ClockThứ Bảy, 27/07/2024 10:22

Nên cho con học ngoại ngữ 2

TTH - Ngoại ngữ 2 là ngoại ngữ không bắt buộc, học sinh có quyền tự chọn học hay không học. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học ngoại ngữ 2 để đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Khẳng định chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực ngoại ngữTrường đại học Ngoại ngữ trao gần 100 bằng tốt nghiệp cử nhân văn bằng 2Gần 850 vị trí việc làm dành cho sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ

 Học sinh học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học ngoại ngữ 2 là tiếng Pháp. Ảnh: M. ANH

Theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006, học sinh được lựa chọn 1 trong 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung làm ngoại ngữ thứ nhất (ngoại ngữ 1). Đến năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bổ sung quy định về việc tiếng Nhật được dạy và học trong trường phổ thông như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2, tùy theo nhu cầu và sự lựa chọn của các nhà trường.

Ngoài việc học ngoại ngữ 1, học sinh có thể chọn học một trong các ngoại ngữ nói trên làm ngoại ngữ 2. Ví dụ, học sinh học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học ngoại ngữ 2 là tiếng Nga, hoặc tiếng Pháp, hoặc tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc. Việc có nên chọn học ngoại ngữ 2 hay không, chọn học ngoại ngữ 2 nào đang là câu hỏi đặt ra của nhiều học sinh và cha mẹ học sinh hiện nay khi có con chuẩn bị vào trường THCS và THPT. Nhiều cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ các quy định về việc học ngoại ngữ 2 nên càng băn khoăn khi tư vấn cho con.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), môn ngoại ngữ được triển khai thực hiện trong các nhà trường với tư cách là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 như trước đây, nhưng chương trình học và cách kiểm tra, đánh giá có sự thay đổi. Trước đây, có quy định kết quả học ngoại ngữ 2 đối với học sinh THPT sẽ được cộng điểm vào điểm tổng kết các môn học: Học sinh đạt điểm môn ngoại ngữ 2 từ 8,0 trở lên sẽ được cộng 0,3 điểm vào điểm tổng kết các môn học; đạt từ 6,6 đến 7,9 sẽ được cộng 0,2 và từ 5,0 đến dưới 6,5 sẽ được cộng 0,1.

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, không còn cộng điểm như trước mà xét như một môn học tự chọn bình thường. Nếu trước đây kết quả học ngoại ngữ 2 đạt dưới 5,0 thì sẽ không ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, nhưng hiện nay, nếu học sinh “Chưa đạt” môn ngoại ngữ 2 thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. Cụ thể, nếu các em muốn đạt được kết quả học tập trong từng học kỳ, cả năm học ở mức “Tốt” và mức “Khá” thì tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức “Đạt”. Nếu chỉ ở mức Đạt thì phải có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Chưa đạt. Điều này được áp dụng theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/ 7/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT. Đây cũng là lý do mà nhiều học sinh ngại học ngoại ngữ 2, vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân.

Chị Huyền, có con chuẩn bị vào lớp 6 chia sẻ rằng: “Do xin cho con học trái tuyến và chưa tìm hiểu kỹ nên em đã đăng ký cho cháu học ngoại ngữ 2 tiếng Pháp. Hiện tại, em rất lo con em học không nổi một lúc hai ngoại ngữ, vì cháu còn nhỏ và khả năng của cháu còn hạn chế”. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại rằng: Cho con học hai ngoại ngữ sẽ gây áp lực, không có thời gian dành cho các môn học khác, con học dễ bị lẫn lộn và gặp nhiều khó khăn.

Việc học ngoại ngữ 2 hiện nay đối với học sinh không có nhiều áp lực. Đối với các em học sinh giỏi, có khả năng học ngoại ngữ tốt thì đây chính là cơ hội để các em phát triển năng lực của bản thân. Cô Trần Thị Huyền Trang, giáo viên dạy môn tiếng Pháp cho rằng: “Chương trình ngoại ngữ 2 tiếng Pháp hệ 3 năm dành cho người mới học tiếng Pháp chỉ tập trung vào giao tiếp nên học sinh chọn học ngoại ngữ 2 tiếng Pháp sẽ không bị áp lực về kiến thức thi cử. Những học sinh đã học ở THCS thì lên THPT chủ yếu là có thêm cơ hội ôn lại kiến thức giao tiếp cơ bản cho nên không bị nặng nề và áp lực về điểm số”.

Việc bắt đầu học một ngôn ngữ mới không phải là tiếng mẹ đẻ đôi khi cũng là một thử thách đối với học sinh. Thế nhưng, với xu thế phát triển hiện nay, đòi hỏi học sinh và cha mẹ học sinh phải hiểu rằng: Việc đa dạng ngôn ngữ chính là “chìa khóa” giúp học sinh nhanh chóng thích nghi với môi trường hội nhập quốc tế và đáp ứng với yêu cầu mới của xã hội. Vậy nên việc học sinh học thêm ngoại ngữ 2 không chỉ giúp các em làm phong phú thêm khả năng ngôn ngữ của mình, mà còn là giải pháp tối ưu giúp các em đa dạng hóa công cụ giao tiếp để dễ dàng nắm bắt cơ hội, dễ thành công hơn trong cuộc sống và trở thành những công dân toàn cầu, bản lĩnh, tự tin, giao tiếp linh hoạt trong môi trường hội nhập.

Theo cô Võ Thị Minh Ngọc, giáo viên dạy môn tiếng Nhật, Trường THPT Hai Bà Trưng: “Nên khuyến khích học sinh học thêm ngoại ngữ 2. Nếu các em có khả năng học nhiều ngoại ngữ thì đó là một lợi thế, giúp các em đáp ứng với xu thế hội nhập hiện nay. Không nên ngăn cản học sinh học ngoại ngữ 2 sẽ làm hạn chế sự phát triển của các em”.

HOA PHƯỢNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top