ClockThứ Hai, 14/11/2022 06:35
Xây dựng trường đại học thành viên Đại học Huế tại Quảng Trị:

Tận dụng nguồn lực đội ngũ sẵn có và dùng chung

TTH - Trước định hướng xây dựng một trường đại học (ĐH) thành viên ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị, vấn đề đáng quan tâm nhất là đội ngũ. Phương án, giải pháp được tính đến là tận dụng nguồn lực đội ngũ sẵn có và đội ngũ dùng chung trong ĐH Huế.

Hệ thống cơ sở vật chất hiện tại đáp ứng tốt cho mô hình một trường ĐH thành viên ĐH Huế tại Quảng Trị trong tương lai

Mô hình thay đổi, đội ngũ cũng phải thay đổi

Chủ trương xây dựng một trường ĐH thành viên ĐH Huế tại Quảng Trị trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Quảng Trị với Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị vừa qua được ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị và ĐH Huế thống nhất và đang xây dựng đề án triển khai. Song, mô hình mới cũng cần nguồn lực đội ngũ đáp ứng.

TS. Phạm Thế Kiên, Giám đốc Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị cho biết, hiện, phân hiệu đang đào tạo 5 ngành: Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế xây dựng, Kỹ thuật điện, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Tại Trường CĐSP Quảng Trị, ngoài đào tạo cao đẳng công nghệ thông tin cho các lưu học sinh Lào theo các chương trình học bổng của Chính phủ thì theo Luật Giáo dục (năm 2019) quy định trình độ chuẩn của giáo viên giảng dạy từ bậc tiểu học trở lên phải là cử nhân, nên nhà trường chỉ đào tạo giáo viên dạy mầm non.

Sau khi sáp nhập và phát triển thành trường ĐH thành viên của ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị, đơn vị sẽ đào tạo hệ cao đẳng đã tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi người học rồi đồng bộ đào tạo hệ ĐH, mở rộng quy mô tuyển sinh, mở thêm các ngành sư phạm trình độ ĐH. Điều này đồng nghĩa các giảng viên phải đáp ứng trình độ từ thạc sĩ trở lên. Mặt khác, phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu về số lượng, cơ cấu, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên nhằm đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Theo đó, phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo; có ít nhất 5 tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy; có đủ số lượng giảng viên để đảm bảo tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không vượt quá mức quy định cho từng lĩnh vực, nhóm ngành hoặc ngành đào tạo.

Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị hiện có 40 viên chức, lao động hợp đồng, trong đó có 28 giảng viên (5 tiến sĩ và 3 nghiên cứu sinh). Còn tại Trường CĐSP Quảng Trị, TS. Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng nhà trường phân tích: “Toàn trường hiện có 115 viên chức, lao động hợp đồng, trong đó có 9 tiến sĩ, khoảng 70 thạc sĩ, còn lại là cử nhân, cao đẳng, trung cấp làm việc khối hành chính, không trực tiếp giảng dạy. Trong số trên, có 32 cán bộ, giáo viên của Trường phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị (thuộc Trường CĐSP Quảng Trị). Xét về khối trường cao đẳng, Trường CĐSP Quảng Trị là 1 trong 23 trường có đội ngũ đạt trình độ thuộc top cao nhất cả nước. Tuy nhiên, để đào tạo bậc ĐH và đáp ứng mở ngành mới thì có những khó khăn đòi hỏi cần bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ”.

Tận dụng nguồn lực đội ngũ

Theo đại diện lãnh đạo Trường CĐSP Quảng Trị, chủ trương xây dựng một trường ĐH tại Quảng Trị là mong muốn của chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Trị qua nhiều nhiệm kỳ. Tại buổi làm việc với ĐH Huế, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị cho biết, việc xây dựng mô hình trường ĐH thành viên ĐH Huế tại tỉnh Quảng Trị hoàn toàn khả thi và đơn vị này sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng của tỉnh Quảng Trị về giáo viên. Tỉnh Quảng Trị sẽ có dự báo về nhu cầu giáo viên trong các năm tới; mô hình trường ĐH mới sẽ tuyển sinh, đào tạo theo đơn đặt hàng của tỉnh, dự kiến từ nay đến năm 2030 mỗi năm cần khoảng 300 giáo viên các cấp, môn học. Ngoài ra, khối sư phạm còn đòi hỏi bồi dưỡng thường xuyên, hằng năm cho khoảng 10.000 giáo viên toàn tỉnh theo quy định của Bộ GD&ĐT cùng nhu cầu địa phương.

Con số trên cho thấy yêu cầu về đội ngũ rất lớn và việc sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng đội ngũ quan trọng hàng đầu. Phương án được ưu tiên là tận dụng đội ngũ sẵn có của hai đơn vị trước khi sáp nhập. Tuy nhiên, TS. Phạm Thế Kiên khẳng định, trong quá trình triển khai sẽ rà soát đội ngũ tương ứng mỗi ngành đáp ứng giảng dạy. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh khâu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, giảng viên phải cam kết lộ trình học tiến sĩ theo quy định của ĐH Huế. Ngoài ra, với lợi thế nguồn lực dùng chung, ĐH Huế sẽ linh hoạt sắp xếp, bố trí đội ngũ trong ĐH Huế tham gia giảng dạy tại đơn vị.

TS. Trương Đình Thăng phân tích, lợi thế hiện nay là trong Trường CĐSP Quảng Trị có Trường phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị, đến nay là năm thứ 3 hoạt động với 2 cấp THCS, THPT đang có gần 550 học sinh, dự kiến thời gian tới sẽ mở thêm cấp tiểu học. Trong phương án đặt ra thì song song với việc thành lập trường ĐH thành viên ĐH Huế tại Quảng Trị, sẽ tiếp tục nâng cấp Trường phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị thành trường chất lượng cao, quy mô dự kiến 1.000 học sinh. Đây là thuận lợi để sắp xếp, bố trí đội ngũ đáp ứng trình độ tương đương trong đội ngũ sẵn có. Ngoài ra, cũng sẽ đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị và ĐH Huế có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao.

Chủ trương xây dựng phát triển một trường ĐH thành viên ĐH Huế được UBND tỉnh đồng hành và ủng hộ. Phương án khác cũng được tính đến là trong trường hợp có nhân sự chưa đáp ứng về trình độ giảng dạy theo quy định, tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ giải quyết, sắp xếp bố trí công việc phù hợp theo năng lực, trình độ.

Lãnh đạo ĐH Huế khẳng định, hiện cơ sở vật chất của hai đơn vị được đầu tư rất tốt, thuận lợi cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Các giải pháp về đội ngũ nhằm khai thác tốt nguồn lực, đáp ứng nhiệm vụ của mô hình mới khi chính thức đi vào hoạt động sẽ được ĐH Huế và UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, thảo luận cụ thể ở các phiên làm việc trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm.

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực

Sáng 10/11, chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo cho rằng, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình nhân văn sâu sắc, phải được triển khai với tinh thần trách nhiệm cao, cảm xúc mạnh mẽ, với tư duy đổi mới; nhấn mạnh thời gian, trí tuệ và sự quyết tâm, quyết liệt là yếu tố mang tính quyết định của Phong trào.

Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát phải đồng bộ, đa dạng hóa nguồn lực
Tập trung nguồn lực giúp người dân giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, huyện Phú Lộc đã và đang tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp gắn với tình hình thực tế từng địa phương, từng hộ gia đình để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tập trung nguồn lực giúp người dân giảm nghèo
Huy động các nguồn lực để giúp đỡ người nghèo

Phát huy vai trò của mình, chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện A Lưới đã có nhiều cách làm hay, thiết thực.

Huy động các nguồn lực để giúp đỡ người nghèo
Return to top