Ông Phạm Văn Hà, Trưởng thôn và đồng thời là Chi hội trưởng khuyến học thôn Xuân Tùy tự hào cho biết: Nghiệp học hành, thi cử của làng có từ xưa. Hiện nay, hằng năm làng đều có từ 5 - 10 em thi đỗ các trường cao đẳng, đại học; trong đó, thường xuyên đỗ các trường lấy điểm cao, như y dược, bách khoa; nhiều em là học sinh giỏi cấp huyện, đạt giải cấp quốc gia, là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp cuối khóa.
Phạm Bá Chúc là một gương mặt trẻ hiếu học tiêu biểu của làng Xuân Tùy. Em là thủ khoa đầu ra năm 2019 của Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với số điểm trung bình 8,99. Phạm Bá Chúc cũng là một trong số 26 thủ khoa đầu ra, có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc, được Ban Thư ký Hội Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tuyên dương trong chương trình “Vinh danh thủ khoa” lần thứ 6/2019.
Ngược dòng lịch sử, làng Xuân Tùy được lập vào năm Hồng Thuận thứ 4 (1512) cuối thời Lê Sơ, vốn có tên là Thiên Tùy. Đến đời Tự Đức thứ 15 (1862), theo lệnh vua đổi thành Xuân Tùy cho đến nay. Cũng như nhiều làng quê khác ở Quảng Điền, dân làng Xuân Tùy tuy đa số làm nghề nông cực khổ nhưng vẫn có gắng cho con em theo đuổi nghiệp học hành, ít thì biết đôi ba chữ nhiều thì ganh đua với người ngoài.
Dưới thời kỳ quân chủ, làng Xuân Tùy được xếp vào hàng những làng khoa bảng của phủ Thừa Thiên. Người đỗ đại khoa của làng đầu tiên là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Thám hoa) Hoàng Văn Thu, đỗ Hội nguyên khoa thi năm Ất Mùi 1835, được dựng bia đá khắc tên tuổi ở Văn Miếu, làm quan đến chức Tổng đốc sau được thăng lên Thượng thư bộ Hộ. Đến đời Tự Đức, có cụ Sinh đồ Hoàng Đạo thi đậu tú tài cả hai khoa; tiếp nối cha, cụ Hoàng Thông nổi tiếng là người học giỏi, thi đậu cử nhân. Trường Quốc học thành lập, cụ được giao cho trọng trách làm Quản giáo (Hiệu phó); năm 1908, cụ trực tiếp dạy Hán văn cho học trò Nguyễn Sinh Cung.
Thời kỳ cách mạng, làng có ông Hoàng Xuân Tùy là thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ nhiệm Báo Quân đội Nhân dân tại chiến trường. Chính ông Hoàng Tiêu Diêu (tức Hoàng Xuân Tùy) đã đặt nền móng cho việc thành lập và phát triển của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hoàng Xuân Tùy là người đưa ra triết lý giáo dục tiến bộ, học đại học không cứ phải đến trường, hình thành nên hệ thống giáo dục thường xuyên và hệ đào tạo tại chức để kịp thời bổ túc văn hóa, nâng cao trình độ cho cán bộ, phù hợp với hoàn cảnh đất nước.
Truyền thống hiếu học được gìn giữ và phát huy. Đến Xuân Tùy hôm nay, cảm nhận đầu tiên là trong làng hầu như nhà nào cũng có người học cao đẳng, đại học. Nhiều gia đình có đến 3 - 4 con học đại học, làm bác sĩ, kỹ sư, sĩ quan công an, giáo viên; có gia đình còn đầu tư cho con cái đi du học ở nước ngoài.
Điều đáng quý là sự học tập của con em làng Xuân Tùy đến nay vẫn được duy trì nề nếp, được cả cộng đồng chú trọng giữ gìn và phát huy, để kích lệ và động viên con em trong làng phấn đấu trong học tập, Ban điều hành thôn cùng Chi hội khuyến học hằng năm vận động bà con trong và ngoài địa phương đóng góp kinh phí, tổ chức phát thưởng cho các em học sinh, sinh viên có thành tích học tập.
An Nhiên