ClockChủ Nhật, 05/03/2017 11:08

Đường sách ở Huế

TTH - Giới mê sách Huế lâu nay đã thật sự “sốt ruột” khi một số thành phố lớn trong nước đã xuất hiện đường sách, mà Huế - một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước, lại đang im lìm.

Ở Hà Nội, từ lâu phố sách Đinh Lễ đã trở thành “thiên đường” của văn hóa đọc, được mệnh danh là “kho sách”của Hà Thành. Ở TP. Hồ Chí Minh, gần đây vừa khai trương đường sách Nguyễn Văn Binh, đường sách Nguyễn Huệ. Mỗi đường sách ấy chỉ dài khoảng 100m, quy tụ nhiều gian hàng của các đơn vị xuất bản nổi tiếng. Dịp lễ tết vừa qua, các đường sách này còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi động như giao lưu giới thiệu tác giả - tác phẩm, các chương trình âm nhạc, các cuộc trò chuyện về trà đạo, các cuộc bình Kiều, bói Kiều… Người Huế nghe chuyện, cứ nghĩ ước chi Huế mình cũng có đường sách.

Huế từ lâu định danh đất học, trung tâm đào tạo lớn của miền Trung và cả nước, với đội ngũ trí thức đông đảo, hàng trăm ngàn sinh viên - học sinh có tinh thần yêu chuộng sách vở là căn nền lý tưởng cho việc tổ chức đường sách. Thật ra, lâu nay các đơn vị xuất bản cũng thỉnh thoảng tổ chức những ngày hội sách, hội chợ sách cũ… tuy nhiên các hoạt động đó chưa đáp ứng hết nhu cầu của đông đảo người yêu sách. Thành phố vẫn thiếu vắng một không gian sách cố định để tạo nên một dấu ấn hẳn hoi về văn hóa đọc ở vùng đất văn hóa. Trong lúc đó, các quầy hàng dịch vụ ăn uống, thời trang mọc lên ngày mỗi nhiều, che lấp hết cả phần sinh hoạt tri thức vốn đang rất ít ỏi của Huế…

Cuối tháng 2/2017, một tin rất vui cho giới mê sách: UBND thành phố Huế, Phòng VHTT Huế vừa gửi đến các nhân sĩ, trí thức Huế bản dự thảo “Đề án đường sách thành phố Huế” để lấy ý kiến góp ý. Theo đề án, Huế sẽ tổ chức một đường sách có tên gọi là “Đường Sách thành phố Huế”. Con đường được lựa chọn là đường Bà Huyện Thanh Quan nằm ở bờ nam sông Hương. Đường này có điểm khởi đầu giáp đường Trương Định, băng qua ngã tư Lê Lợi chạy đến sát phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thuộc khu vực trung tâm của thành phố. Con đường dài 152m, hai bên tiếp giáp với Trung tâm Học liệu Đại học Huế, Sở Giáo dục & Đào tạo, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế. Mật độ xe cộ đi qua con đường này không nhiều, lại không vướng nhà dân, rất thuận tiện cho việc hình thành một đường sách. Việc xây dựng đường sách hình tại đây sẽ tạo nên một điểm nhấn văn hóa trong chuỗi các thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật đang hình thành ở trục đường Lê Lợi, Nguyễn Đình Chiểu…

Đường sách hình thành sẽ là nơi trao đổi, gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp giữa những người hoạt động văn hóa trong cả nước; nơi giao lưu của các tác giả, độc giả, nơi giới thiệu các xu hướng, trào lưu làm sách mới; tạo một không gian lan tỏa tri thức… Tại đường sách sẽ tổ chức giới thiệu và mua bán những tác phẩm mới, trao đổi sách hay, sách quý; tổ chức các phiên chợ sách cũ, các vật phẩm văn hóa; nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ, các nhà sưu tập sách cổ, tiền cổ, tem, postcard… Tại đây, các hoạt động định kỳ được xác định như giao lưu tác giả - tác phẩm, giới thiệu tác phẩm mới, các buổi tọa đàm, các hoạt động gắn với các dịp lễ hội như Ngày sách Việt Nam, Festival Huế… Các hoạt động không định kỳ sẽ được tổ chức như các chương trình phục vụ văn hóa đọc, các buổi sinh hoạt của các cơ quan văn hóa, các câu lạc bộ…

Như vậy có thể xác định, Huế sẽ có một đường sách ở vị trí đẹp trong thành phố. Một số ý kiến trao đổi bước đầu là liệu tên “Đường Sách thành phố Huế” đã hợp lý chưa? Bởi nhiều khi chỉ cần gọi đúng tên đường: “Đường sách Bà Huyện Thanh Quan”, là đủ?

Tên gọi cụ thể như thế nào thì các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu Huế sẽ có ý kiến thống nhất với UBND thành phố Huế. Nhưng với việc giấc mơ đường sách đang dần trở thành hiện thực, thì đây thật sự là tin vui!

HẠ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Return to top