|
Cộng đồng cư dân người Lào ở A Lưới vỡ òa hạnh phúc trong ngày đầu trở thành công dân Việt Nam
|
Các vùng rẻo cao không chỉ là vùng đất huyền thoại với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc mà còn là nơi giao thương của người Lào với đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới từ hàng trăm năm trước, để rồi họ “bén duyên” định cư, sinh sống trên vùng đất này. Trải qua bao gian khó, thăng trầm, đến nay họ chính thức trở thành công dân Việt Nam, đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương sở tại.
Sau nhiều năm đằng đẵng sống trong cảnh di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều cư dân người Lào vỡ òa hạnh phúc trong niềm vui khôn tả bởi họ đã được nhận Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho nhập quốc tịch để thực sự trở thành công dân Việt Nam.
Cách nhau bởi một đường phân chia ranh giới hành chính quốc gia, lại có sự tương đồng, gần gũi về phong tục, tập quán, nhiều chàng trai, cô gái các bản làng giáp biên giới Việt Nam - Lào đã nên duyên vợ chồng. Không ít người trong đó gian nan suốt nhiều năm dài không quốc tịch. Thế nên, khi trở thành công dân Việt Nam, các gia đình mang 2 dòng máu Việt - Lào ở biên giới A Lưới rất đỗi tự hào và vui vầy, ấm áp...
Chị Kêr Thị Ân (SN 1980 tại Lào) kết hôn không giá thú qua biên giới, hiện ở tại thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới) là trường hợp như thế. Làm vợ anh Kêr Văn Hợi từ năm 2006, đã có hai mặt con nhưng đến năm 2019 mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Ngày được trao Giấy chứng nhận nhập quốc tịch Việt Nam, chị Ân mừng rỡ khôn xiết bởi làm dâu Việt Nam mười mấy năm mới được công nhận chính thức vợ chồng với anh Hợi.
|
Gặp gỡ những gia đình người dân Lào trên đất A Lưới
|
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào), chị Ân gặp anh Hợi từ những lần anh qua Lào làm ăn, nên hai người nảy sinh tình cảm. Sau 6 năm yêu nhau, chị Ân quyết định kết hôn với anh Hợi không giá thú. Chị Ân tâm sự: "Khi kết hôn chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản yêu nhau thì về sống với nhau thôi. Sau này mới thấy mình thiệt thòi, không làm được giấy đăng ký kết hôn, không vào được sổ hộ khẩu gia đình, không có chứng minh nhân dân, vì vậy gặp khó khăn rất nhiều…". Anh Hợi cười nói: “Ở với nhau sau 13 năm mới được kết hôn, mới có vợ thật sự...”.
|
Gia đình bà Kăn Mơ (trái) gồm 4 thế hệ được nhập quốc tịch Việt Nam từ tháng 9/2019
|
Thấm thoát đã 5 năm trôi qua kể từ ngày chị Ân và các con của chị được nhập quốc tịch Việt Nam, được khai sinh và được đến trường như bao học sinh ở “phố núi” A Lưới. Người con gái đầu của chị lúc dắt díu nhau qua biên giới mới chưa đầy 1 tuổi, nay đã trở thành cô sơn nữ gần tròn 18 tuổi. Đứa con trai thứ của anh chị nay đã vào lớp 1. Chị Ân nhớ lại: “Ngày đầu sang Việt Nam lúc đó muôn vàn khó khăn, vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn để sinh sống và nuôi con. Mọi chế độ chính sách gia đình mình đều không được nhận hỗ trợ, vì lúc đó mình chưa phải là người Việt và chưa có giấy kết hôn. Kể từ ngày được nhập quốc tịch Việt, mọi thứ đã khác, vợ chồng mình được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, cuộc sống dần khấm khá lên đến ngày hôm nay...”.
Niềm vui đó cũng là hạnh phúc của mẹ con bà Kăn Mơ, ở thôn A Bả, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới. Đây là gia đình thứ hai trong số hàng trăm cư dân người Lào sống di cư tự do và kết hôn không giá thú xuyên biên giới ở huyện A Lưới. Theo lời kể của bà, trước đây gia đình sinh sống tại xã A Ling, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Đến năm 1997, sau khi bố chồng mất, bà cùng các con, cháu và mẹ chồng là bà Kăn Pinh di cư tự do sang Việt Nam. Những ngày đầu mới sang, cuộc sống của những người trong gia đình hết sức khó khăn, nghèo đói, không biết phương cách làm ăn, muốn vay vốn sản xuất cũng không được do không có hộ khẩu, chỉ đi làm thuê mướn…
|
Kể từ ngày được nhập quốc tịch Việt, cuộc sống của những người dân Lào ở A Lưới đã khác hẳn
|
Bà Kăn Mơ nhớ lại: “Vợ chồng tôi và mấy đứa con theo mẹ, theo bà cùng mang phận xâm cư đến đây từ năm 1997. Trước ở Lào không có giấy tờ gì, nên khi sang đây không như bao gia đình khác, rất thiệt thòi”. Ngày ngày, ngoài việc đi làm thuê đồng áng khắp nơi, lúc nông nhàn vợ chồng bà đi làm công phụ thu hoạch cây keo, tràm cho các chủ rừng. Dù công việc nặng nhọc, tiền công thấp, nhưng vợ chồng bà đành chấp nhận vì không có giấy tờ tùy thân. Thấm thoát đã 27 năm sinh sống trên đất khách, các người con của bà cũng đã lập gia đình, có con cái, sống quây quần bên nhau và tất cả đã được mang quốc tịch Việt Nam.
|
|
Trên đường đến thăm các gia đình người gốc Lào được nhập quốc tịch Việt Nam ở địa phương, anh Hồ Văn Mạnh, cán bộ Tư pháp xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cho hay, gia đình chị A Viết Thị Nós, ở thôn Âr Kêu Nhâm là người Lào kết hôn không giá thú qua biên giới, nay đã được trao Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Hiện tại, vợ chồng chị được lập danh sách hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng để xây dựng nhà ở theo Quyết định 1719 của Chính phủ...
|
Người Lào quốc tịch Việt ở A Lưới được thụ hưởng đầy đủ các chính sách về hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm...
|
Chị A Viết Thị Nós (SN 1986 tại Lào) kết hôn không giá thú qua biên giới với anh Hồ Viết AH, ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, bộc bạch: “Lập gia đình riêng được hơn 10 năm vẫn chưa được làm hôn thú, thời điểm đó lúc nào cũng cảm thấy mình không có gì trong tay, không có tên trong hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, không có thẻ bảo hiểm y tế, nhiều lúc cảm thấy tủi thân lắm. Trải qua những ngày tháng đó mới thấy vô cùng sung sướng khi được trở thành công dân Việt Nam. Sau hơn cả chục năm chờ đợi, khi được trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, mình cảm giác như được sinh ra lần thứ 2. Bây giờ, mình rất tự hào là công dân Việt Nam...”.
|
Chị A Viết Thị Nós bên cạnh chồng bày tỏ niềm hạnh phúc được trở thành công dân Việt Nam
|
6/9/2019 là ngày ý nghĩa và rất hạnh phúc của nhiều cư dân người Lào. Bởi hôm đó là lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người Lào sống di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới A Lưới. Từ tờ mờ sáng, dù chưa đến giờ tổ chức nhưng bà con đã tập trung đầy đủ tại Hội trường UBND huyện A Lưới. Bên ngoài hành lang, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt vui mừng của đồng bào vì mơ ước của họ từ nhiều năm nay mới thành hiện thực.
Niềm hạnh phúc càng bừng sáng rõ trên khuôn mặt anh A Viết Ngốt (SN 1980 tại Lào), ở xã A Roàng (A Lưới) hôm gặp lại chúng tôi. Anh Ngốt là người gốc Lào kết hôn không giá thú qua biên giới, nay đã được mang quốc tịch Việt Nam với niềm hân hoan, phấn khởi không tả xiết. Anh Ngốt nói rằng: “Bà con vui mừng hơn khi được Sở Tư pháp hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh và các thủ tục hộ tịch khác cho người được nhập quốc tịch Việt Nam như chúng tôi. Đây là điều mà bao nhiêu năm chúng tôi hằng mong muốn, là điều kiện để chúng tôi an tâm lao động, sinh sống lâu dài tại quê hương thứ hai này”.
|
Niềm vui khôn xiết của gia đình chị Kêr Thị Ân trong ngày đầu được nhập quốc tịch Việt
|
Với những người gốc Lào sinh sống di cư tự do trên đất A Lưới và những công dân Lào lấy vợ, chồng người Việt Nam từ nhiều năm nay, việc được nhập quốc tịch Việt Nam đối với họ là niềm hạnh phúc vô bờ, bởi người dân được nhập quốc tịch Việt Nam lần này đã chờ đợi rất lâu, có gia đình đã trải qua 2-3 thế hệ. Niềm vui ấy càng trở nên ý nghĩa đối với con cháu của họ khi được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, được khai sinh, được đến trường học hành và được khám chữa bệnh khi ốm đau…
|
|
Người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam – Lào đã tồn tại nhiều năm nay tại các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào, trong đó có huyện A Lưới. Trải qua nhiều năm cư trú, làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ nước ta, đến nay phần lớn cư dân này đã thực sự hòa nhập với cộng đồng xã hội Việt Nam về nhiều mặt. Khi chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, về mặt pháp lý, họ và con cháu của họ chưa được xác định tư cách công dân một cách đầy đủ. Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý dân cư tại địa phương, an ninh biên giới.
|
Chính sách về hỗ trợ sinh kế, phát triển sản suất, xóa nghèo bền vững cho người Lào ở A Lưới được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm
|
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Hưng tâm sự về quá trình khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ việc lập và tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho bà con ở biên giới A Lưới, quả không ít gian nan. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều năm qua, qua khảo sát song phương của Tổ chuyên viên liên hợp với tỉnh Salavan và tỉnh Sê Kông (Lào), kết quả có hàng trăm trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ tỉnh Salavan, tỉnh Sê Kông qua cư trú tại huyện A Lưới. Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND huyện A Lưới tổ chức Đoàn công tác lưu động đến UBND các xã có người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú để lập các thủ tục.
|
Thắm tình Việt - Lào trên biên giới
|
“Lúc đầu khi đoàn đến các địa phương làm việc, bà con hiểu nhầm là điều tra để đẩy đuổi nên thường trốn tránh. Nhiều trường hợp do trình độ bà con còn hạn chế nên khai báo thông tin không đúng với lý lịch. Nhờ sự hỗ trợ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín đến giải thích, bà con hiểu mới hợp tác và khai báo đầy đủ, chính xác”, ông Hưng giải thích.
Theo ông Hưng, trong quá trình hiện thực ước mơ nhập quốc tịch Việt Nam cho bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi hầu hết người di cư tự do không biết tiếng địa phương; địa hình biên giới của tỉnh ta và các tỉnh phía bạn Lào hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nên Tổ Chuyên viên liên hợp rất gian nan trong quá trình điều tra. Song, với sự tận tâm của các ban, ngành chức năng, quá trình lập danh sách và ký kết biên bản song phương về giải quyết vấn đề của người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh cơ bản đã hoàn tất, tạo niềm vui lớn cho bà con trong hành trình chinh phục cuộc sống mới trên quê hương mới A Lưới, một huyện miền núi thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước tại thời điểm đáng nhớ này.
Nội dung: BÁ TRÍ - HẢI TRIỀU
Ảnh: BÁ TRÍ - HẢI TRIỀU
Thiết kế: QUANG THIỀU