Cần cho học sinh
Hiện nay, công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh cuối cấp được ngành giáo dục hết sức quan tâm. Trên thực tế, một số trường làm rất tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhưng ngược lại vẫn còn nhiều trường chưa chú trọng đến công tác này. Một phần vì nội dung giáo dục hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 được biên soạn đã qua một thời gian dài, không còn phù hợp với xu thế phát triển. Một phần khác là giáo viên dạy hướng nghiệp chủ yếu do kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp và phần lớn là do nhiều học sinh chưa thật chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề, mà chỉ chú ý đến việc thi đậu đại học. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai nghề, sai ngành, sai trường đào tạo.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh vào một nội dung quan trọng trong Chương trình GDPT 2018. Theo đó, GDPT được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Nội dung giáo dục hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp vào các môn học và hoạt động giáo dục. Theo đó, các môn tin học, công nghệ, nghệ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có ưu thế và thể hiện khá rõ vai trò hướng nghiệp.
Giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình GDPT mới được thực hiện chủ yếu ở các năm học cuối của trung học cơ sở và toàn bộ giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Học sinh đang học Chương trình GDPT mới hiện nay sẽ có nhiều thuận lợi trong việc hướng nghiệp vì chương trình có 105 tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tuy nhiên, đối với các em học sinh lớp 11 và 12 hiện đang học Chương trình GDPT 2006 thì gặp nhiều khó khăn hơn. Nội dung giáo dục hướng nghiệp dành cho các em gồm 9 chủ đề, được thực hiện trong 9 tiết/1 năm học, nhưng nội dung tài liệu giảng dạy thì quá cũ, không còn phù hợp với xã hội hiện nay.
Em Lê Bá Minh Lộc (học sinh lớp 12) cho rằng: “Việc định hướng nghề, ngành học và cở sở đào tạo đại học là việc làm rất cần, giúp chúng em phát huy hết khả năng của bản thân, đặt hết niềm tin và tập trung công sức, thời gian để đạt được kết quả cao nhất. Chọn đúng ngành, đúng trường đào tạo sẽ tạo được nền móng, làm cơ sở thuận lợi cho nghề nghiệp tương lai mà chúng em đã xác định”.
Để giáo dục hướng nghiệp hiệu quả
Trước hết, đòi hỏi phải đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với nhịp sống và lứa tuổi... Đồng thời, phải đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp, như: tư vấn nhóm lớn, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn cá nhân hoặc thông qua việc tổ chức các buổi nói chuyên đề, hoạt động trải nghiệm, giao lưu với người lao động thành công trong nghề nghiệp ở địa phương...; cung cấp kịp thời cho học sinh thông tin về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hệ thống đào tạo, các chính sách đối với người học, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm… để học sinh có thể nắm bắt được thông tin tương đối đầy đủ trước khi đưa ra sự lựa chọn về nghề nghiệp tương lai của bản thân.
Bên cạnh đó, các trường trung học cần đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; giáo viên chủ nhiệm lớp cần được tập huấn, bồi dưỡng để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong nhà trường đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Các địa phương cần đưa công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để định hướng đào tạo, sử dụng lao động và thu hút nhân tài góp phần xây dựng và phát triển quê hương.