuận Châu (Quảng Trị) vào Phước Yên, Hoá Châu (Thừa Thiên Huế), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hẳn phải có rất nhiều trăn trở và băn khoăn.
Đường 23-8, một trong những đường đẹp nhất ở Huế
 
Thế cuộc khó khăn, hai người em trai là Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch vì tham vọng quyền lực âm mưu câu kết với Đàng Ngoài buộc chúa Sãi phải tính chuyện lâu dài. Địa thế Phước Yên (Thừa Thiên Huế) là sự lựa chọn lý tưởng, cho phép Đàng Trong tách hẳn với thế lực Lê- Trịnh. Nói rằng khó khăn là nhớ lại gần 70 năm trước đó, chúa Tiên Nguyễn Hoàng vượt Hoành Sơn vào Nam cát cứ, vị trí mà ông chọn để đóng dinh là Ái Tử (Quảng Trị).
 
Rồi cũng trong ngần đó thời gian, thủ phủ của xứ Đàng Trong loanh quanh vẫn là những địa danh trên đất Quảng Trị: Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát. Từ bỏ một vùng đất đứng chân không hề là chuyện đơn giản. Bình luận về quyết định của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra mục đích chính là vào đây để chuẩn bị thực lực chống lại quân Trịnh. Không thể phủ nhận, nhưng điều mà tôi nghĩ đến nhiều hơn, là thế đất Hoá Châu đắc địa cho việc dựng phủ, xây thành, trở thành đô thị trung tâm cho cả một vùng đất chính là điều hấp dẫn vị chúa tài danh của xứ Đàng Trong này.
 
Công bằng mà xét, không phải chúa Sãi là người đầu tiên mà trước khi nhập vào giang sơn Đại Việt vào năm 1306, thành Hoá Châu đã được người Chiêm Thành xây dựng trở thành một trung tâm lớn ở vùng cực bắc Cham pa. Sau đó một thời gian dài, thành Hoá Châu là trung tâm của xứ Thuận Hoá, đất phiên dậu của Tổ quốc. Chưa hết, hơn 150 năm sau, lịch sử lại một lần nữa đứng trước lựa chọn. Đó là vào thời điểm 1801, cũng lắm đắn đo, cũng nhiều những suy tính nhưng rồi sau khi  làm chủ toàn bộ giang sơn nước Việt, vua Gia Long đã quyết định chọn Huế làm kinh đô.
 
Quốc Sử quán triều Nguyễn viết: “Ở Phú Xuân, nhân sĩ đông đúc, phong tục thuần lương, các thánh đóng ở đây thực là nơi đô hội bậc nhất của nước Nam”. Thừa Thiên Huế với Huế là trung tâm do thế cũng từ lâu lắm rồi đã có vị thế của một vùng đất trung tâm, thế đứng và tồn tại của một đô thị lớn.
 
Cũng là chuyện về một quá khứ vẻ vang. Từ Phước Yên, Phú Xuân, Bác Vọng rồi trở lại Phú Xuân đến Kinh thành Huế, đi từ dinh đến phủ đến đô thành, điều cảm nhận được là những trung tâm đô thị trên đất Thừa Thiên Huế vẫn mang nặng tính chất chính trị, quân sự. Bởi vậy, lịch sử như cũng đã có sự bổ sung, tạo nên những sự liên kết cần thiết. Thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, bên cạnh thủ phủ của xứ Đàng Trong là Kim Long hay Phú Xuân nặng về yếu tố chính trị- thủ phủ, trên đất Thừa Thiên Huế xuất hiện đô thị Thanh Hà, mang tính chất của một đô thị phố- thị- cảng. Những công trình nghiên cứu sử học gần đây cho thấy, nằm về phía hạ nguồn sông Hương, cách Kim Long chừng 7 km và Phú Xuân 3 km, đô thị Thanh Hà ra đời năm 1636, phồn thịnh cho đến cuối thế kỷ 18 có một kết cấu kinh tế đặc trưng, gồm 1 thương cảng sông tấp nập, một khu phố phường nội thị đông đúc, một mạng lưới chợ và dày đặc chung quanh là các làng thủ công dày đặc. Rất nhiều thương thuyền Trung Quốc, các nước khu vực Đông Nam Á và từ phương Tây xa xôi thường xuyên lui tới Thanh Hà. Hàng hoá xuất nhập qua đây chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu nhiều mặt của trung tâm đô chính Kim Long hay Phú Xuân.
 
Đánh bại nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn chọn Phú Xuân- Huế chính thức làm kinh đô của vương triều trong hoàn cảnh vì nhiều lý do đô thị Thanh Hà không có điều kiện phát triển và lụi tàn dần thì lịch sử lại xuất hiện một Bao Vinh trong tư cách phố thị, làm cửa mở giao thương, góp phần tạo nên sự phát triển cân đối cho đô thị Phú Xuân- Huế. Đó là điểm nhấn thú vị, mang yếu tố lịch sử. Rõ ràng, ông cha ta xưa đã biết cách dung hoà, bổ sung, biết tạo nên sự liên kết đa dạng để có sự phát triển lâu dài và bền vững cho đô thị Huế.
 
Lịch sử phát triển đô thị Huế cũng cho thấy sự chuyển dịch liên tục với quy mô ngày càng được mở rộng. Theo những nghiên cứu lịch sử, sau khi chủ quyền dân tộc đã mất, năm 1898, dưới sự chỉ đạo của Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ, Cơ Mật viện triều đình Huế đã làm tờ trình yêu cầu vua Thành Thái cho phép thiết lập một số đô thị ở Trung kỳ.
 
Tháng 7-1899, vua Thành Thái xuống dụ công bố thành lập thị xã Huế và đến ngày 30-8-1899, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định chuẩn y. Thị xã Huế chỉ bao gồm vùng phụ cận Kinh thành Huế, giới hạn bởi các con sông đào và một dải đất mỏng ở bờ nam sông Hương. Yêu cầu phát triển đặt ra ngày bức thiết, bởi vậy chỉ trong vòng 30 năm, thị xã Huế 3 lần được mở rộng và 1 lần được nâng cấp.
 
Lần đầu tiên vào năm 1903, chủ yếu ở phía nam sông Hương. Năm 1908, trong lần mở rộng thứ 2, ranh giới thị xã Huế được quy định theo 2 vùng rõ rệt ở cả hai phía tả và hữu ngạn sông Hương với 8 phường. Đến lần mở rộng thứ 3 vào năm 1921, vùng đất phía nam sông Hương tiếp tục được mở rộng thêm, toàn thị xã có tổng cộng 9 phường.
 
Ngày 12-12-1929, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định nâng cấp thị xã Huế lên thành phố cấp III. Năm năm sau đó, ngày 23-11-1934, vua Bảo Đại xuống chỉ dụ số 41 công nhận thành phố Huế trở thành khu vực hành chính riêng biệt. Toàn thành phố được tổ chức thành 11 phường và cơ cấu hành chính của thành phố Huế từ cuộc cải tổ này kéo dài đến năm 1945 và khu vực Kinh thành Huế vẫn chưa thuộc đơn vị hành chính thành phố Huế. Khi bàn về diện mạo của đô thị Huế, nhà sử học Nguyễn Quang Trung Tiến đã cho rằng đó là đô thị có sự hoà trộn giữa hai sắc thái kim- cổ, Đông- Tây, trong đó sự phát triển của “khu phố Tây” ở bờ nam sông Hương dường như chẳng làm cho Kinh thành cổ kính ở bờ bắc phải “phiền lòng”.
 

Chợ Đông Ba, niềm tự hào của Huế
 
Với Kết luận 48 của Bộ Chính trị, lịch sử vùng đất Thừa Thiên Huế lại lần nữa đứng trước một quyết định mang tính bước ngoặt. Không gian đô thị được mở rộng là điều dễ nhận rõ. Quan trọng hơn cả ở đây là sự định hướng về phát triển đô thị theo hướng xây dựng toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới. Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc, có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, có đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
 
Tư duy mới về phát triển đô thị Huế được thể hiện rõ khi lần đầu tiên Trung ương đặt ra yêu cầu chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ hình thành cụm đô thị động lực: Huế- Tứ Hạ- Phú Bài - Thuận An- Bình Điền và 9 đô thị mới, gồm: đô thị loại III Chân Mây - Lăng Cô và các đô thị loại V: Phú Đa, Bình Điền, Phong Thu, Thuỷ Tân, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân; trong đó thành phố Huế là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân làm nòng cốt thúc đẩy việc đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Thành phố Huế- Cố đô của Việt Nam, là đô thị loại 1, thành phố di sản văn hoá thế giới thành phố Festival và theo quy hoạch, Huế là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hoá, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước. Tư duy mới về phát triển đô thị đặt ra là cơ sở thuyết phục cho phép mở rộng không gian đô thị bao trùm toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích hơn 5.000 cây số vuông và dân số gần 1, 2 triệu người.
 
Đáng ghi nhận trong hành trình đột phá xây dựng Thừa Thiên Huế nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là sự ra đời của thị xã Hương Thuỷ với trung tâm là Phú Bài trong tháng 3-2010. Thị xã Hương Thuỷ với 5 phường và 6 xã tiếp giáp với thành phố Huế với những lợi thế về địa hình, vị thế, có khu công nghiệp lớn nhất tỉnh, có sân bay quốc tế...được xác định là đô thị vệ tinh, góp phần giảm tải nhiều mặt cho thành phố Huế. Sau thị xã Hương Thuỷ, tiếp tục sẽ là những đô thị mới nữa xuất hiện tạo thành một chuổi các đô thị được sắp xếp, bố trí với cự ly hợp lý có chức năng bổ trợ lẫn nhau, hỗ trợ cho đô thị trung tâm Huế phát triển phát huy thế mạnh vốn có, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, tiền đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Thừa Thiên Huế nhanh chóng trở thành trực thuộc Trung ương.
 
Trải qua bao thế kỷ, lịch sử đã chọn Thừa Thiên Huế với tư cách là trung tâm, là thủ phủ và là kinh đô của Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn. Không ngừng mở rộng và liên tục phát triển là quy luật phát triển của đô thị Huế. Lại một lần nữa, Thừa Thiên Huế đứng trước cơ hội lịch sử phát triển mới. Hơn bao giờ hết, tôi nghĩ, nó đòi hỏi sự nhạy bén trong nắm bắt thời cơ, nhanh chóng bằng những bước đi cụ thể và thiết thực để biến tư duy mới về một Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trở thành hiện thực.
 
Đình Nam
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top