ClockThứ Tư, 30/09/2015 13:47

Đổi mới giáo dục ở Trường THCS Lâm Mộng Quang

TTH - Trường THCS Lâm Mộng Quang nằm trên vùng đất Vinh Mỹ (Phú Lộc), là địa phương còn khó khăn, song lợi thế lớn nhất của trường là có hơn 85% giáo viên người địa phương, hầu hết từng là học sinh của trường. Điều này không chỉ giúp cán bộ, giáo viên ở đây yên tâm công tác mà còn có sự gắn bó, dành nhiều tâm huyết hơn cho trường.
Giờ thực hành của học sinh Trường THCS Lâm Mộng Quang

Hiệu trưởng Phan Văn Nhơn đưa chúng tôi đến thăm hai phòng bộ môn lý – công nghệ và sinh – hóa và một phòng chờ là ba trong tổng số bốn phòng bộ môn của trường được Đoàn Kiểm tra liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn của Bộ, được các đơn vị trong địa bàn và huyện Phú Vang đến tham quan học hỏi. Điều mà thầy hiệu trưởng muốn nhấn mạnh, những phòng bộ môn này được xây dựng bằng đóng góp của thầy và trò chứ hoàn toàn không có một nguồn kinh phí nào. Đội ngũ lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường nhận ra hiệu quả thiết thực từ những chuyên đề, như bàn tay nặn bột, phương pháp theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cái khó là, để áp dụng phương pháp mới cần phải có những phòng học bộ môn phù hợp với chương trình, đồng nghĩa với việc phải có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Thiếu kinh phí là khó khăn không chỉ của Trường THCS Lâm Mộng Quang. Song ý thức được điều đó, Ban Giám hiệu nhà trường quyết định thực hiện chương trình bằng cách vận dụng những gì sẵn có. Khởi động từ việc dọn phòng rồi đến gia công lại bàn ghế; tập hợp, phân chia những trang thiết bị sẵn có để xây dựng thành công những phòng bộ môn nói trên.

Hiệu trưởng Phan Văn Nhơn nhớ lại: “Năm học 2012-2013, tuy là ngôi trường có truyền thống về chất lượng mũi nhọn và có nhiều thành tích tại những kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhưng bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh yếu kém chiếm 17%, khi mà tiêu chuẩn của bộ đề ra phải dưới 5%. Đó là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ nhà giáo ở đây. Sau nhiều trăn trở, Ban Giám hiệu nhà trường quyết định đặt ra chỉ tiêu phấn đấu hạ dần tỷ lệ học sinh yếu kém trong ba năm. Trong đó, tập trung vận dụng các phương pháp như đổi mới nâng cao công tác quản lý, tăng cường hiệu quả hoạt động của tổ chuyên môn, xác định vai trò và trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn, nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý để tìm ra phương pháp phụ đạo sau khi phát hiện học sinh yếu kém, mất căn bản… Nhờ đó, đến nay qua nhà trường hạ tỷ lệ học sinh yếu kém xuống còn 2,3%; tiếp tục đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Những buổi sinh hoạt chuyên môn của các nhóm bộ môn tập trung bàn về đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với những chuyên đề của bộ. Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên tổ chức vào năm học 2014 – 2015, Trường THCS Lâm Mộng Quang có 2 giáo viên trong tổng số 12 giáo viên toàn tỉnh đạt giải. Đó là cô giáo Hồ Thị Kim đạt giải nhì với đề tài “Những điều kiện cần cho hạt nảy mầm” trong chương trình sinh học lớp 6 và thầy giáo Nguyễn Dũng đạt giải ba với đề tài “Thông tin về ngày trái đất năm 2000” trong chương trình ngữ văn lớp 8. Về phía học sinh, có 1 học sinh đạt giải ba trên tổng số 9 học sinh toàn tỉnh đạt giải, đó là em Lương Thị Hoàng Yến với đề tài “Làm thế nào để bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp”.
Những gì đạt được trong năm học qua là nhờ sự cố gắng không nhỏ của toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Hiện thầy và trò Trường THCS Lâm Mộng Quang đang hướng đến đưa trường nâng cao chất lượng đại trà, đồng thời đầu tư mũi nhọn bằng cách duy trì việc học hai buổi, bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh kém; tiếp tục đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo tinh thần chỉ đạo của bộ, cập nhật trang web kết nối để tham gia, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn toàn quốc;… phấn đấu đạt kiểm định chất lượng giáo dục chất lượng ba theo tiêu chuẩn của bộ.
Bài, ảnh: Hương Lan
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
Cậu học trò với nhiều giải thưởng

Ở tuổi 17, dù chỉ mới “chạm ngõ” với văn chương, nhưng Nguyễn Văn Đức Anh (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Văn Kỷ, huyện Phong Điền) đã “gặt hái” nhiều giải thưởng từ các cuộc thi viết.

Cậu học trò với nhiều giải thưởng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top