|
Học sinh THCS cần được hướng nghiệp đầy đủ và căn bản khi bước sang THPT. Ảnh: A. Trung |
Tuy nhiên, theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chương trình giáo dục trung học cơ sở phải “giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động”. Như vậy, để thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở là việc phải làm và cần làm tốt.
Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, nhất là các em cuối cấp là rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành mục tiêu giáo dục mà còn là cơ sở để các em xác định rõ hướng nghiệp cho bản thân để đưa ra sự lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp khi bước sang cấp Trung học phổ thông (THPT).
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THCS phải giúp học sinh có “ý thức hướng nghiệp…” để lên cấp THPTcác em “có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân...”. Bên cạnh đó, việc được định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp học sinh giảm tỷ lệ chọn sai môn học lựa chọn ở bậc THPT, giảm tỷ lệ chọn sai ngành, sai trường ở bậc đại học.
Để hướng nghiệp cho học sinh THCS, các cơ sở giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến việc hình thành cho học sinh năng lực định hướng nghề nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu này, điều cơ bản là phải quan tâm đến hiệu quả của việc giảng dạy các nội dụng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Thầy cô giảng dạy hoạt động này cần giới thiệu cho học sinh về các nghề, nhóm nghề phổ biến ở địa phương và ở Việt Nam, giúp các em thấy được vai trò kinh tế – xã hội của các nghề đó; phân tích được yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người làm nghề mà bản thân các em quan tâm; đồng thời, thấy được xu thế phát triển của nghề ở Việt Nam.
Các em cần xác định được những nhóm kiến thức cần học và các cơ sở đào tạo nghề liên quan đến định hướng nghề nghiệp và chỉ ra được các công cụ của các ngành nghề, những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra và cách đảm bảo sức khỏe nghề nghiệp… Bản thân học sinh sau khi học xong cấp THCS cần hình thành được hứng thú nghề nghiệp và biết cách nuôi dưỡng hứng thú, đam mê nghề nghiệp. Đồng thời, chỉ ra được một số điểm mạnh và chưa mạnh về phẩm chất và năng lực của bản thân có liên quan đến nghề mà mình yêu thích. Từ đó, lựa chọn được hướng đi phù hợp cho bản thân, lập được kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với hướng đi đã chọn.
Rõ ràng, với yêu cầu như vậy đòi hỏi học sinh THCS phải được hướng nghiệp một cách đầy đủ và căn bản để khi bước sang cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, các em sẽ được tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp để phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp và thông qua các hoạt động hướng nghiệp ở cấp THPT, các em được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
Lựa chọn đúng ngành nghề là rất quan trọng đối với mỗi người, việc được hướng nghiệp phù hợp sẽ giúp các em học sinh xác định được mục tiêu cuộc sống, lên kế hoạch học tập hiệu quả hơn, biết rõ mình cần bồi dưỡng để phát triển những gì. Điều này giúp các em định hướng sớm cho tương lai, làm việc hiệu quả,dễ thành công và cuộc sống có ý nghĩa hơn.