ClockThứ Sáu, 08/11/2013 10:54

Tân sinh viên và những cám dỗ “chết người”

TTH - Gia đình dì tôi có “thâm niên” hơn chục năm trong việc cho sinh viên thuê trọ. Nhà dì nằm ở trung tâm thành phố, gần trường đại học, nhưng giá cho thuê lại mềm, nên rất nhiều người đến xin thuê phòng. Dì thường quản lý sinh viên rất nghiêm, quy định giờ giấc sinh hoạt cụ thể, cấm tụ tập bài bạc, ăn nhậu trong phòng…

Dù sống trong môi trường như vậy, nhưng có một chuyện làm tôi trăn trở mãi. Đó là trường hợp của M quê ở một xã ven biển của huyện Phú Vang. Là học sinh khá giỏi nhiều năm liền, trúng tuyển vào một trường đại học ở Huế, ban đầu M rất hiền lành, ngoài giờ học chỉ ở nhà, rất ít khi đàn đúm, tụ họp cùng bạn bè. Nhưng sau một thời gian, từ chỗ chơi cho vui, M trở thành nghiện game, suốt ngày đóng cửa phòng “cày” game, bỏ bê học hành. Năm sau, cậu em cũng đậu đại học và lên ở cùng với anh. Chẳng biết hai anh em “chỉ bảo” nhau thế nào mà cậu em ngoài mê game lại còn sa vào chuyện cá độ, chơi số đề, bỏ bê việc học hành. Mãi đến khi cả hai anh em đều bị đình chỉ học, gia đình mới tá hỏa, vội đưa hai con về “quản thúc” ở nhà.

Một số tân sinh viên lớp tôi thú nhận, từ nhỏ sống trong sự quản lý của bố mẹ, nay được tự do bay nhảy ở một môi trường mới đầy hấp dẫn, cộng thêm thời gian rảnh rổi, nhớ nhà nên muốn thử cho biết những thú vui trong môi trường mới. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Nhiều người ban đầu chỉ chơi cho vui, với số tiền vài nghìn cho mỗi ván, nhưng càng ngày chơi càng hăng, từ một số tiền nhỏ dần trở thành vài trăm nghìn đến vài triệu đồng là không hiếm gặp. Bị bạn bè xấu lôi kéo, có sinh viên đã sa ngã, rơi vào vòng xoáy của tệ nạn như lô đề, cá độ bóng đá. Khi những đồng tiền cha mẹ chắt chiu hàng tháng phục vụ cho việc ăn ở, chi phí học tập phút chốc “bốc hơi”, sinh viên rơi vào cảnh túng quẫn, dẫn đến làm liều, như vay nóng, cầm cố xe máy, điện thoại, máy tính, thẻ sinh viên, vòi vĩnh lừa gạt phụ huynh, trộm cắp... Chỉ một thời gian sau, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền nợ ngày càng nhiều thêm, mất khả năng chi trả.
 
Tất cả những cám dỗ trên như một vòng xoáy khiến nhiều sinh viên mắc phải, không dễ dứt ra được, hậu quả để lại là những chuỗi ngày sống trong lo âu, sợ hãi, chán chường. Không ít bạn sinh viên đã phải nghỉ học giữa chừng, bỏ lại giấc mơ giảng đường. Thậm chí một số sinh viên còn rơi vào vòng lao lý do vi phạm pháp luật.
 
Môi trường đại học là một môi trường mới mẻ đầy thách thức và cám dỗ đối với tân sinh viên, các bạn sinh viên không chỉ phải tiếp thu một lượng lớn kiến thức mà còn phải đối mặt với các thử thách trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, mỗi người nên trang bị cho mình vốn sống cũng như bản lĩnh để đương đầu với những cám dỗ. Các bạn nên xác định mục tiêu chính của mình là học tập, đừng vì ham vui nhất thời mà ảnh hưởng đến kết quả học tập, đánh mất bản thân, phụ lòng kỳ vọng của bố mẹ.
Minh Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm động lực cho học sinh Hương Thủy

Chiều 20/8, Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) thị xã Hương Thủy phối hợp với CLB Vòng tay nhân ái tổ chức chương trình trao học bổng “Tiếp sức đến trường - Thắp sáng ước mơ” niên khóa 2024-2025 cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã.

Thêm động lực cho học sinh Hương Thủy
Return to top