Guồng quay ôn tập
Đầu tháng 3, các trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM bước đầu vào cao điểm ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 7 tới. Chuyện học tăng đến 3 ca/ngày là chuyện thường, học sinh phải đến trường học từ 6h30 sáng và kết thúc ngày học ở trường vào lúc 22h. Thậm chí đối với học sinh ở nội trú thời gian học dài hơn nên nhiều trường tận 23h mà vẫn sáng đèn.
Học sinh tan trường khi phố đã lên đèn
Một học sinh của trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến ở quận Tân Bình cho biết “lịch học đều đặn của em từ thứ hai đến thứ sau dày đặc. Em bắt đầu học tiết đầu tiên lúc 6h30; buổi trưa được nghỉ và ăn uống từ 11h30 đến 13h30 sau đó học tiếp đến 16g30; Sau ăn uống, nghỉ ngơi thì 18h bắt đầu vào học ca tối đến 22h. Còn hai ngày cuối tuần vẫn học và chỉ miễn ca tối”.
Ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt cho biết từ ngày 1/3 học sinh lớp 12 vào guồng tăng tốc ôn luyện. Hai buổi học ban ngày giải quyết kiến thức chính khóa và ban đêm là thời gian tự học, các em làm bài tập, học bài, luyện giải đề có sự giám sát và hướng dẫn của giáo viên, quản nhiệm. Học sinh học bán trú thường được về sớm để tự học ở nhà tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn gửi vào trường để giáo viên theo dõi giùm. Còn học sinh nội trú thì phải học trên lớp đến 22h30 nhưng trường vẫn mở đèn đến 23h nếu các em có nhu cầu tự ôn tập.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu phó trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú cho biết khối 12 các em bắt đầu đi học từ giữa tháng 6 (sớm hơn các trường công lập 2 tháng) với số tiết được tăng lên tối đa nên sẽ kết thúc chương trình học sớm.
Dự kiến cuối tháng 3 thì sẽ kết thúc các môn sử, địa, giáo dục công dân...để còn lại phần lớn thời gian để học sinh ôn tập các môn mình đã chọn. Từ tháng 4 thì trở đi thì trường tổ chức 4 đợt thi thử, mỗi đợt thi đều tổ chức theo đúng cách thức thi của Bộ GD-ĐT là các môn tự luận 180 phút, môn trắc nghiệm 90 phút. Chọn thời điểm tháng 4-6 để thi thử vì học sinh đã học hết chương trình và trải qua ôn tập nên có được nền tảng kiến thức ổn định.
Ông Độ cho biết, ngoài 3 môn bắt buộc thì đa phần học sinh của trường chọn các môn như lý, hóa, sinh theo định hướng thi khối A,B,A1,D1. Việc ôn tập của trường bám theo cấu trúc đề thi của Bộ với 60% dùng để xét tốt nghiệp THPT và 40% để xét tuyển ĐH. Trong đó mức độ phân hóa năm nay theo như Bộ nói sẽ cao hơn năm trước. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên phải bám sát tiêu chí trên để hướng học sinh ôn tập.
Tăng tiết phụ đạo học sinh yếu
Ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 cũng cho biết hiện nay học sinh lớp 12 đang trong quá trình hoàn thành chương trình học. Tiếp theo thì lên kế hoạch ôn tập cho học sinh theo các môn mà các em đã chọn thi. Trường vẫn phải đảm bảo dạy đúng chương trình mà Sở GD-ĐT quy định, tùy nhóm học sinh thì trường mới tăng tiết phụ đạo thêm để các em học kém lấy lại căn bản. Sau khi học sinh thi học kỳ xong và chuyển sang bước ôn tập thì trường mới tổ chức cho các em thi thử hoặc luyện đề thi. Dự kiến, cao điểm ôn luyện của trường sẽ rơi vào tháng 5, 6 tới.
Tại trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, các học sinh lớp 12 vẫn học một buổi chính khóa bắt buộc; một buổi học luyện thi không bắt buộc với 5 tiết toán/tuần, các môn còn lại học 3 tiết/môn/tuần. Ngoài ra trường có khoảng 30-40 học sinh phải theo học phụ đạo đặc biệt. Đây là những em có điểm cận liệt ở từng môn trong kỳ thi thử đợt 1 vào tháng 1 vừa qua. Tham gia lớp phụ đạo này, học sinh yếu môn toán phải học thêm 4 tiết, các môn còn lại yếu sẽ học thêm 2 tiết để lấy lại căn bản.
Nhà trường còn 2 đợt thi thử nữa vào giữa tháng 5 và giữa tháng 6, qua đó nếu học sinh nào còn hổng kiến thức chỗ nào thì sẽ được phụ đạo thêm chỗ đó.
Tương tự, trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp vừa cho học sinh làm kiểm tra giữa kỳ theo quy định. Dựa vào điểm kiểm tra này, nếu em nào có điểm thấp dưới trung bình thì nhà trường sẽ tiến hành phụ đạo thêm để các em cải thiện kết quả. Bên cạnh đó, trường dự kiến tổ chức thi thử chung với Sở GD-ĐT mà cho học sinh thi thử riêng để các em chủ động hơn.
Hà Minh (Theo Dân trí)