Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, thiết chế bảo tàng tư nhân ở Huế ra đời được xem là xu hướng tất yếu của sự phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô. Không dừng lại đó, những bảo tàng tư nhân ở Huế khi đi vào vận hành đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Hệ thống bảo tàng tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc nói chung, di sản văn hóa Huế nói riêng. Bên cạnh các quy định về chính sách xã hội hóa, tỉnh đã quan tâm, xây dựng chính sách hỗ trợ cho loại hình bảo tàng tư nhân, nhưng vì cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều nên các bảo tàng tư nhân luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển cho chính bảo tàng mình.
Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thẳng thắn như thế khi nói về những đóng góp của bảo tàng tư nhân đối với sự phát triển văn hóa của vùng đất, cũng như những thách thức, khó khăn mà mô hình này đang phải đối mặt.
|
Lãnh đạo tỉnh tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Đây là bảo tàng tư nhân có hình thức trình bày hiện đại khi ứng dụng nhiều công nghệ nghe, nhìn tương tác thông qua màn hình cảm ứng và các phim tư liệu có giá trị lịch sử
|
Ông Bình cho rằng, sự ra đời của bảo tàng tư nhân là xu thế nhưng không hề đơn giản. Đó là công sức, tâm huyết, niềm đam mê của chủ nhân bảo tàng. Dù chỉ với quy mô nhỏ nhưng các bảo tàng tư nhân đã tạo hiệu ứng tốt, góp phần phản ánh được bản sắc, giá trị văn hóa Huế.
“Sự góp mặt của các bảo tàng tư nhân đã mở ra xu thế mới cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế đến công chúng. Bên cạnh đó, sự ra đời của các bảo tàng này ở Huế đã tạo được nhiều việc làm, đồng thời tạo thêm điểm đến sinh động, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Dù tỉnh đã có Nghị quyết hỗ trợ cho bảo tàng tư nhân, nhưng theo tôi những hỗ trợ ấy vẫn ở giai đoạn bước đầu, có tính khơi gợi. Còn để tham gia trực tiếp vào đầu tư một thiết chế thật sự phải có hướng dẫn từ trên, trong bình diện quốc gia”, ông Bình nhận định.
Như ông khẳng định vai trò quan trọng của bảo tàng tư nhân trong việc phát triển văn hóa, du lịch, quảng bá di sản. Vậy, ông mong muốn và có định hướng gì xa hơn để bảo tàng tư nhân có thể làm tốt hơn vai trò này?
Bảo tàng tư nhân thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi xã hội hóa của Chính phủ. Vì vậy, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện “Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”.
|
Những bảo tàng tư nhân được hình thành trong thời gian qua ở Huế được xem đã mở ra xu thế mới trong việc giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa Huế đến với công chúng
|
Phải kể đến như việc hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá hình ảnh…
Không dừng lại đó, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất thêm các giải pháp để mô hình này tiếp tục phát triển tốt hơn. Cụ thể như điều chỉnh, bổ sung các quy định cụ thể về bảo tàng và chính sách đối với người lao động làm việc tại bảo tàng. Tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện đối với hoạt động bảo tàng, ban hành kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, chú trọng công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức trong nước và quốc tế cùng tham gia thực hiện phát triển hệ thống bảo tàng.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác phát huy giá trị các bảo tàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong tổ chức hoạt động bảo tàng học.
Ngoài ra, chú trọng việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, nội dung, chất lượng và hình thức hoạt động bảo tàng, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý bảo tàng. Mời các chuyên gia quốc tế để giảng dạy và kết hợp hướng dẫn thực hành; đưa cán bộ bảo đảm các điều kiện về năng lực và ngoại ngữ đi học tập, nghiên cứu thực tiễn bảo tàng tại nước ngoài.
|
Dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều chính sách cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền thì hệ thống bảo tàng tư nhân sẽ đạt các bước tiến mới trong hành trình góp sức gìn giữ và phát huy giá trị di sản của quốc gia nói chung, văn hóa Huế nói riêng
|
Không dừng lại đó, sẽ tạo điều kiện cho các bảo tàng trên địa bàn toàn tỉnh mở rộng hợp tác quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng, hiệu quả nhằm cập nhật xu hướng đổi mới và tranh thủ kinh nghiệm, kỹ thuật, các nguồn lực quốc tế cho việc định hướng và phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam nói chung, bảo tàng tỉnh nói riêng. Tăng cường giao lưu, trao đổi trưng bày, giới thiệu hiện vật giữa các bảo tàng nhằm quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế ra toàn thế giới.
Có một thực tế mà các bảo tàng tư nhân đang đối mặt đó là cơ chế chính sách vẫn chưa rõ ràng như việc hỗ trợ thuế đất, tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản... Tỉnh có nắm rõ vấn đề này và có phương án gì để tháo gỡ khó khăn này để hỗ trợ các bảo tàng tư nhân, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 5 bảo tàng tư nhân được cấp phép hoạt động. Các bảo tàng này hoạt động dưới các hình thức khác nhau, như: Công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể… Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của hệ thống bảo tàng ngoài công lập, các bảo tàng cần có tư cách pháp nhân để hoạt động.
Tỉnh cũng đã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa chỉ quy định về nội dung chuyên môn đối với hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và hoạt động bảo tàng nói riêng. Vì vậy, vấn đề tư cách pháp của bảo tàng ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Được biết, các đoàn công tác thuộc Quốc hội đã từng đến một số bảo tàng tư nhân ở Huế để lắng nghe ý kiến của các chủ nhân cũng của chính quyền về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để có phương án điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý. Vậy tỉnh đã có những kiến nghị cụ thể ra sao?
Chính sách hỗ trợ cho bảo tàng ngoài công lập của Thừa Thiên Huế đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, các chính sách này cần được cụ thể hóa thành các thủ tục hành chính kèm theo các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà chúng tôi giao cho ngành văn hóa chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu để triển khai thực hiện.
|
Một góc trưng bày các hiện vật ở Bảo tàng Gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan
|
Chúng tôi cũng đã đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến 2030, định hướng đến 2050. Trong đó quan tâm, kịp thời ban hành các chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định về hoạt động bảo tàng học; có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ chế triển khai, thực hiện và phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức hoạt động bảo tàng nói chung, bảo tàng tư nhân nói riêng.
Không chỉ có vậy, xa hơn nữa là cần tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế bảo tàng, ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp để kịp thời phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam. Một lưu ý nữa đó là việc xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực và nhân lực phù hợp để triển khai hiệu quả hoạt động bảo tàng công lập và tư nhân từ trung ương đến các tỉnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng tại nghị trường rằng, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này nên có thêm các quy định động viên về cơ chế, chính sách, thủ tục cho bảo tàng tư nhân hơn nữa. Với một địa phương có nhiều bảo tàng tư nhân như Huế, ông nghĩ sao và mong muốn gì về việc sửa đổi lần này?
Tôi cho rằng, trước nhu cầu phát triển của hệ thống bảo tàng tư nhân, các bảo tàng cần có tư cách pháp nhân để hoạt động.
|
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội trong một chuyến làm việc với tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa đã đến khảo sát thực tế ở Bảo tàng Gốm cổ sông Hương
|
Do vậy, để tạo điều kiện để các bảo tàng này tổ chức hoạt động cũng như thực hiện đúng các quy định pháp luật, trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung) cũng cần quy định các nội dung liên quan đến tư cách pháp nhân của các bảo tàng ngoài công lập. Điều này các đại biểu, chuyên gia cũng đã lên tiếng và tôi tin rằng sẽ được lắng nghe, bổ sung trong thời gian tới.
Trong tương lai, Huế còn rất nhiều tiềm năng trong việc thành lập thêm các bảo tàng tư nhân như bảo tàng áo dài, bảo tàng ẩm thực, bảo tàng Phật giáo… Tỉnh sẽ có những định hướng và thúc đẩy việc này ra sao?
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về hoạt động bảo tàng đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo tiền để cho các tổ chức, cá nhân tham gia sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của quốc gia nói chung, văn hóa Huế nói riêng.
Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo và hướng dẫn nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bảo tàng ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng xã hội và chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa hoạt động bảo tàng.
|
Sự ra đời của các bảo tàng tư nhân ở Huế đã tạo thêm điểm đến sinh động, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ
|
Để các bảo tàng tư nhân phát huy được vai trò, theo tôi vấn đề đặt ra là để có một thiết chế bảo tàng đảm bảo với công năng sử dụng đòi hỏi các nhà quản lý phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát các địa điểm phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tham gia vào quá trình đầu tư hoạt động bảo tàng.
Ngoài ra, thời gian tới cần xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập để duy trì phát triển bảo tàng ngoài tư nhân, tạo sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập và các bảo tàng công lập...
Với hệ thống bảo tàng công lập lẫn tư nhân khá đồ sộ như Huế, việc thành lập một Hiệp hội bảo tàng là rất cần thiết. Điều này nhằm tạo cơ hội để trao đổi, hướng dẫn cho nhau cũng như hỗ trợ cho các bảo tàng tương lai… Ông nghĩ sao về điều này?
Mặc dù chưa được chính thức thành lập, nhưng thời gian qua, các bảo tàng công lập và bảo tàng tư nhân đã hình thành nhóm “Những người yêu bảo tàng của Huế” để trao đổi, gặp gỡ và giúp đỡ nhau trong hoạt động chuyên môn.
Theo tôi, việc hình thành tổ chức hội nghề nghiệp là sự tự nguyện, tự trang trải kinh phí cũng như cơ sở vật chất. Khi hội đủ các tiêu chí, tỉnh luôn ủng hộ và giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: NHẬT MINH - LÊ THỌ
Ảnh: PHAN THÀNH
Thiết kế: QUANG THIỀU