|
Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản trong giờ thể dục (ảnh minh họa) |
Có thời điểm, nhiều phụ huynh không muốn con vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương chỉ vì xét tuyển. Thế nên, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 360 em/năm học, nhưng chỉ có khoảng 600 em nộp hồ sơ. Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, tuyển sinh vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương thay đổi khi xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực. Sức hút của “trường điểm” lại nóng lên khi có đến 1.800 học sinh đăng ký tham gia vào năm học 2022 - 2023.
Nhiều phụ huynh vẫn muốn con mình thử sức, có kiểm tra, đánh giá sẽ thực chất hơn là xét tuyển, chỉ dựa vào kết quả học tập của các em. Thế nên, con mới học lớp 3, một nhóm phụ huynh ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh đã rủ nhau tìm thầy giỏi để cho con luyện thi. Họ chi mạnh tay trong chuyện này khi vừa đến lớp học thêm, vừa thuê gia sư về kèm tại nhà. Cứ chiều chiều, con học xong ở lớp, ăn tạm ổ bánh mì, rồi các mẹ lại vội vàng chở con đến nhà cô học. Không ít đứa trẻ đã khóc lóc đòi nghỉ luyện thi vì kết quả kiểm tra không tốt. Vẫn biết không quá kỳ vọng vì đề thi khó, nhưng nhiều phụ huynh tiếc nuối, muốn thuyết phục con tiếp tục học ôn.
Một hiệu trưởng của trường tiểu học nhận định, mấy năm trở lại đây, việc học sinh vất vả “cày ngày cày đêm” để ôn thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương gia tăng. Do đó, việc tổ chức học thêm, ôn luyện ngày càng nở rộ và độ tuổi bắt đầu ôn luyện ngày càng nhỏ, không chỉ là lớp 5, lớp 4 mà thậm chí lan xuống cả lớp 1 hay lớp 2.
Phụ huynh lý giải, nếu không cho con theo học một khóa ôn luyện bài bản, sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng để xử lý những bài tập nâng cao. Mặc dù, kết quả học tập của con khá tốt, đều đạt điểm 9, 10 các môn nhưng họ không tin lắm, khi đó chỉ là kết quả đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đại trà. Điều này cũng dễ hiểu, khi các trường càng nổi tiếng, việc thi đánh giá năng lực vào trường sẽ càng khó khăn, bởi số lượng thí sinh thi nhiều nhưng chỉ tiêu không đổi, dẫn đến “tỷ lệ chọi” cao, gây áp lực cho phụ huynh và học sinh.
Không ít lần bạn tôi khuyên nên cho con thi đánh giá năng lực vào “trường điểm” vì môi trường học tập tốt, THCS có học giỏi thì mới thi đỗ vào lớp 10 ở các trường tốp trên, rồi đỗ đại học vào các trường có điểm chuẩn cao. Nếu cảm thấy con học chưa tốt thì tìm lớp học thêm, luyện thi ngay cho kịp… Phải thừa nhận điểm tích cực của việc thi vào trường chọn là rèn luyện cho học sinh văn hóa đọc, khả năng tự đọc, tự học và nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên, những đứa trẻ ở bậc tiểu học lại không còn thời gian vui chơi, giải trí khi lịch học thêm dày đặc. Áp lực tâm lý, căng thẳng thần kinh khiến các em trở nên dễ cáu gắt, thậm chí trầm cảm. Ngay cả phụ huynh cũng vì sự kỳ vọng nên gắt gỏng với con khi các em đạt điểm chưa tốt trên lớp, thậm chí ở các lớp học thêm. Không ít phụ huynh vẫn nhìn nhận học giỏi - thành tích cao ở các trường điểm, trường chuyên, trường tốp đầu là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
Nghe mãi chuyện chọn trường cho con khiến tôi cảm thấy... chán. Cũng may khi không ít người đồng quan điểm, cần cho con học đúng tuyến nếu thực lực của con không đủ để thi. Mãi cố ép con thi vào trường điểm là không cần thiết. Bởi việc thi được vào đã khó nhưng quá trình học tập sẽ còn khó hơn, áp lực nhiều hơn. Hãy trao cho con sự tự tin, niềm hứng khởi để bước vào môi trường học tập mới phù hợp với sức học của các em mới là điều cần thiết.