ClockThứ Sáu, 12/04/2024 06:39

Nâng chất lượng đầu ra để tăng tỷ lệ có việc làm

TTH - Tỷ lệ có việc làm sau khi ra trường của sinh viên chính là “thước đo” quan trọng nhất để khẳng định chất lượng đào tạo. Đây cũng là yếu tố quyết định thu hút người học của các cơ sở đào tạo đại học.
HN - Ngọc Huyền
  • HN - Ngọc Huyền

Học sinh nghiên cứu khoa họcTận dụng các nguồn lực bên ngoài để phát triển Đại học Huế

 Doanh nghiệp đến tận cơ sở giáo dục đại học để tuyển nhân viên đối với sinh viên năm cuối

Ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh

Trong đề án tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp cho thấy những con số ấn tượng. Không ít ngành tỷ lệ có việc làm đạt đến 100%, như: Ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật tại Trường đại học Ngoại ngữ; ngành quản trị nhân lực, hệ thống thông tin quản lý của Trường đại học Kinh tế; ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tại Trường Du lịch... Nhiều trường đạt tỷ lệ trung bình sinh viên có việc làm lên đến 95 – 98,5%, có thể kể đến Trường đại học Kinh tế đạt hơn 95,6%, Trường đại học Y – Dược đạt 97,7%, Trường đại học Ngoại ngữ đạt 98,5%...

Cũng trong đề án tuyển sinh của Đại học Huế năm 2024, có một số ngành ở một số trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp còn ở mức thấp, chỉ từ 50 – 60%. Những ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp lại rơi vào những trường, hay những ngành đang gặp khó trong tuyển sinh những năm qua. 

Tại Trường đại học Khoa học, tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau ra trường là hơn 62%. Có những ngành, như công nghệ thông tin chỉ đạt gần 42%; ngành sinh học và triết học chỉ 50% sinh viên ra trường có việc làm. Hay như tại Trường đại học Nông Lâm, một số ngành tỷ lệ có việc làm sau ra trường ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung là công nghệ kỹ thuật cơ khí đạt hơn 68%; ngành công nghệ sau thu hoạch đạt gần 67%...

Theo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn là “con số biết nói”, khẳng định chất lượng đào tạo có đáp ứng với nhu cầu của xã hội hay không. Đó cũng là yếu tố để các trường tăng khả năng thu hút người học. Trường nào tỷ lệ sinh viên sau ra trường có việc làm cao, chắc chắn sẽ thu hút người học tốt hơn so với những trường có tỷ lệ thấp.

 Các trường đại học liên kết với nhiều doanh nghiệp để nâng chất lượng đầu ra

Từ mùa tuyển sinh năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước. Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các cơ sở đào tạo.

Không những thế, từ ngày 13/6/2023, Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sửa đổi, bổ sung thông tư cũ) quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học; trong đó, có quy định chỉ tiêu tuyển sinh không được tăng so với năm tuyển sinh trước liền kề nếu tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng đạt dưới 80%. Số liệu thống kê tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.

Nâng chất lượng đầu ra

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường; trong đó, chất lượng của sinh viên là yếu tố quyết định, được phản ánh thông qua kiến thức, kỹ năng và thái độ. Để có được tốt nhất những yêu cầu trên, đầu tiên phải nói đến chuẩn đầu ra. Khi đầu ra tốt, càng tiệm cận đến nhu cầu của doanh nghiệp thì tỷ lệ có việc làm của sinh viên sẽ cao.

Theo TS. Lê Văn Tường Lân, Đại học Huế luôn yêu cầu các trường, khoa phải xác định chuẩn đầu ra cụ thể đối với các ngành của mỗi lĩnh vực đào tạo. Làm sao đó đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và thị trường lao động, đặc biệt các ngành nghề đòi hỏi người lao động trình độ cao. Các đơn vị phải liên tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật các chương trình đào tạo hiện có, ưu tiên các ngành nghề đào tạo xã hội có nhu cầu, theo hướng lý thuyết gắn với thực hành và ứng dụng vào thực tiễn. Tổ chức đánh giá đầu ra của sinh viên để theo dõi và đánh giá hiệu suất của chương trình học. Tổ chức các cuộc đánh giá từ phía doanh nghiệp và cộng đồng để đảm bảo rằng đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế nêu giải pháp, để nâng chất lượng đầu ra, liên kết đào tạo với doanh nghiệp là yêu cầu gần như bắt buộc hiện nay. Vì vậy, thời gian qua, nhà trường tập trung cho giải pháp này. Doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập và tiếp nhận sau khi các em ra trường. Kết nối tốt hơn, giúp nhà trường phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn. Xây dựng mối liên kết vững chắc với doanh nghiệp để đảm bảo rằng, sinh viên được huấn luyện với những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động.

Đại học Huế cho biết thêm, việc đảm bảo chương trình học cung cấp kiến thức và kỹ năng mới nhất theo sự phát triển của xã hội, tích hợp các yếu tố thực tế và thực hành trong chương trình học sẽ được triển khai liên tục. Cùng với đó là cho phép đào tạo song ngành, tăng cường liên thông, liên kết, tận dụng thế mạnh liên ngành trong đào tạo. Triển khai quy định tuyển sinh và đào tạo liên thông đại học lên thạc sĩ, nhằm cho phép sinh viên có học lực khá, giỏi có điều kiện nâng cao kiến thức và rút ngắn thời gian đào tạo. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đảm nhận các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội...

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cùng với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023 công tác triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của TP. Huế cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện các TTHC nhanh chóng và hiệu quả.

Nâng chất lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là yếu tố then chốt trong cải cách hành chính hướng đến xây dựng chính quyền số. UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo đẩy mạnh sử dụng DVCTT nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến

TIN MỚI

Return to top