Hiện nay, trên thế giới ở các nước phát triển như Mỹ và Nhật Bản tỷ lệ tự sát và có ý định tự sát ở tuổi vị thành niên đang gia tăng. Ở Việt Nam chúng ta, đây cũng là vấn đề rất đáng lo ngại. Đã từng xảy ra vụ một học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Lâm, Hà Tĩnh tự vẫn do thành tích học tập không tốt, không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ.
Quá áp lực về học tập dễ gây suy nghĩ tiêu cực cho các bạn trẻ- Ảnh Internet
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15–29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Còn theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) công bố, trung bình mỗi ngày, trên thế giới có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên hiện đang ngày càng gia tăng, nhưng đáng tiếc và rất nguy hiểm là người lớn, các bậc phụ huynh lại chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp để ngăn ngừa.
Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian khiến trẻ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực, thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử. Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, vấn đề sức khoẻ tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Đó quả là những con số rất đáng lo ngại.
Người lớn cần kịp thời cảm thông, chia sẻ, đừng bao giờ quá tạo áp lực cho trẻ (ảnh minh họa từ Internet)
Nguyên nhân chính là do lo lắng, hoảng sợ vì bị la mắng, áp lực về thành tích, điểm số,... dẫn đến học sinh có xu hướng trầm cảm, tự ti, sang chấn tâm lí,... Một phần cũng vì đang trong độ tuổi dậy thì, nhạy cảm với những tác động của môi trường, dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Một số nguyên nhân khác như những mối quan hệ bất hòa, mẫu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ, khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Dẫn đến trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát nên nghĩ đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.
Để tránh xảy ra những vụ việc thương tâm, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần chú ý đến con em mình. Không nên đặt nặng vấn đề thành tích, điểm số vì nếu đặt kỳ vọng quá cao sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần tạo sự gần gũi, gắn kết, thường xuyên tâm sự để đưa ra những lời khuyên kịp thời cho trẻ. Phân bố thời gian học tập và giải trí hợp lí để tránh căng thẳng, mệt mỏi. Nhà trường và phụ huynh cũng nên tạo nhiều hoạt động ngoài giờ, dạy những kỹ năng sống cần thiết, tạo ra môi trường lành mạnh cho học sinh.
Trước tình hình các vụ tự tử ở lứa tuổi học sinh ngày càng gia tăng, chúng ta cần có những hoạt động thiết thực nhằm ngăn chặn những vụ việc thương tâm, bảo vệ mầm non tương lai của đất nước.
Hưng Cao