ClockThứ Năm, 20/12/2012 05:33

Đừng khinh kiểu dáng bề ngoài

TTH - Biết rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng khi hay tin chỉ có từ 14,3 đến 28,6 % doanh nghiệp trên địa bàn được khảo sát chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng để nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, còn lại đa phần thì “gặp chăng hay chớ” khiến tôi không khỏi giật mình. Nó lạ và ngược đời.

Nhớ cách nay hơn dăm năm, trên thị trường Thừa Thiên Huế xuất hiện chai rượu cở nhỏ nhãn hiệu Thủy Dương có giá rất bèo, chỉ đâu chừng 10.000 đồng một chai. Cũng như tôi, hay tin nhiều người vỗ đùi, nói theo kiểu Huế mình, “ừ hí, rứa thôi mà khôn biết”. Không phải chỉ có Thủy Dương, rất nhiều địa phương ở Hương Thủy, Phú Vang đều có nghề làm thêm của nhà nông bằng nấu rượu gạo. Thế mà, chẳng ai nghĩ ra được cách đóng chai, làm nhãn để bán. Rượu gạo đóng chai Thủy Dương ra đời, vậy là chiếm lĩnh thị trường rượu bình dân, làm biến mất luôn ở hàng quán loại “rượu có nút chai bằng lá chuối khô” khó nhìn và bất tiện khi sử dụng, nhất là trong trường hợp phải mang đi xa.

Hiểu một cách đơn giản thì kiểu dáng là hình vóc bên ngoài của sản phẩm, được làm theo một mẫu, một kiểu nhất định. Kiểu dáng của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc và sự kết hợp của những yếu tố đó. Trong hội nhập và phát triển hiện nay, chuyện kiểu dáng sản phẩm không chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai đáp ứng nhu cầu tiện ích, đóng chai hay không đóng chai như trong trường hợp rượu gạo Thủy Dương, mà hơn thế nó đã hướng đến nhu cầu thẩm mỹ, yếu tố tâm lý rất đa dạng và phong phú của người tiêu dùng. Nó đụng đến chuyện tiền bạc và đòi hỏi sự dụng công lớn về mặt trí tuệ. Thế nhưng, đó là những khoản đầu tư hữu dụng và cần thiết, góp phần sinh lợi cho công việc làm ăn của các doanh nghiệp.

Chợt nghĩ đến một đặc sản xứ Huế là kẹo mè xững. Một thời, những ai ra Huế, vào thăm Cố đô cũng cố mua cho được vài ba gói mè xững làm quà. Đất nước hội nhập rồi phát triển, không còn vị thế của ngày xưa nhưng kẹo mè xững vẫn tồn tại mà bằng chứng là hiện nay vẫn còn đến trên 20 nhãn mác khác nhau. Những doanh nghiệp làm kẹo mè xững ở Huế đã cố gắng bắt nhịp thị trường trong xây dựng mẫu mã phong phú nhưng xem chừng chưa làm được yêu cầu góp phần tôn vinh và nâng cao giá trị của một đặc sản vốn là niềm tự hào của vùng đất núi Ngự sông Hương. Miếng kẹo mè xững vẫn quá to và quá dai. Gói kẹo mè xững hiện nay “bình dân” chẳng khác mấy các loại kẹo gương, kẹo lạc... cũng là cần thiết nhưng đáng bàn là lại thiếu những mẫu mã sang trọng đi kèm. Bởi thế, nó không phù hợp với không gian ẩm thực văn hóa, ở đó miếng ăn được cảm nhận bởi sự nhẹ nhàng, thanh tao, được thưởng thức cả bằng tay bằng mắt... với cả sự tinh tế và nghệ thuật. Kẹo mè xững do thế ít nhiều đã đánh mất danh bất hư truyền về tiếng ngon một thời.

Chuyện về chai rượu gạo Thủy Dương hay đặc sản kẹo mè xững xứ Huế hôm nay khiến ta nghĩ đến việc chớ có xem thường chuyện kiểu dáng. Rõ ràng, phải luôn có sự đầu tư thỏa đáng, cũng như khả năng tự làm mới, luôn biết cách đổi thay mẫu mã trong sản xuất kinh doanh. Suy nghĩ, tìm tòi và nghiên cứu để đưa ra một thương hiệu hay kiểu dáng mới phải được xem là một phần trong chiến lược phát triển và cạnh tranh của một doanh nghiệp hiện nay.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top