ClockChủ Nhật, 02/09/2018 12:08

“Chỉ cần học tốt, việc khác để bác lo”

TTH - “Tuyệt vời. Trên cả tuyệt vời” là những gì ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Phú Vang thốt lên khi nói về bác sĩ Trương Đăng Quang, thành viên hội khuyến học.

Tết Độc lập nhớ lời Bác dạy về khuyến học, khuyến tàiCựu giáo chức nặng lòng với khuyến họcTrao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khănĐồng lòng làm khuyến họcKhuyến học, khuyến tài ở A Lưới

Lo cho trẻ em nghèo

Cuối xóm nghèo ở thị trấn Thuận An, ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng gợi cảm giác yên bình. Có lẽ bởi nụ cười an yên của nữ chủ nhân, một phụ nữ khuyết tật tầm ngoài sáu mươi, mất cả đôi chân và đôi tay. “Thằng Cư hắn đi học rồi bác Quang ơi”. Bà xúc động: “Người dưng, nhưng bác sĩ Quang lo lắng, làm mọi điều cho mẹ con tui như ruột thịt”.

Bác sĩ Trương Đăng Quang

20 năm trước, mẹ của Cư trở thành người mẹ đơn thân. Hai mẹ con ở trong căn nhà tạm bợ xiêu vẹo, dột nát. Năm 2005, chứng kiến 2 mảnh đời quá bất hạnh, bác sĩ Quang nhói lòng, day dứt. “Thằng cu Cư” phải được cho học hành đến nơi đến chốn, vươn lên thay đổi cuộc sống là “mệnh lệnh” từ thẳm sâu trái tim vị lương y mỗi ngày chữa bệnh cứu người. Bỏ tiền túi, xuôi ngược đi xin người thân, xin bạn bè, tranh thủ nguồn kinh phí của các tổ chức từ thiện, ròng rã gần 13 năm, ông hỗ trợ xây lại ngôi nhà thật vững chắc cho hai mẹ con Cư, đồng hành, động viên khích lệ, không để một ngày Cư phải thiếu sách vở, quần áo, tiền học phí… Không phụ yêu thương, 13 năm qua, Cư vừa chăm sóc mẹ, vừa cố gắng học tập, đến nay em đang là sinh viên năm 4 Trường đại học Khoa học Huế.

Cũng cách đây 13 năm, ông Quang gặp một phận đời trẻ em kém may mắn, em Đỗ Chường ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang. Bố mất, mẹ đi lấy chồng hơn mười năm không liên lạc, Chường sống với bà nội đã già yếu. Không chỉ lo mọi khoản tiền, sách vở cho cậu học trò, bác sĩ Quang bỏ tiền túi cho gia đình mượn làm vốn nuôi heo, gà cải thiện kinh tế, để Chường yên tâm học hành. Thế nhưng, khi Chường học đến lớp 8, một lần về thăm, sửng sốt hay tin em lặng lẽ bỏ học, vào TP. Hồ Chí Minh học nghề, bác sĩ Quang lần tìm số điện thoại của “ông chủ” dạy nghề, thuyết phục ông khuyên Chường về, cam đoan sẽ lo cho Chường học hành đến nơi đến chốn.

Rất may, “ông chủ” ấy là người tốt, cảm động trước tấm lòng của bác sĩ đã đích thân đưa Chường về nhà, tiếp tục học chữ. Tốt nghiệp THCS, Chường đỗ vào PTTH. Mặc cảm, ngại làm phiền người khác, một lần nữa em định bỏ ngang việc học, đi phụ thợ nề kiếm tiền. Bác sĩ Quang lại tỉ tê động viên, khích lệ. “Tôi nói, cháu chỉ cần lo học tốt, mọi việc khác cứ để bác lo”. Theo sát từng bước, đến lúc Chường tốt nghiệp Trường cao đẳng Xây dựng, đi làm tự nuôi sống bản thân, tự tin bước đến tương lai, ông mới yên tâm. 

Nhiều bệnh nhân nghèo được khám, điều trị miễn phí tại phòng mạch của bác sĩ Quang

Tiếp nối yêu thương

“Cháu chỉ cần lo tốt việc học, mọi việc khác để bác lo” là “mệnh lệnh” mà bác sĩ Quang “giao kèo” với những đứa trẻ nghèo, số phận kém may mắn, nhưng ham học, để vươn lên thay đổi số phận. Bao nhiêu năm ròng rã, bác sĩ Quang cặm cụi làm việc, kết nối các tấm lòng thiện nguyện ở trong, ngoài nước, đảm bảo nguồn kinh phí lo cho các em suốt chặng đường dài đèn sách.

Em Nguyễn Văn Bình ở xã Vinh Thái, thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, từng ngậm ngùi vì không có tiền đi học, đã được bác sĩ Quang “tiếp sức”, trở thành kỹ sư.

Em Lâm Nhật Nguyên ở thị trấn Thuận An, cha bị bệnh hiểm nghèo, không những được ông “theo” suốt bao năm ăn học, còn được ông cho mượn tiền riêng mua xe máy để đi dạy thêm trong những năm học đại học. Mẹ của Nguyên cũng được cho mượn tiền làm vốn mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Ngoại ngữ, Nguyên trở thành hướng dẫn viên du lịch năng động, giỏi giang. Bây giờ em đã xây cho mẹ được ngôi nhà 2 tầng khang trang, vững chắc bằng chính thành quả từ lao động trí tuệ.

Nhờ được tiếp sức học bổng, động viên, khích lệ về tinh thần, em Phan Thị Ánh Tuyết ở xã Vinh Thanh đã vượt lên nỗi đau cha mất, mẹ bị bệnh tâm thần phân liệt để sau khi tốt nghiệp đại học trong nước, tiếp tục học tập, lấy bằng cao học ở Mỹ. Hồ Phan Kim Liên, cô học trò nghèo ở xã Phú Xuân, sau khi lấy bằng giỏi Đại học Bách khoa Đà Nẵng (trong đó có 1 năm du học ở Mỹ), đang bắt đầu sự nghiệp, với nung nấu sẽ “quay lại” giúp những học trò nghèo ham học, như em đã từng được giúp, điều mà bác sĩ Quang đã “ươm mầm” trong tâm hồn.

“Bác sĩ Quang còn là người kết nối, xây dựng được rất nhiều nhà tình thương, lo số tiền gần trăm triệu đồng thực hiện 2 lần mổ tim, giành lại sự sống, cho em Nguyễn Thị Hiền một học sinh nghèo ở thị trấn Thuận An. Đi đến địa phương nào, ông cũng tìm những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh kém may mắn để giúp. Riết rồi, ở “góc” nào có hoàn cảnh cần giúp, mọi người lại tìm đến ông”. Ông Hồ Viết Nhuận trân trọng.

Bác sĩ Trương Đăng Quang chia sẻ, khi từ quê nhà Phú Vang lên TP. Huế học tập, vì lúc đó gia đình rất nghèo nên ông thiếu thốn đủ thứ. Cây bút bi “nhỏ nhoi” cũng đã là niềm mơ ước. Khi một người bà con mua tặng cây bút bi và cây bút sáp, cậu học trò nghèo đã lặng người xúc động. “Thầy cô, bạn bè cũng động viên, khích lệ. Lòng tốt, sự sẻ chia của người khác như làn gió mát lành ở lại mãi trong tâm hồn tôi, nhất là tấm gương luôn làm việc tốt, giúp đỡ người khác của bố mẹ, kể từ đó, tôi tâm nguyện sẽ tiếp nối yêu thương để tri ân cuộc đời”. Với tâm nguyện đó, mỗi chuyến đi làm từ thiện, ông đều đưa các con đi cùng. Bàn tay của người bác sĩ cũng cầm bay, chuyển gạch, trộn hồ, góp mồ hôi xây nên những ngôi nhà tình thương. “Tôi mong muốn hế hệ trẻ đã được xã hội quan tâm biết tiếp nối bằng hành động và trái tim yêu thương”.

Bác sĩ Trương Đăng Quang từng công tác ở Phòng khám Đa khoa Phú Diên, Bệnh viện huyện Phú Vang, Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt TP. Huế. Ông được Ban Chấp hành Hội khuyến học huyện Phú Vang và tỉnh Thừa Thiên Huế tặng giấy khen; Ban Chấp hành Trung ương Hội khuyến học Việt Nam nhiều lần tặng bằng khen. UBND thị trấn Thuận An tặng giấy khen vì thành tích thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”…

Bài: Quỳnh Anh - nh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2024:
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu bằng văn bản tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương đan xen sâu sắc vào cấu trúc toàn cầu hóa kinh tế và hiện là một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau với những lợi ích chung và tương lai chung.

Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa
Tròn vai

Năng động, nhiệt tình, tận tâm, giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật là lợi thế giúp ông Lê Quý Hoàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH MSV làm tròn vai người “thủ lĩnh” công đoàn từ nhiều năm nay.

Tròn vai
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Return to top