ClockThứ Năm, 15/06/2017 09:47

Bao giờ đến lúc thi xong...

TTH - “Bao giờ” là từ chỉ một khoảng thời gian nào đó. Ca dao có câu: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn...” .

Chẳng biết đứa cháu của tôi học được ở đâu cách nói trên mà “vận” vào chuyện học thi. Những lúc học mệt quá, cháu bảo, bao giờ đến lúc thi xong, ông bà cho cháu chơi thả cửa nhé. Cái câu “bao giờ đến lúc thi xong” cứ lặp đi lặp lại, cứ như thi xong là được tháo cũi sổ lồng vậy... Chắp nối với hai câu ca dao trên, chợt nhận ra hai thế hệ cách nhau cả trăm năm, hai hoàn cảnh, công việc rất khác nhau (một người nông dân cấy cày đầu tắt mặt tối/một cháu nhỏ đang hồn nhiên cắp sách đến trường trong vòng tay của cha mẹ, ông bà), nhưng đều có nỗi mong chờ - dẫu nội dung mong chờ có khác nhau (một bên, mong được ăn cơm nếp, khi chuyện thiếu đói xảy ra thường xuyên; một bên là chuyện học hành mỏi mệt, mong cho nó kết thúc; mà cũng chỉ mong kết thúc cái sự học thi, chưa dám mong thi tốt).

Hơn cả tuần, đứa cháu học lớp 6 của tôi bò lê bò càng trên giường để học ôn thi cuối năm. Trước đó, tôi đã tập cho cháu thói quen ăn cơm xong (gần 12 giờ trưa), phải lên giường ngủ ngay, để 12 giờ 30 dậy rồi đi học buổi chiều là vừa. Thế nhưng những hôm ôn thi như thế này, cháu dặn tôi, hôm nay ông thức cháu dậy lúc 12 giờ 15 để học bài vì còn vài câu chưa thuộc lắm. Nghe thật tội!

Lần giở lại tập đề cương ôn thi mà nhà trường đưa cho cháu mới thấy băn khoăn thật sự... Đề cương ôn tập môn sinh học, học kỳ II yêu cầu học 22 bài, kèm theo câu hỏi là hướng dẫn trả lời. Rồi còn bao nhiêu môn khác nữa, cả một tập dày câu hỏi và hướng dẫn cần phải học. Bố mẹ cháu bận đi làm, thế là hai ông bà cao tuổi phải đồng hành cùng cháu. Cháu nhờ ông (hoặc bà) cầm bản hướng dẫn ôn thi rồi dò xem cháu trả lời có đúng không. Từng câu một, cháu trả lời rất đúng “đáp án”. Tôi ngầm thán phục tài học thuộc lòng của các cháu nhỏ. Khi đến câu: “Cho ví dụ về cây phát tán nhờ gió”, cháu trả lời không sai một chữ theo hướng dẫn: “Quả chò, quả bồ công anh”. Tôi nhắc khẽ: “Cây sứ nhà ta dạo trước quả bung ra rồi hạt bay theo gió đấy nên kể thêm “cây sứ”. Cháu cự lại, ông cứ để cháu trả lời theo hướng dẫn, kẻo lại lẫn. Rồi đến câu: “Cho ví dụ về cây phát tán nhờ động vật? Cháu trả lời đúng theo hướng dẫn là “cây ké đầu ngựa”.

Tôi biết cháu chưa bao giờ thấy cây ké đầu ngựa nó vuông tròn thế nào, định nói với cháu rằng thay vì trả lời như hướng dẫn, hãy nói “cây si”. Cây si già ở đầu đường kia có cây con mọc khắp nơi (trên vách tường, trong hốc cây long não...) là nhờ chim chóc ăn hạt si rồi thải ra ở những nơi đó mà có. Nó đích thị là cây phát tán nhờ động vật rồi còn gì. Biết là cháu học vẹt, nhưng thôi, cứ để cho mạch thuộc lòng của cháu chạy như cái băng cát-set kia, khi thi xong sẽ bổ sung.

Mà không phải tôi thành người dò bài. Hỏi ra mới biết nhiều bậc cha mẹ, ông bà khác cũng oằn ra mà dò bài thi cùng cháu. Có người nói vui, vất vả học thi với cháu, mình cũng có dịp nhớ lại nhiều kiến thức phổ thông mà lâu ngày đã quên... Rồi đến nội dung ôn thi... Môn sử có có câu yêu cầu so sánh nền kinh tế của người Việt và người Chăm thế kỷ II - X? Những biểu hiện mới trong nông nghiệp nước ta từ thế kỷ I đến VI?... Học sinh lớp 6 mới 11, 12 tuổi có nên yêu cầu các cháu học thuộc những kiến thức xa xôi, trừu tượng ấy không?

Mới lớp 6 mà đã phải học thi như thế, rồi còn lớp 7, lớp 8, lớp 9, rồi cấp 3, rồi thi đại học, chuyện học thi của các cháu xem ra còn nhiều mục, nhiều chương, còn nhiều chướng ngại vật khó lường. Ngành giáo dục nhiều lần hô hào giảm tải nội dung, cấm dạy thêm học thêm tràn lan... Nhưng hình như càng hô hào tình hình càng nặng thêm (?).

NGUYỄN XUÂN CHÂU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học
Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh

Ngày 4/5, Đồn Biên phòng Vinh Hiền phối hợp với Trường tiểu học Vinh Hiền (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền phòng chống đuối nước cho học sinh. Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn hàng hải khu vực 2, tặng 50 áo phao cho nhà trường.

Tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh
Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Return to top