ClockThứ Tư, 12/06/2024 09:48

Mở rộng không gian đọc sách ở trường học

TTH - Không chỉ kích thích học sinh hứng thú với việc đọc sách, một số trường học tại huyện Phú Lộc còn mở rộng không gian thư viện, thu hút phụ huynh cùng con đọc sách, báo.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩTrao tặng 94 tủ sách lớp học tại huyện Phú Lộc Chia sẻ giá trị của sách đến đoàn viên, người lao động

 Học sinh ở Trường tiểu học Vinh Hưng chăm chú đọc sách

Mở rộng không gian, hút thêm người đọc

Ghé thăm Trường tiểu học Vinh Hưng, chúng tôi bắt gặp một số phụ huynh chăm chú vào những trang sách, báo. Tranh thủ lúc chờ đón con, họ đọc sách, báo để cập nhật thêm những thông tin mới, tin tức thời sự, hay những kiến thức chuyên ngành về nông nghiệp, lao động sản xuất. Anh Nguyễn Văn Huy, phụ huynh của một học sinh chia sẻ: “Ở đây có nhiều sách phù hợp cho cả phụ huynh. Ngồi chờ con không có việc gì làm thì mình đọc sách. Nhưng nghĩ lại thấy việc này cũng rất có ích”.

Đem câu chuyện của phụ huynh trao đổi với thầy giáo Đoàn Hoài Trung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng mới biết, đây là một định hướng của nhà trường. Bên cạnh không gian thư viện truyền thống, nhà trường phát triển thêm thư viện ngoài trời, với không gian bên ngoài phòng học để học sinh và phụ huynh thoải mái lựa chọn nơi đọc sách. Thư viện ngoài trời được bố trí rất nhiều loại sách cho cả học sinh và phụ huynh. Sách được chọn lựa cũng phù hợp với những thông tin, kiến thức mà học sinh, phụ huynh quan tâm, trong đó có cả sách hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, đời sống, pháp luật... Nhờ đó, ngoài đối tượng học sinh, các bậc cha mẹ có thời gian rảnh, đặc biệt là lúc chờ đón con thường đọc, tham khảo.

Không chỉ riêng Trường tiểu học Vinh Hưng, tại huyện Phú Lộc, nhiều đơn vị trường học mở rộng không gian đọc cho nhiều đối tượng bạn đọc như thư viện xanh, thư viện ngoài trời, góc đọc cộng đồng… Để mở rộng, tạo thêm tài liệu, sách cho bạn đọc, thư viện các cơ sở giáo dục tại huyện Phú Lộc đã có sự kết nối, liên thông với thư viện cộng đồng ở các xã/thị trấn thông qua việc luân chuyển sách báo giữa các thư viện theo định kỳ từng quý.

Tạo mô hình hay kích thích việc đọc sách

Số lượng thư viện đạt chuẩn, danh hiệu thư viện tiên tiến, xuất sắc các cấp học ở huyện Phú Lộc được tăng lên theo hàng năm. Tính đến nay, cấp tiểu học có 10/20 thư viện đạt danh hiệu thư viện tiên tiến; 2/20 thư viện đạt danh hiệu thư viện xuất sắc. Cấp THCS có 1 thư viện đạt danh hiệu thư viện tiên tiến; 16/17 thư viện trường THCS đạt chuẩn.

Em Phan Nguyễn Bảo Trân, học sinh lớp 3/5 Trường tiểu học Vinh Hưng cho biết: “Thư viện được bố trí đẹp và nhiều sách, có thêm nhiều hoạt động bổ ích nên em và các bạn rất thích đọc sách và tham gia chia sẻ sách. Giờ ra chơi hay những lúc rảnh, đến thư viện đọc sách vừa học được thêm nhiều kiến thức và cũng được thư giãn”.

Thầy giáo Đoàn Hoài Trung chia sẻ, để tạo phong trào đọc sách thường xuyên, ít nhất mỗi tháng một lần, thư viện nhà trường tổ chức thi kể chuyện và chia sẻ sách giữa học sinh các lớp. Trong thời khóa biểu hàng tuần, các lớp đều có 1 tiết đọc sách. Tiết học này được sắp xếp hợp lý để tránh sự trùng lặp giữa các lớp, có sự phối hợp giữa bộ phận thư viện và giáo viên chủ nhiệm.

Tại huyện Phú Lộc, các trường cũng thành lập câu lạc bộ sách trong học sinh, sinh hoạt sau giờ học chính khóa, để hỗ trợ hoạt động luân chuyển sách, tổ chức các hoạt động đọc, chia sẻ sách trong nhà trường nhằm mang lại hiệu quả.

Theo bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc, những năm qua, các trường học hưởng ứng tích cực và tổ chức Ngày sách Việt Nam, tuần lễ học tập suốt đời… cho giáo viên, học sinh trong nhà trường. Sắp tới, ngành giáo dục huyện phối hợp các trường học và các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động đọc sách, chia sẻ sách với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đáp ứng với xu thế phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện nay như chia sẻ sách trực tuyến, tổ chức các chương trình Booktalk trực tuyến giữa các cơ sở giáo dục…

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý tưởng tuyệt vời!

Cách đây mấy năm, nhà báo QH ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế (nay là VTV8) đến mua đất, làm nhà và trở thành hàng xóm của tôi. Thỉnh thoảng, thấy bố mẹ vợ anh từ Thanh Hóa vào thăm, mỗi lần như thế, có khi ông bà ở lại đến vài tuần. Bố vợ anh QH tuổi cỡ ngoài 70, ông hay sang tôi hỏi mượn sách về đọc. Đưa cho ông mượn các cuốn sách về Huế, ông rất thích. Mang về đọc rất kỹ và cũng rất nhanh để còn… mượn cuốn khác. Ở trong Nam, tôi có thằng cháu đang học phổ thông cũng vậy, hễ có dịp được ra thăm và ghé nhà tôi chơi là lục lọi, tìm mấy cuốn sách viết về Huế và kiếm một góc ngồi đọc say sưa, mặc ai làm gì thì làm.

Ý tưởng tuyệt vời
Minh Tự - người ham chơi một cách tinh tế

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” sau hơn 8 năm xuất hiện trên văn đàn nay đã được tái bản, có bổ sung và chỉnh sửa. Đặc biệt hơn ở lần tái bản này, có thêm ấn bản tiếng Anh “Ochna in the front yard: Fascinating stories about Huế - an ancient, poetic and glamorous land”.

Minh Tự - người ham chơi một cách tinh tế
Tẩy giun cho 108.000 học sinh tiểu học và trẻ nhỏ

Ngày 21/5, Đoàn Giám sát Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) giám sát hoạt động tẩy giun tại Trường tiểu học Phường Đúc, TP. Huế. Hơn 1.000 học sinh tiểu học của trường được uống thuốc tẩy giun đợt này.

Tẩy giun cho 108 000 học sinh tiểu học và trẻ nhỏ
Đưa sách về với học sinh nông thôn

Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai về các trường học. Không chỉ các trường học trên địa bàn thành phố, mà ngay cả những trường ở nông thôn Thừa Thiên Huế cũng tổ chức các hoạt động về văn hóa đọc, tiêu biểu trong đó là Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh (Hương An, Hương Trà).

Đưa sách về với học sinh nông thôn
Return to top