Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, thiết chế bảo tàng tư nhân ở Huế ra đời được xem là xu hướng tất yếu của sự phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô. Không dừng lại đó, những bảo tàng tư nhân ở Huế khi đi vào vận hành đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Đến thời điểm này, Huế có 5 bảo tàng tư nhân. Nhiều cơ chế, chính sách ra đời góp phần giúp thiết chế này phát triển. Tuy nhiên, đằng sau những “hào quang” mà ai cũng thấy, các bảo tàng tư nhân vẫn đối mặt nhiều khó khăn, thậm chí chật vật, lúng túng trong quá trình vận hành.
Để một bảo tàng tư nhân ra đời không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà đó là cả một hành trình gian nan với muôn vàn thăng trầm, từ đam mê đến tiền bạc của nhà sưu tập cá nhân. Bảo tàng tư nhân ra đời vì thế như đứa con tinh thần và xa hơn những chủ nhân các bảo tàng ấy muốn món cổ vật - tinh hoa văn hóa có dịp được tiếp cận với công chúng và các nhà sưu tập có sân chơi rộng rãi.
Nhắc đến hệ thống bảo tàng tư nhân ở Huế, không thể không nhắc đến Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Nằm ở vị trí đặc địa, số 114 Mai Thúc Loan, bên trong Kinh thành Huế, đây là bảo tàng tư nhân được thành lập sớm nhất ở Huế, vào năm 2012.
Ngôi nhà rường được phục chế lại để làm nơi trưng bày hiện vật của Bảo tàng vốn là tư thất của cụ Trần Đình Bá, quan Thượng thư Triều Nguyễn, là ông cố của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - chủ nhân Bảo tàng. Thời điểm đó, sự ra đời của bảo tàng này như một luồng gió thổi vào niềm đam mê và tạo ra được sân chơi cho giới yêu cổ ngoạn cũng như du khách gần xa.
|
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (phải) - chủ nhân Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn trong một lần giới thiệu đến công chúng các hiện vật được trưng bày ngay trong bên trong không gian của bảo tàng
|
Hơn 10 năm mở cửa đón khách, Bảo tàng đồ sứ ký kiểu Triều Nguyễn đến thời điểm này vẫn là địa chỉ lôi cuốn mọi người, đặc biệt với những ai yêu thích cổ vật. Bước vào không gian này, du khách đặc biệt giới mê cổ vật sẽ không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến những bộ sưu tập đồ sộ liên quan đến đồ sứ ký kiểu Triều Nguyễn với những vật phẩm bằng sứ phục vụ sinh hoạt của hoàng gia, triều đình được gửi kiểu thức đặt làm tại các lò sứ danh tiếng của Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản dưới các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định…
Cũng trong không gian ấy, những bộ sưu tập các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng vàng, ngọc, ngà voi, gỗ khảm xà cừ… thời Nguyễn, bộ sưu tập đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ X - XX, bộ sưu tập tứ thú người Việt: vật phẩm ăn trầu, hút thuốc, thưởng trà, uống rượu khiến nhiều người choáng ngợp. Ngoài ra, thi thoảng chủ nhân của Bảo tàng cũng tổ chức các cuộc triễn lãm liên quan hay những buổi trò chuyện, ra mắt sách về chủ đề cổ vật thu hút giới chuyên gia khắp cả nước.
|
Nhiều người sẽ không khỏi "choáng ngợp" trước những hiện vật đồ sứ ký kiểu Triều Nguyễn được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cất công sưu tầm hàng chục năm qua
|
“Điểm đặc biệt của bảo tàng chúng tôi là bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Đây là một đặc điểm riêng không trùng lắp với các bảo tàng khác, vì vậy nó có một sức hút riêng. Chúng tôi hy vọng xã hội ngày một phát triển, nhu cầu thưởng thức văn hóa trở nên thiết yếu thì bảo tàng sẽ là đểm đến hấp dẫn của mọi tầng lớp nhân dân”, đại diện Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn chia sẻ.
Anh Nguyễn Vũ Nguyên (45 tuổi, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) từng nhiều lần đến Huế du lịch và gần như lần nào cũng tìm đến tham quan các hiện vật được bày biện ở Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn. Dù đã đến một số bảo tàng công lập và được tận mắt nhìn những báu vật về Triều Nguyễn, nhưng khi bước vào không gian bảo tàng tư nhân này anh không khỏi choáng ngợp bởi sự đồ sộ và quý giá mà gia chủ đã cất công sưu tập, trưng bày.
|
Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Huế ra đời vào đúng cách đây 10 năm và trở thành điểm đến thu hút du khách, đặc biệt với những ai có niềm yêu thích cổ vật
|
“Nếu không có những bảo tàng tư nhân như thế này thì chúng tôi - những người yêu thích văn hóa, đam mê cổ vật khó lòng thấy được những cổ vật quý hiếm, diễn giải được một phần nào giai đoạn lịch sử vàng son”, anh Nguyên nói.
Đến thời điểm này, Huế đã có 5 bảo tàng tư nhân. Tùy mục tiêu hướng đến mà các bảo tàng này đã trưng bày các bộ sưu tập quý giá và trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa. Một trong số đó phải kể đến Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế), điểm tham quan lý thú, không thể bỏ qua đối với mọi du khách chọn tuyến du lịch phía tây Huế, dọc theo tả ngạn dòng Hương và đối với những ai quan tâm nghiên cứu văn hóa Huế.
Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, bảo tàng này với hơn 2.000 hiện vật liên quan đến sành sứ, cùng với các sự kiện văn hóa thường xuyên diễn ra đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp công chúng, trí thức, tầng lớp văn học nghệ thuật, của giới trẻ và trở nên một địa chỉ văn hóa quen thuộc tại Huế.
|
Hướng ra bờ sông Hương thơ mộng, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương toạ lạc ở số 120 đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long, TP. Huế) với bộ sưu tập hàng ngàn hiện vật kể về câu chuyện của chính dòng sông chảy qua giữa lòng đô thị Huế
|
Tất cả những hiện vật được chủ nhân của Bảo tàng là GS.TS Thái Kim Lan – một người Đức gốc Huế cất công sưu tầm hơn 30 năm trước khi bày biện một cách bài bản, khoa học, dẫn lối từ cổng vào sân vườn và sâu vào bên trong không gian của ngôi nhà. Bước vào không gian “kể chuyện sông Hương” này, mọi người ai cũng choáng ngợp bởi khối lượng hiện vật đồ sộ, được phân loại, đánh giá khoa học tỉ mỉ. Tất cả đã giúp người xem hiểu hơn về đời sống của người dân bản địa sống trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử.
Đứng trước bộ sưu tập của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, TS. Nguyễn Văn Quảng, Phó Trưởng khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) đã không khỏi choáng ngợp bởi sự đồ sộ, phong phú, đa dạng với nhiều chất liệu, loại hình khác nhau như sành, đất nung, bán sứ và sứ.
Theo nhận định của TS. Quảng, điều tạo nên giá trị to lớn của bộ sưu tập gốm cổ sông Hương là sự hội tụ của nhiều loại chất liệu, nhiều thời kỳ và nhiều nguồn gốc khác nhau. Trong đó, chủ yếu là các hiện vật của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên (Thừa Thiên Huế), thế kỷ XVII - XVIII, nhiều hiện vật được vớt dưới sông Hương và đa phần các hiện vật còn nguyên vẹn, được bảo quản tốt.
|
Ngoài việc mở cửa đón du khách tham quan, tìm hiểu hiện vật, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến văn hóa, nghệ thuật
|
Bên cạnh sự đa dạng, phong phú đó, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương nằm ở vị trí thuận lợi đã góp phần trở thành địa chỉ tham quan du lịch, thưởng ngoạn văn hóa lý tưởng trong không gian nhà vườn truyền thống Huế. Đó chắc chắn sẽ là “nơi bảo quản, lưu giữ, trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa sông Hương. Ngoài ra, là điểm đến văn hóa độc đáo để công chúng tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử - văn hóa và tương tác, trải nghiệm các hoạt động tái hiện cuộc sống của cư dân thời cổ, nghề làm gốm cổ truyền”, TS. Quảng nhìn nhận.
Còn với chủ nhân Bảo tàng Gốm cổ sông Hương – GS.TS Thái Kim Lan, để “thai nghén” và cho ra đời một bảo tàng tư nhân thế này là cả hành trình đam mê nhưng đầy gian nan. Hơn 30 năm sưu tập từng hiện vật, bà bảo chưa thấy con sông nào có lớp trầm tích dày đặc, kéo dài cả không gian lẫn thời gian như sông Hương. Những hiện vật được tìm thấy từ lòng sông gắn với một giai đoạn, nó chất chứa nếp sống, cảm xúc và sự sáng tạo của con người. Tất cả hình thành nên một đời sống, tập thể trong xã hội vào thời điểm nhất định.
Và khi đã đủ duyên, bà đã biến ngôi từ được gia tộc trở thành bảo tàng, không gian văn hóa kể về sông Hương để mọi người xem những hiện vật được vớt lên từ chính lòng sông ấy, họ sẽ hiểu và trân quý văn hoá, lịch sử mà ngàn xưa để lại.
|
Bên trong Bảo tàng Gốm cổ sông Hương những hiện vật được xếp thành hàng, lớp, phân theo từng giai đoạn lịch sử khiến người xem vừa ấn tượng, vừa tò mò và trầm trồ trước sự kỳ công
|
Từ khi bảo tàng ra đời, GS.TS Thái Kim Lan cho rằng đã phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động trong việc trưng bày và liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo khách tham quan của nhiều độ tuổi, thành phần, quốc tịch. Qua các hoạt động, đã góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, di sản văn hóa Huế nói riêng, đồng thời phát huy hiệu quả trong việc phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, trải nghiệm của các tầng lớp nhân dân cùng du khách trong và ngoài nước.
Theo bà Lan, không dừng lại ở chức năng chính là phát huy giá trị di sản, Bảo tàng còn tích cực phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các các buổi tọa đàm, đối thoại, biểu diễn âm nhạc truyền thống của các diễn giả, nghệ sĩ nổi tiếng đối với thế hệ trẻ về nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau. Những chương trình như thế hướng tới góp phần giáo dục, định hướng cho các em về nếp sống, kỹ năng sống, phát triển nghề nghiệp, bảo tồn văn hóa, âm nhạc dân tộc...
|
Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đón du khách quốc tế, các chuyên gia, các bạn trẻ… tìm đến để vừa tham quan, vừa tìm hiểu, nghiên cứu
|
“Hiện Bảo tàng đang tiến hành dự án bảo tàng ảo và đó được xem là bước tiến mới và là sự khởi đầu cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động bảo tàng ở trong nước nói chung và bảo tàng ngoài công lập nói riêng. Đã có nhiều cải tiến, ứng dụng các phương tiện hiện đại trong cách thức trưng bày, sưu tầm, quảng bá, tổ chức dịch vụ và cạnh tranh thu hút khách tham quan. Ngoài ra, tạo được nhiều việc làm, đồng thời tạo thêm điểm đến sinh động, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh”, GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ.
Trong khi đó, ở góc nhìn của TS. Nguyễn Anh Thư (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Huế đa dạng về loại hình từ cổ vật, nghệ thuật, cho đến danh nhân… Mỗi bảo tàng đều có nét hấp dẫn và mang đậm dấu ấn của chủ nhân với những bộ sưu tập hiện vật “độc nhất vô nhị” ẩn chứa nhiều câu chuyện có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của dân tộc.
|
Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Phạm - bảo tàng tư nhân nằm trên đường Hàm Nghi, TP. Huế vừa được mở cửa đón khách vào năm 2023
|
So với bảo tàng tư nhân ở các thành phố lớn khác, TS. Thư nhìn nhận hệ thống bảo tàng tư nhân ở Huế đều đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý văn hoá thông qua nhiều chính sách cụ thể, do vậy hoạt động thường xuyên và có nhiều sáng tạo trong cách trưng bày, diễn giải di sản, thu hút khá đông khách tham quan trong và ngoài nước. “Sự có mặt của các bảo tàng tư nhân bên cạnh hệ thống bảo tàng công lập ở Huế đã tạo nên bức tranh toàn cảnh đa sắc màu với những điểm sáng đáng được ghi nhận và đánh giá cao từ cộng đồng”, TS. Thư nhận định.
Từng dành nhiều thời gian để tư vấn cũng như hỗ trợ chuyên môn cho việc ra đời một số bảo tàng tư nhân ở Huế, vị TS đến từ Hà Nội nói thêm rằng, ưu thế lớn nhất của hệ thống bảo tàng tư nhân ở Huế nằm ở chính những bộ sưu tập đa dạng, phong phú về chủ đề, loại hình, chất liệu... Tất cả đã phản ánh được sự đa dạng của lịch sử, văn hóa mà các bảo tàng công lập chưa bao quát hết.
|
Sự ra đời của các bảo tàng tư nhân ở Huế ngoài niềm đam mê tâm huyết của các chủ nhân còn giúp hạn chế việc thất thoát cổ vật, tạo điểm đến thu hút du khách
|
Không dừng lại đó, việc chỉ hơn 10 năm nhưng có nhiều bảo tàng tư nhân ra đời đã mang lại tác dụng tích cực trong việc hạn chế tình trạng thất thoát cổ vật, tạo thêm cơ sở cho công chúng được tiếp cận, thưởng ngoạn những di sản, di vật văn hóa quý giá của dân tộc, đồng thời góp thêm nhiều điểm đến văn hóa mới lạ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Huế.
Thế nhưng với kinh nghiệm và chuyên môn của mình, TS. Anh Thư cũng nhận định điểm yếu nhất đối với hệ thống bảo tàng tư nhân ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, đó là chưa nào có được một tổ chức bộ máy hoàn chỉnh và thực thi được đầy đủ các nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa. Tiếp đó là vấn đề chuyên môn, việc giám định, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho số lượng hiện vật rất lớn thuộc các bảo tàng tư nhân luôn cần đến sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia. Tất cả bảo tàng tư nhân ở Thừa Thiên Huế được ra đời chủ yếu dựa trên sự đam mê của chủ nhân về cổ vật và các loại hình nghệ thuật, nghề truyền thống... nhưng thiếu kinh nghiệm quản lý và phương thức hoạt động. Các trưng bày dựa trên những sưu tập hiện vật đã có và tận dụng những không gian có sẵn, thiếu kinh phí, thiếu sự hỗ trợ trang thiết bị chuyên ngành... để tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm hàng năm.
Nội dung: NHẬT MINH
Ảnh: PHAN THÀNH
Thiết kế: QUANG THIỀU