ClockChủ Nhật, 26/07/2015 08:59

Bằng trái tim

TTH - Bạn bè và người thân của Võ Văn Thịnh (giáo viên Trung tâm Giáo dục năng khiếu văn thể mỹ Huế) gọi anh là “Thịnh khuyết tật”, kể từ sau khi anh làm chủ nhiệm đội đá bóng của học sinh khuyết tật (HSKT) khiếm thính, dow do Na Uy tài trợ.

Họ gọi như vậy, vì Thịnh rất gần gũi với HSKT mà anh đang dạy dỗ. Riêng tôi, mỗi lần xem HSKT tập luyện bóng đá cùng thầy Võ Huy Thịnh, lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Những ngày đầu khi thầy trò mới làm quen, thấy HS đứng xung quanh thầy giáo của mình “hỏi chuyện”thân mật, tôi thấy vẻ mặt các em có vẻ hiểu hết nội dung thầy truyền đạt. Chúng hiểu vì đã cười rất tươi, gật đầu thân thiện, ánh mắt thán phục trong lúc các em không nghe được tiếng nói của thầy. Thầy đã cố gắng “lắng nghe” và hiểu câu hỏi của học trò, rồi vận dụng tất cả những cử chỉ, điệu bộ bằng tay, bằng mắt để giải thích những thắc mắc của các em qua buổi tập luyện. Khi ra sân, huấn luyện viên bóng đá thường dùng còi để điều khiển buổi tập, nhưng với Thịnh, chiếc còi chẳng có tác dụng với HS khiếm thính! Vậy là, anh phải mướt mồ hôi chạy theo đám học trò đầy nhiệt huyết trên sân. Bại cả cánh tay sau mỗi buổi tập luyện vì phải dùng cờ để điều khiển. Nhiều lúc phải nhanh chóng chạy đến từng cầu thủ để dùng tay ra hiệu, dùng mắt để “nói” rằng: Cầu thủ bị việt vị, hoặc không được dùng tay đỡ bóng, không được giơ cao chân khi đá bóng… Cầu thủ hiểu ra, gật đầu, bắt tay xin lỗi thầy! 90 phút chạy theo học sinh khắp sân, thầy mệt “bở hơi tai” theo cách nói của Thịnh, nhưng lại “vui lắm, vì sau mỗi buổi tập, học sinh rất hào hứng. Đó là niềm vui hiếm hoi của các em KT.

Thầy Võ Văn Thịnh rất vui khi kể chuyện về học sinh khuyết tật của mình
Nếu không có sân chơi này, không biết cuộc sống tinh thần của các em sẽ ra sao nên giúp các em được gì thì nên giúp”, Thịnh trút lòng.
Ban đầu, thầy dùng ngôn ngữ, điệu bộ riêng, các em cũng hiểu.Thịnh ngày càng muốn gần gũi, thân mật hơn với các em nên đã cố gắng học thuộc ngôn ngữ của người khiếm thính và không nói được, rồi tìm hiểu đặc điểm từng em để giúp các em không chỉ biết kỹ thuật đá bóng mà hoàn thiện nhân cách. “Đó là đức tính trung thực, giúp đỡ nhau, biết kiềm chế lúc nóng giận, có kỷ luật, vị tha. Thực hiện được những điều ấy trong lúc tranh chấp bóng thì sẽ giúp ích các em trong cuộc sống”, Thịnh bảo.
Nói đến lòng vị tha, Thịnh thoáng buồn. Trong đội có một em hay ăn cắp vặt. Có lần ăn cắp điện thoại di động đắt tiền của một cầu thủ ten nit (trên sân ten nit của Trung tâm). Công an làm việc mới lấy lại được. Do nhiều lần trộm cắp, em này bị cả đội tẩy chay. Nhiều người góp ý với Thịnh, nên đuổi em này ra khỏi đội. Nếu bị đuổi, học sinh này sẽ biết tìm nguồn vui ở đâu? Không được sinh hoạt trong môi trường tốt, có thể em sẽ lún sâu vào nạn trộm cắp và các tệ nạn khác. Thịnh đã suy nghĩ khác mọi người và quyết định giữ học sinh này lại trong đội. Thịnh vừa giáo dục người học trò hư, vừa khuyên bảo các thành viên của đội tha thứ và gần gũi hơn với bạn, có thế bạn mới trở thành người tốt. Cả đội nghe theo lời thầy. “Gần đây, em ấy đã biết lỗi và không có biểu hiện xấu nữa”, Thịnh nói.
Cơ duyên để gắn bó với các em KT là cách đây 8 năm, khi Thịnh dẫn các em KT của tỉnh đi thi đá bóng với học sinh KT toàn quốc tại Quảng Trị. Ấn tượng xúc động nhất của Thịnh là trong lúc chào cờ tại buổi lễ khai mạc, các em đã hát Quốc ca bằng tay (ngôn ngữ của học sinh KT). Rồi lúc ra sân thi đấu, em nào cũng háo hức với môn thể thao bóng đá. 10 ngày thi đấu, cùng sinh hoạt với các em ở khách sạn, thầy trò rất quyến luyến, quí mến nhau. Trở về Huế, những gương mặt ngời sáng, những ánh mắt thích thú của các em khi đuổi theo trái bóng trên sân cứ mãi ám ảnh Thịnh. Đó là những ngày cuối đông năm 2007. Từ đó, ý định dạy trẻ khuyết tật đá bóng, giúp các em có thêm niềm vui cứ thôi thúc Thịnh. Được sự hỗ trợ của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục năng khiếu văn thể mỹ, Thịnh đã đề xuất nguyện vọng với chị Thu Hà, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo lúc bấy giờ “Chị Hà đã nhiệt tình ủng hộ và động viên nên đầu năm 2008, tôi đã tự tin nhận nhiệm vụ. Hơi khó khăn vì thầy trò “bất đồng ngôn ngữ”. Nhưng qua thời gian, chúng tôi đã hiểu và ngày càng gắn bó”, Thịnh chia sẻ.
Vậy là Thịnh tình nguyện làm huấn luyện viên cho các “cầu thủ” đặc biệt. Mỗi tuần hai buổi, Thịnh dành thời gian, công sức để tập luyện bóng đá cho các em. 8 tháng sau, tháng 8/2008, Liên đoàn Bóng đá Na Uy tài trợ dự án bóng đá cho học sinh khuyết tật. Các em được sinh hoạt, đá bóng tại Câu lạc bộ Bóng đá Trung tâm Giáo dục năng khiếu văn thể mỹ. Thịnh là người vui nhất, vì những học sinh khuyết tật có một sân chơi hoành tráng trên một sân cỏ nhân tạo, được trang bị áo, quần và dụng cụ tập luyện. Niềm vui lớn hơn là khi các em không tiếp tục học văn hóa nữa, các em vẫn có điều kiện gắn bó bên nhau, vẫn học nhân cách, đối nhân xử thế... Niềm vui nữa của thầy trò Thịnh là trong mỗi cuộc thi đá bóng với học sinh khuyết tật, dù trong tỉnh hay toàn quốc, đội bóng đá KT này đều luôn dành chiến thắng. Thịnh bảo: “Nếu khi nào Liên đoàn Bóng đá Na Uy không còn tài trợ cho bóng đá cộng đồng, Thịnh vẫn duy trì và tiếp tục huấn luyện cho đội bóng đá khuyết tật”.
Thấm thoát, gần 10 năm trôi qua, những cậu học trò thơ ngây ngày nào nay đã trưởng thành. Không còn là học sinh nữa. Mỗi người đã có công việc riêng. Có em đi làm ăn xa. Có em ở lại Huế, vừa đi làm, vừa dành thời gian sinh hoạt đá bóng. Tình cảm thầy trò dành cho nhau ngày càng đong đầy. Các em ở xa về Huế lại đến câu lạc bộ thăm thầy và các bạn. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, hoặc Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các em lại hẹn nhau về thăm thầy. Hôm trước gặp các em: Phương, Đại, Cường, Đồng, Sỹ ở Câu lạc bộ Bóng đá, tôi hỏi (viết ra giấy):
- Thầy Thịnh có tốt với các em không? Tất cả đều đưa ngón tay cái lên, ánh mắt đầy tin tưởng. Ý nói rằng: Nhất, tuyệt vời!
- Các em thương thầy giáo không? Tất cả đều đặt bàn tay lên trái tim: Rất thương!
Nếu tôi đem điều này nói cho Thịnh biết, hẳn Thịnh sẽ cười rất tươi. Nụ cười hiền lành thường trực trên khuôn mặt mỗi khi anh gặp người thân!
Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Return to top