Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, thiết chế bảo tàng tư nhân ở Huế ra đời được xem là xu hướng tất yếu của sự phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô. Không dừng lại đó, những bảo tàng tư nhân ở Huế khi đi vào vận hành đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Ra đời và trở thành điểm đến văn hóa cuốn hút du khách, nâng cao đời sống tinh thần cũng như quảng bá những giá trị văn hóa di sản nhưng hầu hết các bảo tàng tư nhân vẫn “kêu” khó khăn khi đối mặt nhiều thử thách trong việc duy trì, phát triển.
Bên cạnh tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện dẫn đến khó thực thi được đầy đủ các nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa là những vấn đề liên quan đến chính sách và sự hỗ trợ từ phía chính quyền.
Theo tìm hiểu, gần nhất năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng tư nhân trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Trong đó nêu rõ các chính sách như hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng ngoài công lập; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá hình ảnh… Với chính sách này, năm 2022 một số bảo tàng đã được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng và năm 2023 là 300 triệu đồng, để tổ chức các hoạt động liên quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia con số này còn quá khiêm tốn.
Chủ nhân Bảo tàng Gốm cổ sông Hương – GS.TS Thái Kim Lan thừa nhận, dù được chính quyền quan tâm hỗ trợ cho loại hình bảo tàng tư nhân, nhưng do cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước cho loại hình bảo tàng này chưa nhiều nên chủ nhân luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển. Các chương trình trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng phần nhiều do bảo tàng tự trang trải kinh phí nên còn nhiều eo hẹp.
|
Việc ra đời các bảo tàng tư nhân đã đóng góp quan trọng trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô. Tuy nhiên hầu hết các bảo tàng cũng cho rằng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rào cản trong đó có vấn đề liên quan đến tư cách pháp nhân
|
“Chúng tôi đang hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đứng trước nhu cầu phát triển của hệ thống bảo tàng ngoài công lập, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương rất cần có tư cách pháp nhân cụ thể để hoạt động mạnh hơn”, bà Lan nêu khó khăn. Đồng thời, bà cũng đề nghị chính quyền xem xét về thẩm quyền con dấu riêng để bảo tàng tư nhân thuận lợi hơn trong hoạt động.
Ngoài ra, theo bà Lan, nhìn chung sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng tư nhân với bảo tàng công lập chưa chặt chẽ, các khâu nghiệp vụ của bảo tàng chưa thực hiện thường xuyên. Vì vậy, một tờ thông tin về các bảo tàng và hoạt động của bảo tàng cần được thành lập trong ý tưởng đó. Từ đó, những thông tin trưng bày, triển lãm, kinh nghiệm hoạt động, quản lý của lĩnh vực bảo tàng trong nước và quốc tế luôn được cập nhật và đẩy mạnh.
|
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội trong một lần đến khảo sát và lắng nghe ý kiến tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương
|
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Huế hoàn toàn có thể hình thành một hệ thống phong phú các bảo tàng ngoài tư nhân với nhiều hình thức khác nhau, như: bảo tàng chuyên đề, bảo tàng nghề, bảo tàng lưu niệm, bảo tàng tổng hợp, bảo tàng ngành hoặc liên ngành… Có một điều đáng chú ý là cho đến nay, các bảo tàng tư nhân của Huế đều được thành lập hoặc có nguồn gốc hình thành từ các chủ sở hữu là những người không phải sống ở Huế. Những chủ sở hữu này đều là những người rất yêu Huế, muốn gắn bó với Huế và họ đã chọn vùng đất Cố đô để lập nghiệp, để “quay về” hoặc hiến tặng các sưu tập hiện vật để thành lập không gian lưu niệm, bảo tàng.
Ngay cả Bảo tàng Mỹ thuật Huế, là một bảo tàng công lập, cũng được hình thành từ hai bộ sưu tập hiện vật chính do hai họa sĩ/nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới trao tặng (Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị). Và trong tương lai gần, khả năng hình thành một số bảo tàng tư nhân mới vẫn chủ yếu là theo cách thức này. Chính vì vậy, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để những bảo tàng này sớm được thành lập và đi vào hoạt động.
|
|
Và dù chính quyền đã quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ cho loại hình bảo tàng tư nhân nhưng chưa nhiều nên các bảo tàng này luôn phải tự tìm hướng duy trì, phát triển. Hầu hết các hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, biểu diễn nghệ thuật… nhằm phục vụ công chúng đều do các bảo tàng tự trang trải kinh phí nên còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các bảo tàng tư nhân trên địa bàn tỉnh đa số mới thành lập nên hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn, diện tích kho bảo quản hiện vật không lớn, đặc biệt là kinh phí hoạt động còn khá hạn chế cũng như thiếu sự hỗ trợ của các chuyên gia và trang thiết bị chuyên ngành.
|
Đại diện các bảo tàng tư nhân cho rằng cần có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cũng như tháo gỡ những vướng mắc để thiết chế này hoạt động một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong ảnh, các đại biểu tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở đường Đặng Thái Thân, bên trong Kinh thành Huế
|
Ngoài ra, hiện các bảo tàng đang hoạt động dưới các hình thức khác nhau như công ty trách nhiệm hữu hạn, hộ kinh doanh cá thể… Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của hệ thống bảo tàng tư nhân, các bảo tàng đang gặp những khó khăn vướng mắc về tư cách pháp nhân để hoạt động (tài khoản, con dấu riêng). Trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức dù có thực lực và rất tâm huyết trong việc thành lập bảo tàng, nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, họ thường tỏ ra khó hiểu, lúng túng, thậm chí thất vọng, chán nản. Đây chính là điểm bất cập mà các cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng xử lý.
Các chính sách hỗ trợ được nêu rõ trong nghị quyết của HĐND tỉnh, nhưng vẫn chưa cụ thể. Vì thế cần được cụ thể hóa thành các thủ tục hành chính kèm theo các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
|
Bảo tàng tư nhân ở Huế còn là điểm đến giáo dục trải nghiệm cho các đối tượng học sinh, sinh viên
|
Trong khi đó, theo hiến kế của TS. Nguyễn Anh Thư (Trường đại học Văn hóa Hà Nội), để bảo tàng tư nhân hoạt động tốt các chủ nhân cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển trong ngắn hạn và dài hạn cho bảo tàng, xác định rõ mục tiêu hoạt động và có kế hoạch hoạt động thường niên. Song song với đó, thường xuyên kiểm kê, làm hồ sơ cho hiện vật, vì muốn có trưng bày tốt phải giám định và có cơ sở khoa học cho những hiện vật bảo tàng đang lưu giữ. Ngoài ra, các bảo tàng cần tham gia mạng lưới giao lưu, trao đổi chuyên môn, giữa bảo tàng tư nhân với nhau, bảo tàng tư nhân với bảo tàng công lập trên địa bàn cũng như cả nước. Qua đó, tăng thêm sự giúp đỡ về mặt chuyên môn, sự tham vấn của các chuyên gia nhiều lĩnh vực trong các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày giới thiệu, kiểm kê, bảo quản...
Có thời gian theo dõi sự hình thành và phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân ở Huế, TS. Anh Thư cũng cho rằng, đây là địa phương đi đầu cả nước với việc ban hành các chính sách cụ thể, hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên dừng lại đó là chưa đủ.
|
Các hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
|
“Để bảo tàng tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, rất cần có những cơ chế chính sách, khuyến khích các bảo tàng tư nhân phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, tích cực trong các hoạt động chuyên môn như: hỗ trợ thuê đất, thuê mặt bằng để các bảo tàng mở rộng diện tích trưng bày, kho bảo quản. Đặc biệt, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường niên, mở rộng các loại hình dịch vụ trong bảo tàng tư nhân để có nguồn thu tái đầu tư vào các hoạt động bảo tàng, hỗ trợ quảng bá, truyền thông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác đối ngoại và phát triển dự án – kết nối hệ thống bảo tàng tư nhân trên địa bàn tỉnh thông qua các dự án, đề xuất để nhận được sự tài trợ và chuyên môn từ các bảo tàng nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ...”, TS. Anh Thư nêu quan điểm.
|
|
Đồng quan điểm, TS. Lê Vũ Trường Giang (Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) cũng đưa ra thêm ý tưởng rằng, để bảo tàng tư nhân tiến xa hơn nữa trong việc quảng bá giá trị văn hóa cho Huế, các chủ bảo tàng nên hướng đến hoạt động giáo dục trải nghiệm cho các đối tượng học sinh, sinh viên.
Theo TS. Giang, hiện nay, chương trình phổ thông hướng đến giáo dục địa phương trên nhiều lĩnh vực. Vì thế, việc phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục tại bảo tàng (công lập lẫn tư nhân) không chỉ góp phần đưa chương trình trải nghiệm di sản văn hóa Huế đến gần hơn với công chúng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, mà còn góp phần đưa bảo tàng thành điểm đến bổ ích, góp phần tạo nên sức hút, sự lan tỏa và sự phát triển ổn định của bảo tàng nói chung và bảo tàng ngoài công lập.
|
Các quan khách tham quan các hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Phạm
|
“Để làm được việc này, chính quyền cần có sự tác động về mặt chính sách, nhất là chính sách giáo dục địa phương, kết nối trường học và bảo tàng thành một chuỗi giáo dục tri thức và thực tế, mang lại trải nghiệm trực quan, sinh động và hiệu quả trong việc truyền tải quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của Huế”, TS. Giang mong muốn.
Theo ông Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể để giúp bảo tàng tư nhân phát huy được vai trò, vị trí trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Ông Hải nhìn nhận, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước về hoạt động bảo tàng đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo tiền đề cho các tổ chức, cá nhân tham gia sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị di sản của quốc gia nói chung, văn hóa Huế nói riêng. Tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo và hướng dẫn nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các bảo tàng ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng xã hội và chủ trương về xã hội hóa hoạt động bảo tàng.
|
Để bảo tàng tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, rất cần có những cơ chế chính sách, khuyến khích các bảo tàng tư nhân phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo, tích cực trong các hoạt động chuyên môn
|
Vì thế, việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng tư nhân phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, rà soát các địa điểm phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mạnh dạn tham gia vào quá trình đầu tư hoạt động bảo tàng.
Ngoài ra, cần xúc tiến thành lập quỹ hỗ trợ phát triển bảo tàng tư nhân để duy trì phát triển bảo tàng ngoài công lập. Ông Hải cho rằng, trong khi các bảo tàng công lập được nhà nước cấp kinh phí để hoạt động, thì các bảo tàng tư nhân là một tổ chức hoạt động về văn hóa phi lợi nhuận, tự chủ về kinh phí hoạt động. Vì vậy, ngoài nguồn thu hạn chế từ việc bán vé, bảo tàng tư nhân cần có sự bảo trợ của các quỹ hỗ trợ phát triển để duy trì hoạt động. Đây cũng là một trong những kênh tài trợ hiệu quả để thúc đẩy các bảo tàng hoạt động tích cực, nhằm tạo nguồn lợi lâu dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những ưu tiên để các bảo tàng tư nhân vay vốn trung hạn và dài hạn từ Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để tổ chức hoạt động.
Cùng với đó phải làm sao tạo sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng tư nhân và các bảo tàng công lập. Điều này cũng đã được các bảo tàng tư nhân và công lập trên địa bàn tỉnh phối hợp thông qua nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu các sưu tập hiện vật đến với công chúng, tăng cường hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.
|
Chủ nhân các bảo tàng cần có chiến lược trong việc xác định mục tiêu cũng như kế hoạch hoạt động
|
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành văn hóa của Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan các bảo tàng tư nhân vẫn chưa có bộ máy hoàn chỉnh, kinh nghiệm chuyên môn chưa đảm bảo, kính phí không đủ để đầu tư cho các trang thiết bị chuyên ngành.
Do vậy, tự thân các bảo tàng tư nhân cần chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản tư liệu, hiện vật… Song song với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày của bảo tàng, đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý hoạt động bảo tàng cũng như tăng cường liên kết chuyên môn nghiệp vụ với các bảo tàng công lập.
“Bên cạnh bảo tàng tư nhân hiện có, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều nhà sưu tập tư nhân đã và đang bảo quản, lưu giữ một số lượng lớn các hiện vật, sưu tập hiện vật có giá trị. Thời gian vừa qua, việc thúc đẩy thành lập các bảo tàng tư nhân và sự kết hợp giữa bảo tàng công lập với các nhà sưu tầm, bảo tàng tư nhân trong công tác trưng bày là một trong những thành công của công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiến hành có hiệu quả”, ông Hải chia sẻ.
Nội dung: NHẬT MINH
Ảnh: PHAN THÀNH
Thiết kế: MINH QUÂN