|
Bắt đầu từ lớp 1, học sinh sẽ làm quen với tiếng Anh theo hình thức làm quen |
Kinh tế khá giả, chị N.T.T trú tại TP. Huế quyết định đầu tư cho cô con gái học khóa tiếng Anh khi bé mới 2 tuổi, với mức học phí hàng chục triệu đồng. Chị bảo, tôi chỉ mong con nói tiếng Anh như người bản xứ nên học chương trình tiếng Anh chuẩn quốc tế. Chưa hết, gia đình chị cũng hạn chế nói tiếng Việt. Con chị lớn lên trong sự bao bọc của bố mẹ khi ít tiếp xúc với người ngoài. Trường hợp như chị T. không phải hiếm, muốn con nói tiếng Anh từ sớm đang là một trào lưu với nhiều gia đình. Họ cho con học tại những trung tâm "xịn", đắt tiền và mặc định cho rằng chất lượng tốt.
Chị T. khá hãnh diện mỗi khi mọi người trầm trồ về khả năng nói, hát ngoại ngữ của bé. Tuy nhiên, học tiếng Anh tốt nhưng con chị lại nói tiếng Việt rất chậm, câu từ thường lẫn lộn. Nghe cô giáo góp ý, ở lớp con không giao tiếp với bạn bè, chẳng trả lời cô, chị mới đưa con đi khám. Các bác sĩ phát hiện con chị rơi vào tình trạng rối loạn phổ tự kỷ và cần can thiệp lâu dài.
Một giáo viên có thâm niên 20 năm dạy lớp 1 ở TP. Huế chia sẻ, thỉnh thoảng trong lớp cũng có em học tiếng Anh sớm nên vốn tiếng Việt nghèo nàn, không biết đặt câu hỏi, không chủ động giao tiếp nên không đạt kết quả tốt trong học tập dẫn đến tự ti, thu mình lại. Giáo viên gặp khó khăn và thách thức khi dạy tiếng Việt và các môn học khác cho học sinh cũng như sự hòa nhập của các em vào tập thể lớp.
Có nhiều ý kiến trái chiều về “giai đoạn vàng” để trẻ học tiếng Anh hiệu quả. Không ít quan điểm nêu, trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt, thậm chí dạy song song với tiếng Việt ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ thành thạo ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ. Song có ý kiến không tán thành, học song ngữ sớm sẽ có hiện tượng pha trộn giữa hai loại ngôn ngữ Anh - Việt, khiến trẻ dễ sử dụng nhầm lẫn. Chưa kể, ngay từ đầu trẻ tiếp cận tiếng Anh từ giáo viên không chuẩn, phát âm sai, sau này khó sửa chữa.
Nhiều giáo viên cho rằng, cũng không nên vội vàng đầu tư cho con học tiếng Anh sớm. Khi các con vững vàng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, đủ kỹ năng cần thiết, trẻ sẽ sẵn sàng tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai. Điều này cũng có lý khi chương trình tiếng Anh dành cho lớp 1 - 2 hiện mới được bổ sung lần đầu tiên vào chương trình tiểu học năm 2020 - 2021 ở các trường công lập, nhưng mới mang tính tăng cường, bổ trợ và làm quen.
Chị Nguyễn Phương Anh, một phụ huynh ở TP. Huế chia sẻ, việc trẻ học tiếng mẹ đẻ thuận lợi hay khó khăn không phải do học tiếng Anh sớm, mà do phương pháp của phụ huynh. Vợ chồng tôi sẵn sàng, đồng hành cùng con. Tôi cho bé nghe tiếng Anh khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày. Tiếng Anh sẽ thẩm thấu tự nhiên, từ nghe phát âm - nói, sau dần con phát âm, nghe, đọc rất tốt, chuẩn và chủ động.
Dù biết hay không biết ngoại ngữ, bố mẹ nên là người thầy đầu tiên và tốt nhất để cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ. Đối với trẻ trước khi vào lớp 1, phụ huynh cần xây dựng nền tảng, hướng dẫn kỹ năng và tạo tinh thần học ngoại ngữ cho con, chứ không nên quá kỳ vọng rằng ở độ tuổi này con phải học, phải giỏi nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh thông thạo… bởi không khéo sẽ phản tác dụng.