Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu thảo luận tại tổ chiều 30/5. Ảnh: Quốc Vương
Cân nhắc các mô hình giáo dục đào tạo
Phát biểu thảo luận tại tổ, Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, trong dự thảo luật đã nêu được một số vấn đề, Điều 32 nêu đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học song, cần cân nhắc các mô hình giáo dục đào tạo.
Theo đại biểu, có hai mô hình là đại học và trường đại học. Tại Đại học Huế có 8 trường thành viên, các trường thành viên này như đơn vị dự toán cấp 3 (Bộ GD&ĐT là cấp 1, Đại học Huế là cấp 2) nên mức độ tự chủ của các trường thuộc Đại học Huế rất khó khăn. Hy vọng Điều 32 sẽ "cởi trói" cho các thành viên nếu chúng ta tiếp tục mô hình đại học này.
Trong lịch sử, Chính phủ có Nghị định 32 về việc thành lập Đại học vùng, trong đó Huế là điển hình. Đại học Huế có 8 thành viên, trong thời điểm ấy đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, hiện có nhiều trường đại học chưa tận dụng được ưu điểm về cơ sở vật chất, phát huy vai trò, tài sản chung và giáo viên chung.
“Tôi có cảm giác rằng quản lý đại học là trung gian mất quyền tự chủ cho các thành viên. Việc thành lập Đại học vùng hay đại học có nhiều trường thành viên phải trên cơ sở tự nguyện. Tôi đề nghị ban soạn thảo, cơ quan giám sát cân nhắc kỹ về mô hình Đại học vùng để mô hình này phát huy hiệu quả”- đại biểu Phan Ngọc Thọ nói.
Trong trường hợp Điều 32 của Luật phát huy hiệu quả, nghĩa là các trường đại học có khả năng tự chủ thì mô hình Đại học vùng càng lỏng lẻo. Huế hay Đà Nẵng là những ví dụ điển hình. Khi làm việc với các trường đại học, họ mong muốn tách ra. Hiện nay có hai mô hình bất cập là hệ thống trường đại học liên quan về tư pháp, đào tạo luật sư hay đại học y đào tạo bác sĩ.
Ở Huế có Trường đại học Y Dược trực thuộc Đại học Huế nhưng một số trường y khác lại trực thuộc Bộ Y tế. Hay ở trường đại học tư pháp, có địa phương trực thuộc Bộ GD&ĐT, có địa phương trực thuộc Bộ Tư pháp, nên chăng cần thống nhất trên toàn quốc.
Ví dụ ở Huế có Bệnh viện trung ương Huế trực thuộc Bộ Y tế và Trường đại học Y Dược thuộc Bộ GD&ĐT, nếu hai đơn vị này trực thuộc Bộ Y tế thì tôi nghĩ sẽ liên kết hỗ trợ được cho nhau.
Trong luật có đưa ra khái niệm đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Nếu chúng ta đưa ra đào tạo chính quy và thường xuyên thì người ta sẽ nghĩ chính quy và không chính quy nên cần nghĩ ra một mô hình phù hợp, để làm rõ hơn quan điểm dù chính quy hay thường xuyên thì cũng nhận được chương trình đào tạo và giá trị bằng cấp như nhau.
Băn khoăn về xếp hạng cơ sở giáo dục
Đại biểu Phạm Như Hiệp trong một lần phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Quốc Vương
Làm rõ thêm những nội dung tại Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, Luật Giáo dục đại học năm 2012 được ban hành đáp ứng được nhu cầu giáo dục đại học trong năm 2012. Tuy nhiên, đến nay đã có những biến động cơ bản về trình độ và chất lượng nguồn nhân lực của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt là xu hướng giáo dục đại học trên thế giới có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Vì vậy việc đề xuất sửa đổi luật, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là điều cần thiết.
Theo GS. TS Phạm Như Hiệp, thứ nhất về điều 4, phần giải thích từ ngữ: Trong phần 2, điều 4 có một định nghĩa đó là “Trường đại học, học viện gọi chung trường đại học là cơ sở giáo dục đại học, đào tạo một hoặc hơn một lĩnh vực” chúng ta nên bổ sung thêm một mục là “Trường đại học, học viện gọi chung là trường đại học là cơ sở giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học”.
Bởi theo đại biểu, tại điều số 6, ở trường đại học có đào tạo cho những nghiên cứu khoa học như luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, luận án tốt nghiệp tiến sĩ. Do vậy, những đề tài nghiên cứu khoa học là rất quan trọng.
Thứ hai, trong điều 9 nói về xếp hạng cơ sở giáo dục nhằm đánh giá chất lượng, uy tín hiệu quả theo những tiêu chí nhất định đáp ứng nhu cầu thông tin và hội nhập thế giới. Rõ ràng ở một trường đại học nếu không có và coi nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính thì việc hội nhập của trường đó rất kém. Nếu không làm tốt rõ ràng các trường đại học là trường “cấp 4”.
Ở Điều 16, hội đồng trường và hội đồng đại học; điều 17 hội đồng quản trị và hội đồng quản trị đại học. Về mặt hình thức khá trùng lặp, xem kỹ về nội dung cũng trùng lặp. Vì vậy, để làm cụ thể vấn đề này nên xây dựng điều lệ của hội đồng quản trị và hội đồng quản trị đại học.
Liên quan chức danh hiệu trưởng, trong hệ thống trường đại học có hội đồng trường và hội đồng trường sẽ có tư cách đề xuất bổ nhiệm quyết định nhưng trong phần 1a của điều 20 có ghi hiệu trưởng cơ quan giáo dục đại học công lập do hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận thì nên điều chỉnh cho mềm mại, cơ quan thẩm quyền phải nói rõ là cơ quan nào. Nên chăng thay từ hội đồng trường quyết định thành hội đồng trường đề nghị, cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan Điều 42, trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta ngầm hiểu phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học. Tuy nhiên, đây không chỉ là việc của trường đại học mà là của các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất, thậm chí là những nơi nghiên cứu được. Vì vậy cần bổ sung thêm “Trách nhiệm của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học”.
Lần này dự thảo sửa đổi luật giáo dục năm 2012 chủ yếu tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học. Trong đó quan tâm nhất hai vấn đề là đổi mới quản trị đại học và tự chủ giáo dục đại học.
Thái Bình- Quốc Vương (ghi)