ClockThứ Bảy, 15/10/2016 14:04

'Bội thực' các cuộc thi cho học sinh

Bên cạnh nhiều cuộc thi bổ ích, thu hút sự tham gia tự nguyện của học sinh, vẫn còn hàng chục cuộc thi chạy theo thành tích, gây mệt mỏi cho cả thầy lẫn trò.

Các trường từ tiểu học đến THPT đang có rất nhiều cuộc thi, từ phong trào đến cấp quốc gia, quốc tế. Theo nhẩm tính của một nhà Toán học, riêng môn Toán, học sinh có khoảng 70 cuộc thi ở các cấp học, có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nhóm thứ hai là xã hội hóa. Đó là còn chưa kể các cuộc thi văn hóa, thể dục thể thao khác.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Marie Curie Hà Nội cho biết, là trường tư thục, không đăng ký thi đua, nên trường từ chối khá nhiều cuộc thi, tính trung bình mỗi năm tham gia 7-8 cuộc. Trường chủ yếu cho học sinh tham gia các cuộc thi có ý nghĩa như: Olympic tiếng Anh, giải thể dục thể thao, giải Tin học, giải Toán qua mạng… Những cuộc thi nhận thấy tốn kém thời gian, công sức của giáo viên, học sinh trường đều từ chối.

Theo bà Lan, thời gian của học sinh chủ yếu để học tập ở trường, nếu cho các em thi nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam - Angieri, quận Thanh Xuân (Hà Nội), bà Cảnh Bạch Yến cũng chia sẻ, trung bình mỗi năm học sinh các khối tham gia khoảng 10 cuộc thi do cấp quận, thành phố, Sở, Bộ tổ chức. Trước mỗi cuộc thi, trường đều thông báo tới từng học sinh và động viên các em tham gia.

Không nên lạm dụng các cuộc thi để tạo cho trẻ thói quen thích thành tích

Theo bà Yến, có những cuộc thi đã thành truyền thống trường tham gia rất tốt nhưng cũng có cuộc trường chỉ động viên học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện và bố trí giáo viên kèm cặp, hỗ trợ kiến thức. “Các công ty tư nhân cũng thường xuyên đến gặp để mời chào, thuyết phục trường vận động những cuộc thi liên quan đến chứng chỉ tiếng Anh, nhưng đều bị từ chối”, bà Yến nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền Nga, giáo viên ở một trường tiểu học Hà Nội cho biết: “Có nhiều cuộc thi rất hình thức, học sinh chủ yếu về nhờ bố mẹ lên mạng tìm tài liệu hoặc một bạn làm cả lớp chép, nhưng vì phong trào nên vẫn phải tham gia”.

Không phải cuộc thi nào cũng chất lượng

Ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên một trường có tiếng của Hà Nội, thường dẫn học sinh đi nhiều cuộc thi Toán quốc tế cho biết, nhiều phụ huynh bị lầm tưởng hai chữ “quốc tế”. “Có thể cha mẹ biết nhưng cố tình lờ đi. Vì nhiều cuộc thi quốc tế chỉ mang tính giao lưu, nên tỷ lệ học sinh được giải rất lớn. Nhưng phụ huynh lại coi đó như thành tích đáng ngưỡng mộ của con em mình”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, trong số mấy chục cuộc thi Toán hiện nay, nếu đánh giá về chất lượng, trừ những cuộc thi do Bộ Giáo dục cầm trịch, thì còn lại chất lượng không như mọi người tưởng. “Điều tích cực ở những cuộc thi này là tạo cho học sinh có thêm kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi, nâng cao khả năng tiếng Anh và phát triển được tư duy. Tuy nhiên, điểm trừ là thành tích đó vô tình biến thành tấm huy chương để tung hô ở chỗ nọ chỗ kia. Rồi quận nọ nhìn quận kia, thắc mắc sao nhiều giải quốc tế thế mà mình không có”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Phát triển tiềm năng con người cho rằng, những cuộc thi rèn luyện sức khỏe, tính kiên trì, kỷ luật, vượt khó như Hội khỏe Phù Đổng là rất nên tổ chức. Tuy nhiên, không nên lạm dụng các cuộc thi để ảnh hưởng việc học tập của trẻ, tạo cho nhiều em thích thành tích, thích khen thưởng.

Theo ông Kỳ Anh, mỗi năm trường có chục cuộc thi là quá nhiều. Chưa kể, độ một số trường đã mang các em tiểu học ra nước ngoài thi thố là không nên. Bởi khi đánh giá đứa trẻ, không nên chỉ nhìn vào chỉ số IQ mà cần tập trung rèn luyện cả những chỉ số EQ, AQ (cảm xúc, vượt khó). Rèn luyện cho trẻ hội tụ đủ chỉ số đó mới trở thành con người hoàn thiện, thành đạt trong tương lai.

“Một đứa trẻ có chỉ số IQ cao, cũng chỉ có khả năng thành công trong cuộc sống 25-30% mà thôi. Ở nhà trường, điều quan trọng là làm sao để trẻ phát huy được giá trị tự nhiên trong giao tiếp, ứng xử tốt là được”, ông Kỳ Anh nói.

Ông Nguyễn Khắc Minh, chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phụ trách mảng Toán Olympic quốc tế khẳng định, Bộ chỉ cầm trịch một cuộc thi toán quốc gia, còn lại hàng chục cuộc thi khác về toán là do các tổ chức, trường nhập về hoặc tự đưa quân đi thi đấu ở nước ngoài. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì học sinh tiểu học đến THPT có khoảng 28 cuộc thi được cấp phép.

Theo Tiền phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động các cuộc thi về biên giới, biển đảo

Ngày 7/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thống 60 năm BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế” và cuộc thi ảnh “Tự hào biên giới, biển đảo quê hương Thừa Thiên Huế” năm 2024.

Phát động các cuộc thi về biên giới, biển đảo
Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học

Qua gần 1 năm học triển khai đại trà ở cấp tiểu học, giáo dục STEM lôi cuốn sự hứng thú và kích thích sự sáng tạo của học sinh. Điều này được khẳng định qua các sản phẩm trưng bày tại ngày hội STEM cấp tiểu học lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào cuối tháng Tư.

Kích thích sáng tạo của học sinh tiểu học
“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

Vui vẻ, hào hứng, bổ ích là những cảm nhận của những “du khách học trò” sau khi tham gia chương trình “Giáo dục di sản” (GDDS) do Bảo tàng Cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế tổ chức.

“Giáo dục di sản”- học mà chơi, chơi mà học

TIN MỚI

Return to top