ClockThứ Hai, 11/03/2024 11:28

Học sinh tiểu học có nên đem smartphone đến lớp?

TTH - Đang giờ học, tiếng chuông điện thoại reo liên tục, cả lớp nháo nhác không biết tiếng kêu phát ra từ đâu. Ngay “chính chủ” cũng ngồi im re, một lúc sau mới phát hiện có người gọi qua facebook… Cô giáo không hài lòng khi khó quản lý lớp học bởi tình trạng đem điện thoại đến lớp vẫn diễn ra.

Sử dụng điện thoại có văn hóaNew Zealand: Cấm điện thoại di động trong môi trường học đường

 Học sinh tiểu học không nên đem smartphone đến lớp học. Ảnh: Khánh Hà

Hệ lụy của việc đem điện thoại thông minh vào lớp của học sinh tiểu học khiến các em không tập trung. Thậm chí, có em lén sử dụng trong thời gian đang học. Giờ ra chơi, nhiều  em có điện thoại túm tụm lại chơi game, lướt facebook, có em quên vào lớp khi trống đánh. Mới đây, giáo viên ở một trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế phản ảnh, trong lớp có trường hợp học sinh lớp 4 sử dụng điện thoại di động nhắn tin cả buổi trưa, ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của các bạn. Có em còn quay phim, chụp ảnh khi chưa được sự cho phép của thầy cô và các bạn, gây mất trật tự, ảnh hưởng nền nếp của trường, lớp. Một cô giáo có thâm niên trong nghề gần 30 năm than thở, nhiều em sử dụng ngôn ngữ mạng, “đu” theo trend không hợp với lứa tuổi khi suốt ngày cứ kè kè điện thoại thông minh bên mình. 

Tôi còn nhớ năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố thông tin từ khảo sát của Google, trẻ em Việt Nam từ 9 tuổi đã bắt đầu dùng điện thoại thông minh, trong khi trên thế giới là 13 tuổi. Như vậy, trong suốt 4 năm (từ 9 đến 13 tuổi), trẻ em tại Việt Nam không được bảo vệ tốt trên không gian mạng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không nên cấm và không thể cấm trẻ sử dụng internet, nhưng nên hướng trẻ vào những trang thông tin có nội dung tích cực, phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích trẻ dùng internet phục vụ cho mục đích học tập và dạy trẻ kỹ năng tương tác an toàn trên không gian mạng để tự bảo vệ mình. Gần đây, các kỹ năng cho trẻ khi sử dụng điện thoại thông minh, cùng nhiều kỹ năng phòng vệ cũng được nhiều nhà trường đưa vào giảng dạy. Thay vì điện thoại, máy tính, công nghệ thực tế ảo đã được áp dụng để các em có thể nhìn những tình huống có thể xảy ra, học hỏi cách xử lý.
Trở lại thắc mắc của nhiều phụ huynh, liệu nhà trường có cấm học sinh đem điện thoại thông minh đến lớp? Quy định tại điều 37 Thông tư 32/2020/TT/BGDĐT cũng đã nói rõ về điều này, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Như vậy, học sinh chỉ bị giới hạn về việc sử dụng điện thoại chứ không bị cấm mang điện thoại vào trường. Nếu các em chỉ sử dụng để liên lạc với gia đình cuối giờ học mà không làm ảnh hưởng tới việc học tập của các bạn khác, nhà trường cũng không cấm đoán. Tuy nhiên, quy định này gây khó khăn cho giáo viên khi không có đủ thời gian kiểm soát, nhắc nhở từng em việc dùng điện thoại di động đúng mục đích vì còn phải tập trung giảng dạy.
Cũng có ý kiến cho rằng, học sinh tiểu học mang theo điện thoại smartphone là không cần thiết, bởi ở cấp tiểu học, sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường vô cùng chặt chẽ. Khi cần liên hệ gấp với người thân, học sinh có thể dùng điện thoại của trường. Khi tan học phải có phụ huynh đến đón, học sinh mới được ra cổng nên không cần gọi điện thoại. Giáo viên cũng có nhóm Zalo chung để giải đáp thắc mắc nên học sinh không cần phải chụp lại bài giảng.
Một vị hiệu trưởng ở một trường tiểu học cho hay, phụ huynh cho trẻ tiếp xúc quá sớm với điện thoại di động sẽ có nhiều tác hại đối với sức khỏe và tâm lý của các em. Vì vậy, nhà trường cần có chủ trương quản lý việc sử dụng điện thoại thông minh ở trường. Giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh không cho các cháu đem điện thoại khi đến lớp. Và không ít phụ huynh đã ủng hộ chủ trương này.

An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 300 học sinh tiểu học trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ

Sáng 11/3, tại Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, hơn 300 học sinh tiểu học của thành phố Huế tham gia chương trình “EDUBIOFARM - Hướng nghiệp và trải nghiệm về công nghệ sinh học và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.

Hơn 300 học sinh tiểu học trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ
Giúp trẻ an toàn hơn khi tham gia giao thông

Ngày 19/8, tại TX. Hương Thủy khai mạc lớp tập huấn trực tuyến “Tài liệu điện tử giáo dục an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”, thu hút gần 120 giáo viên tiểu học đến từ 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Đây là lớp tập huấn do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.

Giúp trẻ an toàn hơn khi tham gia giao thông
Return to top