ClockThứ Năm, 23/01/2020 06:45

Đừng ngủ quên, tất có thêm nhiều mùa quả ngọt…

TTH - Cùng với tâm lý sính hàng ngoại là nỗi “sợ” hàng nội, sợ đến mức thành quán tính mà không biết bao giờ mới xóa được… Và rồi, nhờ một vòng chợ tết mà bất chợt nhận ra cái quán tính muộn phiền ấy xem chừng đã xóa được rồi…

Thị trường mua sắm xả hàng, người dân đổ xô đi muaHàng tết dồi dào, sức mua tăngThị trường Tết: Hàng Việt chiếm ưu thế bằng chất lượng và mẫu mã

Doanh số của sản phẩm "made in Vietnam" tăng đều ở các siêu thị, chợ truyền thống... (ảnh minh họa)

Cận tết, thấy bà con xôn xao mua sắm tôi cũng bỗng thấy nao nức như con trẻ. Vậy là tranh thủ tan sở, tôi gạ gẫm được một người bạn cùng nhau lủi đi chợ, đi siêu thị để hít thở không khí tết nhứt với người ta cho khỏi mang tiếng lạc hậu.

Mứt món, quà bánh trong nhà đều đã có bà xã lo. Tha về thêm thì có mà bị nhằn. Cho nên tinh thần chung chỉ là nghiêng ngó cho vui, chúng tôi cùng xác định như vậy.

Năm nay SEA Game 30 Việt Nam bội thu, nhất là đội tuyển bóng đá nam-nữ đã… không cần khiêm tốn, hốt luôn cả cặp huy chương vàng về cho quốc gia. Không biết có phải vì niềm vui ấy không mà hàng hóa đổ về cho bà con ăn tết quá trời phong phú; người đi mua sắm cũng quá trời rộn ràng nhộn nhịp. Bánh kẹo, mứt món, giày dép, áo quần, các loại thực phẩm, nước giải khát… là những “tọa độ” được người tiêu dùng dừng lại nhiều nhất.

Giá cả là điều mà bà con quan tâm trước tiên, cứ nghĩ vậy nhưng hóa ra không phải. Lật mặt sau, xem xuất xứ món hàng từ đâu là thao tác trước hết của rất nhiều người. Cùng chọn hàng trong siêu thị Big C ngay cạnh chúng tôi là hai mẹ con một người phụ nữ trung niên. Với tay lấy lon đồ hộp từ trên giá, người phụ nữ bảo cô con gái:

- Nì, rõ mắt đọc cái ni cho mạ chút, coi đồ Việt Nam hay ở mô về?

- Đồ Việt Nam đó, mạ - Cô gái liếc qua và bảo với mẹ. Chỉ cần có vậy, bà mẹ lấy luôn mấy hộp cho vào giỏ rồi tiếp tục sang chỗ khác. Cũng lại “nì coi thử đồ Việt Nam hay mô về?”, rồi hễ nghe đồ Việt Nam là cho vào giỏ, vô tư lự…

Ở chỗ bán túi xách, đôi bạn trẻ chắc là có ý định du lịch dịp tết nên đang cùng xăm soi chọn một chiếc ba lô vừa ý. Họ kéo các ngăn ra ngắm nghía, tìm đọc kỹ nhãn hiệu của nhà sản xuất. “Việt Nam mình mày ạ, không phải hàng Tàu. Thôi, chọn nhé!”. Cả hai cười rất mãn nguyện, mỗi người chọn 1 chiếc theo màu mình thích.

- So với ngày trước, cậu có thấy lạ không?- Tôi hỏi người bạn.

- Lạ? Cái gì lạ?- Anh nhướng mày, vẻ chưa hiểu.

- Về sự lựa chọn hàng hóa của dân mình.

- Ừ…thì thoải mái hơn. Có lẽ cuộc sống càng ngày càng dễ chịu nên bà con mình cũng không quá cân nhắc, đong đếm khi chọn mua một mặt hàng nào đó.

- Đúng, nhưng chưa đủ.

- Thế theo ông, sao nữa mới đủ?

- Cậu không để ý thấy hàng Việt Nam ta đang được nhiều người tin dùng à?

- Ô… - Bạn tôi cười lớn - Quả là có thế thật, đúng như ông nhận xét...

Chúng tôi kéo nhau lên tầng ẩm thực, tự thưởng mỗi thằng mỗi cốc bia tươi thật to và ngồi tán gẫu. Câu chuyện đưa chúng tôi trở về với thời kỳ khốn khó của những ngày bao cấp. Lúc ấy, hàng hóa hết sức khan hiếm, từ chút xà phòng, hộp diêm, chai rượu, đường, sữa, phụ tùng xe đạp, cho chí soong nồi, chén bát… Hầu hết đều là hàng sản xuất trong nước. Chất lượng và hình thức mẫu mã thì “khỏi chê”. Cái bát đất thôi cũng cao thấp, méo xẹo. Cái cốc uống nước hay cái chụp bóng đèn thủy tinh bọt nổi tùm lum. Phụ tùng xe đạp thì vừa lắp vừa… hồi hộp bởi chưa chắc đã khớp; con ốc vít, chiếc êcu siết vào cũng phải nhẹ tay chứ không dám siết chặt, bởi siết chặt thì tuột gai là cầm chắc… Cho nên, hồi ấy cái gì thuộc “đồ ngoại”, cho dù đồ cũ, cũng đều là số dzách. Còn nhớ khi cơ chế bắt đầu thoang thoáng, gia đình bạn tôi có người định cư Mỹ gửi về cho ít hàng tiêu dùng, trong đó có cục xà phòng Zest. Cục xà phòng được ông bố quản lý chặt chẽ. Vài ngày các thành viên trong nhà mới được dùng nó để tắm một lần, tắm xong cục xà phòng được lau khô, gói kỹ và cẩn thận cất vào tủ áo quần để tận dụng… mùi thơm. Người tắm xong ra đường thơm lựng, ai…ngửi thấy cũng phải ganh tị. Cũng một người bạn tôi, khi lần đầu tiên được sở hữu đôi dép Thái (giờ gọi là dép tông), đạp xe đi chơi với lớp, anh cố xắn 2 ống quần lên cho quá mắt cá chân, mục đích là để khoe đôi dép ngoại. Khát khao hàng ngoại, nỗi niềm… sính ngoại còn được lên cả sân khấu. Có vở kịch, một nghệ sĩ hài được hỏi đi đôi giày hiệu gì? Anh trả lời, giày dzucusa nhập khẩu từ Nhựt Bổn. Dzucusa hóa ra nói lái là… da cao su. Dĩ nhiên, cùng với tâm lý sính ngoại là nỗi “sợ” hàng nội, sợ đến mức thành quán tính và không biết bao giờ mới xóa được…

Và hôm nay, nhờ một vòng chợ tết mà bất chợt nhận ra cái quán tính muộn phiền ấy xem chừng đã xóa được rồi. Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng biết để có được cái kết quả rất vui ấy là cả một quá trình không hề dễ dàng. Đất nước đã có cả chục năm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, và đằng sau cuộc vận động ấy là mồ hôi, nước mắt, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất và của cả tập thể những người lao động trong việc chăm chút, nâng cấp cả về nội dung lẫn hình thức cho từng sản phẩm. Rồi tiếp thị, quảng bá, chứng minh… để sản phẩm có thể chạm đến trái tim người tiêu dùng. Cứ miệt mài như vậy, và giờ đây quả ngọt đã đền ơn doanh nghiệp.

Một số liệu khảo sát gần đây cho thấy, gần 63% số người ở thành thị và 57% số người ở nông thôn khi được hỏi khẳng định họ quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước. Sức tiêu thụ hàng Việt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống tăng trưởng đều trong những năm qua.

Không chỉ có nhóm hàng thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả… mà kể cả giày dép, vải vóc, hàng thời trang “made in Vietnam” với các cái tên như Việt Tiến, An Phước, Phong Phú, Owen, Biti’s, Bita’s, Ivy, Elise, Juno, Vascara… cũng đều được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu đem nguồn ngoại tệ không nhỏ về cho đất nước. Và đặc biệt… ngược đời hơn là đã đến lúc có không ít hàng hóa nước ngoài phải mạo danh hàng Việt để mong tiêu thụ, đến nỗi ngành công thương và các cơ quan chức năng phải vất vả mở những chiến dịch chống mạo danh hàng Việt, chống gian lận thương mại để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.

Hành trình xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm “made in Vietnam” đầy chông gai nhưng cũng thật vinh quang. Điều quan trọng bây giờ là làm sao để tiếp tục bồi đắp, củng cố niềm tin yêu của người tiêu dùng. Câu hỏi ấy có lẽ không cần phải trả lời, bởi tôi tin, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà sản xuất đều đã quá thấu hiểu những gì họ phải làm sau cả một chặng đường đầy chông gai mà họ từng nếm trải. Không tự mãn, không ngủ quên, tất sẽ có thêm nhiều mùa quả ngọt.

Bài, ảnh: HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mua sắm & tham vọng

Cả V. League và hạng Nhất Việt Nam đều khai mạc mùa giải 2023 - 2024 vào cuối tháng 10 này, khi miền Trung và cả nước bước vào mùa mưa bão. Và cũng như lệ thường, là chuyện ủ mưu, mua sắm và cả chuyện bỏ giải nữa.

Mua sắm  tham vọng
Kinh tế đêm Huế cần sự kiên trì

Kinh tế đêm được định hướng là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tương lai. Những bước triển khai ban đầu, nhiều phố đêm mang lại hiệu quả nhất định về kinh tế và hình ảnh mới của thành phố. Tuy nhiên, để kinh tế đêm “cất cánh”, Huế cần kiên trì nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm dịch vụ đêm ngày một tốt hơn.

Kinh tế đêm Huế cần sự kiên trì
Nhộn nhịp thị trường đồ dùng học tập

Sách giáo khoa (SGK) và đồ dùng học tập là hành trang không thể thiếu của học sinh. Trước thềm năm học mới là thời điểm mua sắm SGK, đồ dùng học tập diễn ra sôi động nhất.

Nhộn nhịp thị trường đồ dùng học tập

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top