ClockThứ Ba, 19/09/2017 15:06

Gặp Phong Điền ở Cần Thơ

TTH - Cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 10km, đường nhựa thẳng tưng đưa mọi người về huyện Phong Điền - một huyện nông thôn mới với miệt vườn sum suê dâu Hạ Châu, ca cao, mít, dứa…

Chú Mười Cương giới thiệu trái ca cao với du khách

Dẫn bước vào huyện qua chiếc cầu mang tên Tràng Tiền. Tôi bảo với mọi người rằng, chắc hẳn địa phương này có mối liên hệ mật thiết với huyện Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế rồi. Nhưng thực hư như thế nào thì phải tìm hiểu mới rõ tường tận.

Theo chỉ dẫn người dân, tôi tìm đến nhà chú Mười Cương - một hộ nông dân tiêu biểu với loại cây trồng ca cao và dịch vụ lưu trú homestay. Tiếp chúng tôi, chú Cương vui vẻ như gặp lại người thân sau bao năm xa cách. Chú tâm sự: “Gốc gác của tôi là người Thừa Thiên Huế, vào đây lập nghiệp từ thời nhà Nguyễn đến giờ cũng hơn 100 năm rồi”.

Lần giở dư địa chí của thành phố Cần Thơ về huyện Phong Điền của địa phương này và thấy ghi rõ: “Phong Điền có nghĩa là vùng đất trù phú, địa danh này còn là nguyên quán của hai dòng họ Lê và Trần thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên đến đây khai khẩn. Hai dòng họ này đã đến đây lập nghiệp vào thời nhà Nguyễn, trước khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta”.

Chú Mười Cương chia sẻ: “Hiện nay, khu vườn của gia đình tôi có hơn 5 ha chỉ chuyên trồng cây ca cao. Mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn, chủ yếu bán cho nước ngoài. Để nâng cao hơn nữa giá trị cho loại trái cây quý hiếm này, tôi nghiên cứu chế biến ra nhiều sản phẩm, như ca cao bột, kẹo ca cao, sữa ca cao, rượu ca cao… đã được thị trường trong và ngoài nước tin dùng, đem lại thu nhập cao. Với sự tiêu thụ ngày càng nhiều, ngoài sản lượng thu hoạch từ vườn cây gia đình, tôi bao tiêu luôn sản phẩm của người dân trong huyện”. Chú Mười Cương không chỉ sản xuất, chế biến ca cao mà còn tổ chức dịch vụ lưu trú cho du khách - người muốn đến tham quan, thưởng ngoạn vườn ca cao của chú với giá phòng 800.000đ/phòng/2 giường/ngày.

Với huyện Phong Điền, ai đến thăm vườn trái cây phải mua vé vào vườn với giá 30.000đ/người. Đến đây, du khách được thăm thú, chụp ảnh lưu niệm, được tìm hiểu phương pháp trồng cây và thưởng thức sản vật trong vườn. Nhờ biết cách làm vườn, biết cách tổ chức du lịch sinh thái nên thu nhập của người dân nơi đây ngày một khấm khá, có nhiều người trở thành giàu có và chú Mười Cương là một điển hình.

Theo tìm hiểu, sản lượng trái cây trên địa bàn huyện hàng năm đều đạt gần 100.000 tấn với giá trị hơn 800 tỉ đồng; lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng theo dịch vụ homestay cũng đạt trên 500.000 lượt du khách/năm, nhờ vậy, góp phần tăng thêm thu nhập từ 2 đến 2,5 lần so với sản xuất vườn chuyên canh. Điều này đã giúp cho huyện Phong Điền giảm nghèo một cách bền vững, trở thành huyện thứ hai của vùng đồng bằng sông Cửu Long được công nhận huyện nông thôn mới sau thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang vào năm 2016.

Chia tay huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, chúng tôi mong muốn Thừa Thiên Huế cũng đang trong hành trình xây dựng nông thôn mới sẽ có những bước đi hợp lý, vững chắc, tìm ra thế mạnh của những địa phương, tạo cú hích để vươn lên trong công cuộc đổi mới này.

Bài, ảnh: Bửu Hòa

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Return to top