Thầy giáo Bửu Ý. Ảnh: tapchisonghuong.com.vn
Là một trí thức hoàng tộc, thông minh và uyên bác, trước 1975, thầy giáo Bửu Ý là giảng viên các trường thuộc Viện Đại học Huế, Viện Đại học Sài Gòn và Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau 1975, thầy là giảng viên, Trưởng khoa tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm – Đại học Huế và nghỉ hưu từ Trường ĐH Ngoại ngữ.
Tôi là một trong số những người may mắn được học với thầy nhiều môn ở Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là hai môn: Văn học Pháp và Dịch thuật tiếng Pháp. Trong mỗi giờ học của thầy, tôi cố ghi sâu từng lời, từng ý; đôi khi tôi tưởng chừng không sao hiểu hết nổi những kiến thức thầy giảng vì nó quá nhiều và quá hay, không sao lược bỏ được. Thầy có phương pháp truyền đạt và hướng dẫn chúng tôi rất độc đáo, hấp dẫn và lôi cuốn.
Thật ra, trong cuộc sống, thành công của một học trò cũ khi bước vào đời là niềm hạnh phúc lớn lao của một nhà giáo chân chính ngày xưa và hôm nay đây. Những kỷ niệm và ký ức về hình ảnh của người thầy trong việc đứng lớp lại ùa về trong lòng của một người kế tiếp sự nghiệp giáo dục của thầy, tôi càng thấy trách nhiệm giáo dục thế hệ ngày nay thật khó khăn biết dường nào, vì thế giới công nghệ 4.0 đang dần dần thay thế vị thế của người thầy giáo…
Nhất cử nhất động lời răn đe của thầy cô giáo đều bị đưa lên mạng xã hội và bị bàn tán một cách “nặng nề” khi thầy cô chỉ lớn tiếng trong việc dạy bảo học trò. Trò có thể ngang nhiên đáp trả thầy cô và thầy cô chỉ biết “ngậm ngùi” bỏ qua chỉ vì vai trò của thầy cô giáo đang bị “công nghệ 4.0” kìm hãm; tinh thần trách nhiệm và tiếng nói của thầy cô chỉ còn mang tính chất “ước lệ”, bởi thầy cô sợ bị đưa lên mạng xã hội, bị “kỷ luật & kết án”, bởi những lý do không chính đáng từ phía nhà trường và phụ huynh. Nhưng tôi vẫn là chính tôi, mặc dù tôi cũng từng bị “kết tội” là quá nghiêm khắc với học trò và là một giảng viên “cứng nhắc” khi “luôn nhắc nhở và lớn tiếng” với học trò mỗi khi các em không hoàn thành bài học của mình.
Nhưng chính nhờ phương pháp mô phạm của thầy mà tôi luôn tìm thấy nguồn cảm hứng trong việc dạy học cũng như nghiên cứu khoa học, cho dù con đường “trồng người” hiện nay đang được “công nghệ hóa” một cách nhanh chóng. Chính thầy là người truyền niềm tin và quyết tâm cho tôi theo đuổi nghề sư phạm sau này, mặc dù trước đó tôi đã từng do dự.
Thầy không bao giờ rầy la hay “giận dữ” chúng tôi, dù đôi khi chúng tôi không hoàn thành bài tập thầy giao về nhà. Những bài luyện dịch thầy ra rất khó nên chúng tôi đành chấp nhận mọi hình phạt để thầy dạy dỗ, chỉ bảo, hướng dẫn thêm. Thầy là người rất tâm lý: Ở lớp, thầy luôn yêu cầu chúng tôi học cách suy nghĩ, tìm tòi những thuật ngữ dịch và nghệ thuật dịch, hay các ngôn từ nói và viết khác nhau thật khó, nhưng đến những kỳ thi thì thầy thường yêu cầu các bài tập thật nhẹ nhàng nhưng độc đáo, đòi hỏi sự thông minh nhanh nhạy của học trò.
Thầy là người rất nhân từ và độ lượng. Thầy có nụ cười thật hiền hậu, ấm áp và bao dung kể cả khi thầy không vui vào những lúc sinh viên chúng tôi không làm đúng ý thầy. Mỗi khi chúng tôi học tốt lại được thầy khen ngợi hết lời. Bài giảng và những lời giáo huấn của thầy luôn là kim chỉ nam cho chúng tôi bước vào đời thêm vững chãi. Thầy như là người cha của tất cả chúng tôi.
Đến bây giờ, khi tôi là một giảng viên đứng trên bục giảng nhiều năm, nhưng hình ảnh thầy luôn soi sáng bước đường tôi đi. Từ những ngày đầu tiên được học thầy, tôi đã học tập tác phong, điệu bộ, cử chỉ của thầy khi đứng trên bục giảng cho đến ngày nay. Hơn 30 năm trôi qua, tôi đã chịu ảnh hưởng rất lớn của thầy từ phong cách diễn đạt trong các bài giảng trên lớp đến cách ứng xử, đạo đức và trách nhiệm của một nhà giáo.
Tôi nhớ nhất câu nói của thầy năm xưa: “Thầy phải ra thầy, thì trò mới có thể ra trò”. Lời dạy của thầy làm tôi hiểu được một điều đó là giữa thầy cô và học sinh, sinh viên phải có một khoảng cách. Nhưng khoảng cách đó không phải là xa lạ, lạnh lùng, mà đó chính là sự tôn trọng đúng mực của học trò đối với thầy cô.
"Và thầy đã truyền cho con một trái tim đầy nhiệt huyết để con sống với nghề mà con yêu thích hôm nay".
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Cẩm