ClockThứ Tư, 07/08/2013 14:16

“Xích lô bẩn” làm xấu du lịch

TTH.VN - Hình ảnh những chiếc xích lô thân thiện hướng dẫn khách tham quan Huế đang bị ảnh hưởng bởi những hành vi xấu do chính người trong nghề gây ra. Nhiều du khách bực tức gọi đó là “xích lô bẩn, xích lô lừa”.

Những chuyện chướng tai gai mắt

Một lần, trong khi đứng chờ đèn đỏ tại giao lộ Lý Thường Kiệt - Nguyễn Huệ, chúng tôi chứng kiến cảnh hai bác xích lô vừa đi vừa kèn cựa, cãi nhau to tiếng trên đường. Người đi xích lô không chỉ tay vào người đang chở khách và văng tục khi cả hai đang băng qua đường. Khách du lịch ngồi trên xe tỏ vẻ khó chịu và giải hòa với người “gây chiến” rằng: “Tôi không muốn đi xe anh nên chọn xe này”. Cuộc khẩu chiến “khách của tau” không biết kéo dài bao lâu nhưng những người chứng kiến sự việc hôm ấy đều lắc đầu ngao ngán, có người tặc lưỡi: “Làm du lịch kiểu ấy thì chết”!
 

Hình ảnh của xích lô Huế bị ảnh hưởng bởi những hành vi xấu của người trong nghề (ảnh minh họa)
 
Tranh giành khách là chuyện có thể xem như nhỏ nhặt, nhưng việc cố tình bắt chẹt giá cả, lừa khách khiến nhiều người bức xúc. Chị T.Hạnh, một cán bộ công chức thường xuyên đi về tuyến đường Thành Nội kể: “Cách đây mấy ngày, thấy mấy người xích lô cãi nhau với một hướng dẫn viên (HDV), nguyên nhân các anh xích lô bắt chẹt khách trả tiền gấp 5 lần so với giá đưa ra ban đầu. Chẳng là nhóm khách sau khi tham quan Đại Nội muốn đi xích lô ra lại bến xe Nguyễn Hoàng với giá 1 đô la. Những người chở xích lô đồng ý chở khách nhưng chưa đến cửa Thượng Tứ thì có HDV tìm đến đón đoàn. Họ xuống xe và trả tiền nhưng lúc này, những người xích lô hô hoán lên rằng: 100 nghìn đồng một xe! Ai nói là 1 đô một xe, mấy người nghe lộn à? “Thấy HDV phân trần sự việc, bản thân thấy muối mặt vì xấu hổ với khách du lịch”, chị Hạnh ngao ngán.
 
Hành vi lừa đảo và đe doạ sự an toàn của du khách lại càng làm xấu thêm hình ảnh của du lịch Huế. Theo lực lượng bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô, gần đây, xảy ra hiện tượng một số người đạp xích lô lừa du khách rằng: lầu Ngũ Phụng đang được trùng tu, mời khách đi ngắm cảnh. Sau khi lấy tiền, họ… thả du khách giữa đường.
 
Có một đoàn Việt Kiều nhận lời lên xích lô đi từ bến xe Nguyễn Hoàng vào khu vực Hoàng Thành với giá 10 nghìn đồng/người, đến cửa Hiển Nhơn, ba chiếc xích lô đòi khách trả 100 nghìn đồng/chiếc. Khi khách không đồng ý, một xe tiếp tục lao về phía trước khiến đứa trẻ ngồi trên xe hoảng sợ liều nhảy xuống đường, suýt xảy ra tai nạn. Chưa dừng lại ở đó, nhóm xích lô này còn đòi “xử” khách nếu không trả đủ tiền cho họ. Khách bực tức, buộc phải trình báo cơ quan chức năng.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
 
Một số du khách tuy bực bội với hành vi xấu của xích lô nhưng không trình báo vì cho rằng chuyện chưa tới mức phải nhờ pháp luật can thiệp. Có người ngậm bồ hòn làm ngọt vì cho rằng mình dại, chỉ thông báo trên các diễn đàn và chia sẻ với người thân để rút kinh nghiệm. Anh Huỳnh Ngọc Ánh, Tổ trưởng tổ bảo vệ cổng Hoàng Thành thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng: “Đối tượng mà “xích lô lừa” hay nhắm đến là người già, phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, nhiều khách không thỏa thuận giá cả và không nắm được biển số xe nên không có cơ sở để báo cơ quan chức năng xử lý”.
 

Nên chọn người xích lô mặc đồng phục, đeo thẻ hành nghề để đảm bảo an toàn khi đến Huế du lịch
 
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện có khoảng 2.800 chiếc xích lô, trong đó có 211 chiếc thuộc nghiệp đoàn quản lý phần lớn phục vụ du lịch, số còn lại hoạt động phân tán ở các địa bàn nên rất khó quản lý. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch cho biết, đơn vị từng nhận được tin báo hai hai trường hợp xích lô có thái độ ứng xử không lịch sự và không trả lại tiền thừa cho du khách.
 
“Có trên 70 chiếc xích lô hoạt động về đêm trên địa bàn phường Phú Hội, chủ yếu tập trung ở khu phố Tây. Có bộ phận là người từ địa phương khác tới, thuê, mượn xích lô để hành nghề nên không đeo biển tên. Trung bình một tuần, chúng tôi xử lý 10-15 chiếc đậu đỗ sai quy định và chèo kéo khách du lịch. Hễ thấy bóng dáng công an là họ chạy ra khỏi địa bàn, sau đó lại tìm về hoạt động trở lại”, trung tá Phan Khắc Tuyên, Trưởng công an phường Phú Hội cho hay.
Ông Thắng nói rằng, đến nay, chưa phân định thẩm quyền cho lực lượng nào có trách nhiệm giải quyết hiện tượng “xích lô lừa, xích lô bẩn”. Ngay cả thanh tra Sở, sau khi tiếp nhận thông tin nói trên, phải đề nghị chính quyền địa phương và công an can thiệp. Nếu phát hiện những hành vi không minh bạch về dịch vụ - giá cả du lịch, du khách hãy gọi đến đường dây nóng theo số điện thoại 0914.050005 và ghi lại biển số xe, các thông tin liên quan để cơ quan chức năng có cơ sở làm việc.
 
Một thành viên của nghiệp đoàn xích lô hoạt động trước khách sạn Hương Giang bức xúc: “Những hành vi chặt chém, lừa đảo khiến những người hoạt động đàng hoàng như chúng tôi bị vạ lây. Du khách nên chọn những người đạp xích lô có áo đồng phục, đeo bảng tên, xe có ghi đầy đủ thông tin cá nhân, đơn vị… để đảm bảo độ an toàn, tin cậy”.
 
“Con sâu làm rầu nồi canh”, chuyện ấm ức của du khách khi gặp những tình huống trên sẽ lan truyền từ người này sang người khác khiến du lịch Huế mất điểm. Vậy nhưng làm sao để giảm bớt tình trạng xích lô lừa, xích lô bẩn? Cần một giải pháp rốt ráo để chấn chỉnh; quy xích lô phục vụ du lịch về một mối với nội quy hoạt động, thống nhất màu sơn xe; xử phạt ra sao khi vi phạm… hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

 

Bài, ảnh: L.Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng

Trong khi vườn hoa hướng dương toả sắc vàng nằm ở khu đất cạnh lòng hồ Khe Ngang thuộc thôn Chầm (phường Hương Hồ, TX. Hương Trà) được người dân, du khách đến tham quan trầm trồ khen ngợi thì chủ nhân của nó lại ngậm ngùi vì vườn hoa sẽ bị tháo dỡ trong nay mai.

Tiếc cho một điểm dừng chân thơ mộng
Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách

Suối Tiên – một trong những không gian du lịch còn khá hoang sơ nằm sâu trong lòng hồ Thủy Yên thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc không chỉ có cảnh sắc thơ mộng, sự bình yên vốn có của núi rừng thời gian gần đây trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Suối Tiên – không gian nguyên sơ hấp dẫn du khách
Du lịch Thủy Yên: Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ

Không chỉ là công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, hồ Thủy Yên nằm trên địa bàn xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc giờ đây nổi tiếng là điểm đến du lịch. Từ dưới chân hồ, những chiếc thuyền du lịch đón khách ngắm cảnh giữa lòng hồ, ngược theo dòng nước đi sâu vào những suối thác với vẻ đẹp thơ mộng hoang sơ.

Du lịch Thủy Yên Trải nghiệm lòng hồ và suối thác hoang sơ
A nor hút khách gần, xa

Từ một địa điểm hoang sơ, thác A nor (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) trở thành điểm đến hấp dẫn khi du khách ghé thăm miền sơn cước này. Mô hình du lịch cộng đồng tại đây đã tạo ra sinh kế cho người dân.

A nor hút khách gần, xa
Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

Cuối tháng mười, tôi bắt gặp những hình ảnh xưa cũ ở những đô thị Tây Nguyên vừa như đang ngái ngủ vừa như đang cựa mình. Những hình ảnh thấp thoáng sau vạt nắng nhẹ sắp sửa mùa khô vốn chỉ đủ sưởi ấm một nửa tán lá cây. Nửa còn lại đương ủ sương chưa vội tan đi.

Tây Nguyên mùa nắng nhẹ

TIN MỚI

Return to top