|
Cộng đồng cư dân người Lào ở A Lưới vỡ òa hạnh phúc trong ngày đầu trở thành công dân Việt Nam
|
Các vùng rẻo cao không chỉ là vùng đất huyền thoại với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc mà còn là nơi giao thương của người Lào với đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới từ hàng trăm năm trước, để rồi họ “bén duyên” định cư, sinh sống trên vùng đất này. Trải qua bao gian khó, thăng trầm, đến nay họ chính thức trở thành công dân Việt Nam, đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương sở tại.
Trong hành trình mưu sinh, lập nghiệp trên vùng đất mới, người dân bản Lào được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể sở tại xem như chính người dân của mình. Họ vẫn được đưa vào diện xem xét giải quyết để hưởng các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ từ các chương trình, dự án xoá đói, giảm nghèo như công dân của huyện A Lưới.
Thời điểm mà người dân bản Lào di cư đến Quảng Nhâm sinh sống cũng là lúc đời sống của bà con địa phương còn nhiều gian khó. Ấy vậy mà, khi tại địa phương có được các chương trình, dự án, tổ chức và cá nhân nào hỗ trợ, giúp đỡ về lương thực, thực phẩm, mô hình sinh kế, Đảng ủy, chính quyền địa phương đều rà soát và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bạn Lào để cùng được hưởng.
|
Thanh niên và bộ đội biên phòng tặng quà cho dân bản Lào
|
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, ông Hồ Viết Rưng trao đổi, tại Quảng Nhâm có 80 hộ dân bản Lào đến định cư, sinh sống đều nhận được sự hỗ trợ xoá nhà tạm từ các chương trình, dự án. Đến nay, qua rà soát còn hộ gia đình chị Hồ Thị Hương chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở. UBND xã Quảng Nhâm đã lập hồ sơ trình huyện để hỗ trợ nhà ở cho hộ này theo Chương trình 1719 trong năm nay (2024).
“Do di cư tự do từ những năm sau này, lại chưa có các thủ tục pháp lý liên quan nên đến nay gia đình mới được đưa vào diện đề xuất hỗ trợ xây dựng nhà ở. Khi biết được thông tin chính quyền địa phương đang cố gắng “xin nhà” giúp chúng tôi, thật sự đó là niềm vui sướng đối với gia đình lúc này. Tôi mong sớm có ngôi nhà mới để an cư, yên tâm làm ăn sinh sống”, bà Hương cảm động.
Tại những nơi tập trung đông dân cư Lào như thôn KLeng ABung được chính quyền địa phương, các đoàn thể quan tâm hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng. Hầu hết các tuyến đường trong thôn đều được bê tông sạch đẹp để cùng với toàn xã xây dựng cuộc sống mới, nông thôn mới. Người dân bạn Lào dù chưa có khả năng đóng góp kinh phí, nhưng khi triển khai xây dựng bất cứ công trình công cộng nào đều có sự tích cực tham gia đóng góp công sức của hầu hết người dân nơi đây.
|
Người dân chỉnh trang đường sá
|
Ông Hồ Xuân Ra ở thôn KLeng ABung bảo, được định cư, sinh sống trên mảnh đất A Lưới huyền thoại, lại luôn được sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nhiều mặt từ các cấp, ban ngành là niềm vui lớn đối với những hộ dân bản Lào. Có đường sá đi lại thuận tiện, việc còn lại của ông Ra và các hộ là chăm lo vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, chăm sóc hoa trên các tuyến đường không chỉ vào các ngày thứ bảy, chủ nhật mà bất cứ ngày nào trong tuần. Lúc đầu khi triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, thường các đoàn thể vận động, kêu gọi thì bà con mới ra quân vệ sinh môi trường, giờ đây phong trào này đã trở thành nếp sống hằng ngày của cư dân Lào và cả người bản địa.
|
|
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện A Lưới khẳng định, tất cả các hộ dân, phụ nữ người Lào đang định cư, sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới không ai bị bỏ rơi. Từ trước đến nay, họ còn luôn được sự quan tâm chăm lo đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện. Nhiều phụ nữ là người Lào được vận động tham gia, kết nạp vào hội viên Hội LHPN để được tạo điều kiện tham gia hoạt động, phong trào hội, đảm bảo quyền lợi cho chị em.
|
Khởi công xây nhà tình thương và tặng quà cho dân bản Lào |
Các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện A Lưới cử cán bộ về tận cơ sở, đến từng hộ dân để thực tế đời sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ dân. Để từ đó có cơ sở hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện năng lực, trình độ của các hộ. Tuỳ vào hoàn cảnh của mỗi hộ, các cấp Hội LHPN hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn, gà, nuôi cá, trồng cây ăn quả… Một số hộ có dấu hiệu bạo lực gia đình cũng được cán bộ hội đến trao đổi, hoà giải kịp thời.
Nhiều hoạt động có ý nghĩa giáo dục và nâng cao nhận thức thu hút đông đảo phụ nữ người Lào tham gia. Mới đây, trên địa bàn huyện diễn ra các cuộc thi xây dựng clip “Tuyến đường hoa xanh, sáng, sạch, đẹp”, “Giải bóng đá nữ lần thứ nhất”, các hội thi “Gia đình ấm áp yêu thương”, “Dân vũ thể thao”, “Duyên dáng tà áo dài zèng A Lưới”... đều có sự tham gia của một số phụ nữ người Lào. Đáng kể đến là hội diễn “Duyên dáng tà áo dài zèng A Lưới” nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn bản sắc, phát huy các giá trị của đồng bào huyện A Lưới và các bản làng biên giới nước bạn Lào.
|
Người Lào dạy dệt zèng cho các cháu nhở ở Quảng Nhâm
|
Các hoạt động văn hoá dân gian đặc sắc và ngày hội ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới tại “Phiên chợ vùng cao” được tổ chức hằng năm cũng có sự tham gia tích cực, đông đảo của các hộ người Việt gốc Lào trên địa bàn huyện. Tại các phiên chợ, các cấp Hội LHPN tổ chức kết nối với các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm, nông sản địa phương của cả người dân bản địa và hộ người Lào.
Hội LHPN xã Quảng Nhâm và một số địa phương còn vận động, hỗ trợ các hộ người Lào tham gia các hoạt động “Biến rác thành tiền”, xây dựng “Quỹ tiết kiệm tự nguyện”, “Nuôi heo đất” để giúp trẻ em nghèo và chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương giữa hai nước Việt-Lào. Tính riêng những năm gần đây, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện trao tặng hàng trăm suất quà gồm các loại nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho hộ dân Lào tại các địa phương.
|
Tặng quà cho người dân biên giới Lào và A Lưới
|
Các hoạt động, phong trào đáp ứng với nhu cầu, nguyện vọng đã thu hút chị em người Lào tham gia với nhiều độ tuổi khác nhau. Thông qua các hoạt động phong trào, chị em đã thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của công dân sinh sống trên vùng đất mới để cùng với phụ nữ bản địa phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam nói chung, xây dựng hình ảnh ấn tượng về phụ nữ A Lưới trong cộng đồng nói riêng.
Cứ mỗi lần có hoạt động giao lưu giữa các bản Lào với người dân A Lưới, ông Hồ Văn Ron, người dân bản Lào sinh sống ở xã Quảng Nhâm đều tham gia, trừ những lúc vào sâu trong nương rẫy. Được tham gia, ông Ron càng nhận thức cao về ý nghĩa của hoạt động gắn kết nghĩa tình thắm thiết giữa hai nước Việt-Lào. Từ đó, ông Ron truyền đạt, vận động gia đình mình sống có ích với xã hội và chung tay xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp.
|
Biên phòng và lãnh đạo huyện A Lưới tặng quà cho dân bản Lào
|
Bí thư Huyện đoàn A Lưới Trần Toàn thông tin, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện có nhiều hoạt động tích cực, ý nghĩa để giúp đỡ, hỗ trợ dân bản Lào trên địa bàn huyện cũng như các vùng biên giới Việt-Lào. Hằng năm, Huyện đoàn đều duy trì các chương trình “Nghĩa tình biên giới”, “Tháng ba biên giới”, “Thắp sáng biên cương”... được tổ chức tại khu vực cột mốc biên giới và các xã biên giới hai nước. Các hoạt động này tất nhiên là không thể thiếu sự tham gia của nhiều thanh niên, hộ dân Lào sinh sống trên địa bàn A Lưới.
Tính riêng 10 năm qua đã thành lập ba đội thanh niên tình nguyện cấp huyện, với 80 thanh niên tình nguyện trực tiếp đến các bản Sê Sáp, Ka Lô (Lào) và triển khai các hoạt động giúp đỡ như bữa cơm biên giới, cắt tóc miễn phí cho trẻ em và Nhân dân các bản; khám, phát thuốc miễn phí, tặng nhiều suất quà và tổ chức các đêm văn nghệ phục vụ quần chúng nhân dân bản Sê Sáp, Ka Lô.
Hằng năm, vào các dịp lễ, tết cổ truyền, sau khi tặng quà cho các hộ trên địa bàn huyện A Lưới, Huyện đoàn A Lưới tham gia cùng đoàn công tác của huyện đến thăm, tặng quà và chúc mừng Tết cổ truyền Punpimay của Lào tại huyện Sa Muội, tỉnh Salavan và huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, cũng như đón tiếp chu đáo khi có Huyện đoàn Sa Muội và Huyện đoàn Kà Lừm sang thăm Tết cổ truyền Việt Nam và các hoạt động giao lưu nghĩa tình. Các đoàn xã sát biên giới với các bản của nước bạn Lào còn tích cực hỗ trợ thu mua nông sản cho nhân dân các bản Ka Lô, Sê Sáp.
|
Biên phòng và lãnh đạo huyện A Lưới tặng quà cho dân bản Lào
|
Bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện A Lưới đánh giá, thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có bà con người Lào đang sinh sống ở A Lưới có nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân bản ngày càng cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên, có ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, đồng bào dân tộc các xã biên giới luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần vun đắp tình hữu nghị anh em với nước bạn Lào ngày càng bền chặt.
UBMTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên quan tâm tuyên truyền về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, vận động Nhân dân trên địa bàn huyện phải biết gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, nhiều hộ dân tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào.
Quần chúng nhân dân các xã biên giới hai nước tham gia các phong trào “Tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự”. Cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, già làng ở các bản làng, khu dân cư và xã biên giới cung cấp thông tin và thường xuyên phối hợp cùng bộ đội biên phòng xử lý những trường hợp vi phạm đường biên, mốc quốc gia.
|
Thanh niên Lào và A Lưới tổ chức các hoạt động tại cột mốc biên giới
|
Tính riêng trong vòng 5 năm (2019-2024), UBMTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn A Lưới phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đón tiếp các đoàn của huyện bạn như Kà Lừm, tỉnh Sê Kông và huyện Sá Muội, tỉnh Salvan đến học tập và trao đổi kinh nghiệm công tác. Có đến 10 chương trình ký kết phối hợp với đối tác truyền thống của hai huyện bạn được duy trì và đang triển khai có hiệu quả. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức hàng chục đợt tặng quà hỗ trợ cho người dân các bản tiếp giáp với huyện A Lưới như bản Cô Tài-A Đẻng (huyện Sá Muội), bản Sê Sáp, bản Ka Lô (huyện Ka Lừm) vượt qua khó khăn do thiên tai, bão lụt, đặc biệt trong các đợt phòng chống dịch COVID-19.
Rời các bản làng như KLeng ABung… khi hoàng hôn buông xuống, bước trên những con đường bê tông, hai bên đường được trồng hoa, cây xanh tạo mỹ quan, toả bóng mát, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của bản làng này và không thể không kể đến sự chung tay của người dân bản Lào sinh sống nơi đây.
Nội dung: HẢI TRIỀU - BÁ TRÍ
Ảnh: HẢI TRIỀU - BÁ TRÍ
Thiết kế: QUANG THIỀU