|
Phú Đức ăn mừng khi giành được chuông trả lời ở câu hỏi cuối cùng |
1. Tôi gặp Phú Đức lần đầu vào năm 2022 tại bán kết của chương trình “Nguyệt Quế Đỏ” mùa 4 (chương trình tìm kiếm thí sinh tham dự “Đường lên đỉnh Olympia”) của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế. Ngày hôm ấy, nhiều khán giả ấn tượng với cậu học sinh mới chỉ lớp 10 nhưng đã sở hữu nền tảng kiến thức tốt, có một tính cách vui vẻ, hòa đồng và cả một đôi tay rất nhanh nhẹn. Sau này trò chuyện, Đức kể rằng em đã theo dõi “Đường lên đỉnh Olympia” từ những năm cấp 2 và ấp ủ ước mơ được đứng trên trường quay S14.
Trong suốt 1 năm tiếp theo (từ 2022 đến 2023), Phú Đức được các thành viên trong Ban Chuyên môn của “Nguyệt Quế Đỏ” “rủ rê” tham dự những trận thi đấu theo mo-tip “Đường lên đỉnh Olympia” bằng hình thức trực tiếp và cả online. Chính những trận đấu đó đã giúp em củng cố thêm kiến thức, có thêm những kiến thức mới và vun đắp cho đam mê “Đường lên đỉnh Olympia” của mình. Việc Nguyễn Minh Triết sau này mang cầu truyền hình về Huế cũng góp phần thúc đẩy Đức nỗ lực hơn vì ước mơ của bản thân.
Đến mùa hè 2023, tôi gặp lại Đức tại “Nguyệt Quế Đỏ” mùa 5. Sau 1 năm, em đã trưởng thành hơn, đôi mắt ánh rõ sự quyết tâm. Em có màn lội ngược dòng, sau đó chiến thắng ở phần thi câu hỏi phụ để đoạt giải nhất “Nguyệt Quế Đỏ” mùa 5, qua đó trở thành đại diện của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tham dự “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 24.
|
Phú Đức bên cạnh thầy chủ nhiệm Lê Văn Luân |
Sau khi vô địch “Nguyệt Quế Đỏ” mùa 5, Đức lao vào ôn luyện, đồng thời kết hợp với việc thi đấu cọ xát với Minh Triết, người lúc đó cũng chuẩn bị tham dự trận Chung kết năm của “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 23. Tháng 10/2023, khoảnh khắc Minh Triết thất bại tại trường quay S14, Phú Đức dường như cũng cảm thấy áp lực hơn. Giờ đây, nhiều người lại chờ mong em sẽ tái lập và làm tốt hơn những gì Minh Triết đã làm tại “Đường lên đỉnh Olympia”. Hôm ấy, trái ngược với vẻ vui tươi thường ngày, Đức chìm trong suy tư, rồi lặng lẽ trở về nhà.
Từ đó, Phú Đức ngày càng chuyên tâm hơn nữa trong học tập. Trong lần gặp em vào dịp tết Nguyên đán vừa qua, tôi hỏi “em đã sẵn sàng chưa?”. “Em nghĩ mình có thể làm được, em đã đủ tự tin vào bản thân mình”, Đức đáp. Trong 4 trận thi đấu cọ xát ngày hôm ấy, em đều giành được chiến thắng với điểm số cao như minh chứng cho câu trả lời của bản thân.
2. Hành trình của Phú Đức tại “Đường lên đỉnh Olympia” bắt đầu với trận thi tuần 1, tháng 1, quý 3. Em không gặp nhiều khó khăn để có được vòng nguyệt quế đầu tiên của mình tại S14. Tuy nhiên, trong trận thi tháng 1, quý 3, sự lo lắng đã khiến em tưởng chừng như đổ gục. Ở phần thi “Vượt chướng ngại vật”, Phú Đức nhấn chuông trả lời chướng ngại vật nhưng không đưa ra đáp án chính xác. Em buộc phải dừng phần thi của mình và chờ đợi cơ hội ở những phần thi sau. Đức bật khóc khi bước xuống hàng ghế khán giả trong giờ nghỉ. Áp lực đè nặng lên em bởi khoảng cách giữa em và người đứng đầu là Đặng Duy Khánh (THPT chuyên Lào Cai) lên đến 80 điểm. “Vì sao em lại có thể đưa ra quyết định liều lĩnh như thế?”, Phú Đức dằn vặt. “Em đừng buồn, mình vẫn còn cơ hội ở những phần thi sau mà. Trước đây anh Thanh Chương (Hồ Đắc Thanh Chương, quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 16) cũng từng bị bỏ cách 90 điểm nhưng vẫn giành được cầu truyền hình”, thầy Võ Văn Nguyện, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế động viên. Thông qua cuộc gọi trực tuyến, những người bạn của Phú Đức cũng liên tục an ủi “không sao mà, cố gắng lên, có tụi mình ở đây”. Được tiếp thêm động lực, Phú Đức có màn tăng tốc xuất sắc khi giành được 150/160 điểm. Mặc cho phần thi về đích không quá tốt, em vẫn kết thúc trận đấu ở vị trí thứ nhì với 240 điểm.
|
Phú Đức trong vòng tay của thầy cô và bạn bè |
Sau khi trận thi tháng được phát sóng, Phú Đức đón nhận nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. Có nhiều người bình luận ác ý về việc em tỏ ra vội vàng trong những câu trả lời ở phần thi về đích. Lo lắng học trò đối mặt với áp lực dư luận, thầy Lê Văn Luân, giáo viên chủ nhiệm của Đức đã thường xuyên trò chuyện, tâm sự với em. “Mình thường hỏi han, an ủi để động viên Đức cảm thấy thoải mái và nhẹ nhõm hơn, bởi thắng - bại là một phần của cuộc thi. Đồng thời, mình cũng khuyên Đức đừng để ý những bình luận trên mạng xã hội, bởi em còn trẻ, không tránh khỏi có những sai lầm, vấp ngã, nhưng từ đấy có thể đứng dậy mạnh mẽ hơn”, thầy Luân chia sẻ.
Về nhì ở trận tháng, Phú Đức phải chờ đợi kết quả của 2 trận tháng còn lại mới biết mình có thể vào thi trận quý hay không. “Khoảng thời gian ấy ban đầu với em khá khó chịu, do lần đầu em ở tâm thế phải chờ đợi như thế. Nhưng sau này em không suy nghĩ tới điều đó nhiều nữa mà chỉ tập trung cải thiện những điều mình làm chưa tốt ở trận thi tháng, để nếu có vào thi quý thì sẽ thi đấu hết mình”, Phú Đức bộc bạch.
3. “Anh ơi, trận tháng 3 có kết quả rồi, Phú Đức được vào thi trận quý. Ngày mốt là ghi hình rồi. Anh đi cùng tụi em ra Hà Nội cổ vũ cho Đức nhé”, tiếng của Minh Triết vang lên qua điện thoại. Tối hôm ấy, chúng tôi gấp rút “xách ba lô lên và đi”. 8 giờ 30 phút tối, chúng tôi có mặt tại ga Huế để mua vé tàu. 8 giờ 40 phút, tàu lăn bánh. Tôi, Minh Triết và 2 người bạn thân của Phú Đức ngồi cùng nhau trên chuyến tàu kéo dài 13 tiếng từ Huế đi Hà Nội. Không chỉ ở Huế, những anh chị thân thiết với Phú Đức từ chương trình “Nguyệt Quế Đỏ” đang ở Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng thu xếp ra Hà Nội. Đây là cơ hội lớn của Phú Đức, mọi người đều muốn dành cho em sự ủng hộ. Trên chuyến tàu đêm ấy, bốn anh em chúng tôi không tài nào ngủ được, phần bởi sự hào hứng, phần lo lắng rằng Đức không vượt qua được áp lực.
Vừa đến Hà Nội vào 12 giờ trưa, chúng tôi bắt xe ghé qua khách sạn thăm Phú Đức. Gặp chúng tôi, em vui vẻ: “Em đang ngồi đọc tin tức các báo, tin thời sự. Lát nữa em ghé sang Đài Truyền hình Việt Nam xem ghi hình trận đấu ở quý 4, rồi về ăn tối và đi ngủ sớm để sáng mai thi đấu”. Thấy em tự tin trước trận đánh lớn, chúng tôi phần nào yên tâm.
Trận thi quý 3 đã diễn ra căng thẳng và gay cấn như nhiều người mong đợi. Các thí sinh liên tục so kè về điểm số. Phú Đức, trong một ngày duy trì tâm lý bình tĩnh và có sự chính xác trong những câu trả lời, đã giành được lợi thế về điểm số. Câu hỏi cuối cùng của trận quý 3, Phan Duy Hùng (THPT Sơn Tây, Hà Nội) trả lời sai, Phú Đức nhanh tay nhấn chuông. Ở trên khán đài, chúng tôi nghe rõ tiếng em nhấn chuông và cả nhịp thở nhanh, gấp rút nhưng đầy quyết tâm. Đèn tín hiệu ở chỗ em bật sáng, tiếng chuông vang lên, trường quay S14 như vỡ òa. Em chạy đến, ôm chầm lấy thầy Võ Văn Nguyện, nức nở: “Cầu truyền hình, thầy ơi em làm được rồi”. Trên hàng ghế khán giả, Hoàng Huy, bạn thân của Phú Đức, không ngăn được những giọt nước mắt vui sướng. “Chúng em nhà ở cạnh nhau, đã chơi thân với nhau từ nhỏ. Chúng em cũng từng cạnh tranh với nhau vì giấc mơ “Đường lên đỉnh Olympia”. Sau khi thất bại ở chung kết “Nguyệt Quế Đỏ”, em đã gửi gắm giấc mơ của mình ở bạn, đã đồng hành, theo dõi, cổ vũ những bước đi của bạn ở “Đường lên đỉnh Olympia”. Khi bạn thành công giành được cầu truyền hình, em cảm thấy rất vui mừng”, Hoàng Huy nghẹn ngào.
Hành trình của Phú Đức tại “Đường lên đỉnh Olympia” là câu chuyện về sự nỗ lực, kiên trì và đam mê. Từ những ngày đầu chuẩn bị, qua từng trận thi căng thẳng, đến khoảnh khắc vỡ òa khi giành được cầu truyền hình, Phú Đức đã trải qua một hành trình đáng nhớ và đầy cảm xúc. Dù kết quả cuối cùng của cuộc thi có ra sao, những trải nghiệm và kỷ niệm này chắc chắn sẽ là nền tảng vững chắc giúp em trưởng thành hơn, tự tin hơn trên con đường phía trước. Và với tất cả những gì Phú Đức đã đạt được, em xứng đáng là niềm tự hào của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế và của những người đã luôn ủng hộ em suốt chặng đường vừa qua.