PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Ngân với cuốn sách do cô viết
Đưa văn hóa Việt ra thế giới
Đúng như lời giới thiệu từ những đồng nghiệp của cô ở Đại học (ĐH) Huế, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Ngân thật ấn tượng bởi cách nói chuyện nhẹ nhàng, đậm chất phụ nữ Huế.
Cô bắt đầu câu chuyện của mình cũng từ Huế, khi lần đầu đặt chân đến Cố đô học tại Trường ĐH Sư phạm (năm 2002). Thời đó, Kim Ngân là nữ sinh nhiều năm đạt học sinh giỏi các cấp. Giữa bao sự lựa chọn, cô vẫn tìm học nghề giáo tại miền Hương Ngự vì hai lý do, một là bề dày truyền thống của trường và cũng vì mảnh đất Huế nhẹ nhàng dễ khiến người ta như “nghe được tiếng lòng”.
Tốt nghiệp loại giỏi, Nguyễn Thị Kim Ngân được giữ lại trường và phân công dạy văn học dân gian. Trong quan điểm nhiều người lúc đó, văn học dân gian là ngành không “hot” trong khi bản thân cô lại chưa có bề dày nghiên cứu. Tiếp tục học lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ và “nên duyên” với chuyên ngành hẹp. “Giai đoạn học cao học, mình ở ký túc xá gần thư viện. Ba năm vùi đầu vào đọc sách và mình tìm được 1 giáo viên hướng dẫn giỏi để theo chân cô từ cao học đến tiến sĩ. Cao học là khoảng thời gian tích lũy kiến thức. Thời gian làm tiến sĩ là tập sự nghiên cứu. Để đạt độ chín nghiên cứu là hậu tiến sĩ, những công bố quốc tế của mình rơi vào giai đoạn này”, nữ giảng viên chia sẻ.
Năm 2017, Nguyễn Thị Kim Ngân xuất bản cuốn chuyên luận “Folklore và văn học viết”, ở mức độ chuyên sâu, được nghiên cứu từ góc độ “dịch chuyển không gian” trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ. TS. Ngân bảo, đam mê và yêu thích hình thành trong quá trình làm việc. Càng nghiên cứu, cô nhận ra Việt Nam còn có khoảng cách với nhiều nước phát triển trên thế giới. Muốn người ta đến đầu tư, phát triển quốc gia thì trước hết phải làm cho họ phải hiểu về mình. Sự hiểu biết đó không chỉ về kinh tế mà còn ở bản sắc văn hóa của dân tộc.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Ngân (ngoài cùng, bên phải) cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại một sự kiện chuyên môn
“Ngành mình dễ tìm tiếng nói tương đồng trên thế giới vì có thể nghiên cứu về văn hóa dân gian. Văn hóa không có cao thấp mà chỉ có khác biệt. Thế giới muốn tìm hiểu văn hoá của Việt Nam. Nghiên cứu có rất nhiều nhưng việc giới thiệu với các học giả quốc tế thì hiếm hoi. Khi mình bắt đầu hành trình giới thiệu các nghiên cứu với các học giả quốc tế thì họ vô cùng thích thú. Từ đó, mình quyết tâm theo đuổi”, nữ PGS sinh năm 1984 nói.
Đầu tư cho cả giảng dạy và công tác nghiên cứu, đến nay, nữ giảng viên có đến hàng chục bài báo, đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị. Những nghiên cứu nổi bật của cô được công bố trong nước và trên các tạp chí quốc tế có uy tín, tập trung vào lĩnh vực tự sự dân gian truyền thống và đương đại; mối quan hệ giữa tôn giáo, tín ngưỡng và văn học.
Năm 2019, nữ giảng viên được công nhận học hàm PGS ngành văn học và trở thành nhà khoa học trẻ nhất được phong hàm trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Trong năm này, cô còn được bầu chọn và trở thành thành viên của hội đồng NAFOTED, liên ngành văn học – ngôn ngữ thuộc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Đồng thời, cô cũng được ghi nhận là học giả Việt Nam đầu tiên trở thành thành viên của Tổ chức Nghiên cứu tự sự dân gian quốc tế.
Nữ PGS khẳng định, là thành viên duy nhất của hội đồng NAFOTED của khu vực miền Trung nên bản thân nỗ lực để các nhà khoa học có nhiều dự án phục vụ cho việc nghiên cứu. Bên cạnh đó, cô cũng phát huy vai trò làm cầu nối văn hóa Việt Nam – thế giới. Ngay trong chuyến đi châu Âu năm 2019, PGS. Kim Ngân còn giới thiệu những công trình của mình đến với các học giả quốc tế, góp phần đưa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Mỗi lần nhắc đến PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Ngân, PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm đều không tiếc lời khen. Ông bảo: “Đó là một giảng viên, cán bộ trẻ nhưng đầy tài năng, đạt nhiều thành tựu và có không ít đóng góp trong nghiên cứu”.
Yêu & gắn bó để cảm ơn Huế
Buột miệng hỏi về một sự lựa chọn khác khi tuyển sinh những năm qua khó khăn, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Ngân dứt khoát chối từ: “Mảnh đất khác có thể sôi động và việc làm hấp dẫn, nhưng mình yêu Huế và Huế đã cho mình cơ hội để phát triển”.
Từ năm 2002, khi rời quê hương Quảng Trị, cô Ngân luôn tự thấy mình hợp với Huế. Ngót nghét gần 20 năm đặt chân đến Huế, nữ PGS khẳng định, chỉ môi trường yên bình mới thích hợp với tính cách và công việc nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. PGS. Ngân lập luận: “Chắc gì ở nơi khác mình đã được như thế. Còn riêng về tuyển sinh, khó khăn chỉ là tạm thời. Mình chỉ muốn ở Huế để đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Mình cho rằng ở Huế là thế mạnh, chứ không phải là TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội”.
Tuy không chọn nghiên cứu về văn hóa Huế, nhưng PGS. Nguyễn Thị Kim Ngân lại muốn đóng góp cho Huế. Ngoài những hoạt động dưới vai trò thành viên các tổ chức nghiên cứu thì một trong những nguyện vọng lớn nhất của nữ PGS là hình thành một cộng đồng học thuật tại Huế. Theo cô Ngân, một nhà nghiên cứu không thế nghiên cứu đơn độc. Mạng lưới học giả quan trọng trong việc công bố quốc tế, trích dẫn lẫn nhau gia tăng các công bố quốc tế. Với suy nghĩ đó, trong các đề tài với vai trò chủ nhiệm, cô kết nối các nhà nghiên cứu trẻ, mời họ với tư cách thành viên đề tài, từ đó có những phương án xây dựng mục tiêu, định hướng nghiên cứu.
Tâm huyết và nỗ lực nhưng nghe lời khen từ bất kỳ ai, cô đều ngại ngùng từ chối. Cô quan niệm: “Quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm, tại sao đạt học hàm, học vị lại không nghĩ đến chuyện đóng góp ?”.
Bài: HỮU PHÚC - Ảnh: KN