Đừng làm con trẻ tổn thương bởi bệnh “thành tích” của người lớn. Ảnh: Khánh Đăng
Cứ nhìn vào mức chi ngân sách nhà nước thì biết. Trong 6 tháng đầu năm 2018, chi thường xuyên của Thừa Thiên Huế là hơn 2.773 tỷ đồng thì chi cho giáo dục đã chiếm đến 1.144 tỷ đồng, là lĩnh vực được chi cao nhất trong chi thường xuyên từ nguồn ngân sách. Tính về tỷ lệ thì khoảng hơn 41%.
Đối với các hộ gia đình, chi cho giáo dục gồm rất nhiều khoản, trong đó có một khoản không nhỏ là cho việc học thêm. Ngoài tiền học phí học thêm phải trả cho các thầy cô giáo thì một khoản nữa cũng có thể tính vào chi phí này đó là thời gian đưa đón của bố mẹ, xăng xe cho việc lưu thông đi lại…
Một em học sinh được gia đình đầu tư “tốt” là suốt thời gian bắt đầu từ mẫu giáo đến hết đại học. Riêng học thêm có thể bắt đầu từ lúc 5 tuổi, học thêm để biết mặt chữ. Vào lớp 1 có thể học thêm văn, toán, ngoại ngữ. Lên càng cao thì có thể thêm nhiều môn nữa. Cứ mỗi môn học, học phí khoảng vài trăm ngàn đồng thì học sinh từ lớp một đến lớp 12 đã phải chi một khoản tiền lớn.
Tôi quen khá nhiều giáo viên dạy thêm. Một lớp dạy khoảng 15 em, một ngày dạy hai suất, thu nhập một tháng không dưới 20 triệu đồng. Tất nhiên đây là những giáo viên có “thương hiệu” và rơi vào những môn học có nhu cầu cao như văn, toán. Mặc dù có lệnh cấm dạy thêm nhưng thử hỏi trong cả tỉnh này có bao nhiêu người dạy thêm như thế? Chắc chắn là một nguồn tiền khổng lồ hàng năm được đầu tư cho việc học thêm này.
Đối với những gia đình thu nhập cao, khá giả thì khoản chi cho giáo dục cho con em không là vấn đề gì, thậm chí họ được chi càng nhiều càng tốt vì đây được xem là khoản đầu tư cho tương lai. Tương lai con em càng sáng lạn, càng có nhiều cơ hội việc làm và việc làm tốt trong một môi trường cạnh tranh thì đó là điều hạnh phúc của nhiều ông bố, bà mẹ. Dĩ nhiên là không ai muốn từ chối hạnh phúc cả.
Nhưng cũng từ đây nó sinh ra bất bình đẳng trong giáo dục, và cả trong đời xã hội nữa.
Hãy nói về xã hội. Với thị trường Huế, một người thu nhập ổn định bình quân 5 triệu đồng một tháng được cho là thu nhập vào dạng được. Cứ giả sử hai vợ chồng thu nhập là như nhau, tổng thu nhập của gia đình là 10 triệu đồng. Giả sử hai con mỗi cháu học thêm 3 môn, mỗi môn từ 2 -3 trăm ngàn đồng, chi phí cho việc học thêm này đã chiếm đến mười mấy phần trăm trong tổng thu nhập của gia đình. Vì vậy, chi phí cho con em học thêm là gánh nặng cho nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp. Muốn cho con đi học, nhiều khi phải hi sinh nhiều nhu cầu khác.
Nhìn nhận ở khía cạnh là những mối liên hệ, khi học thêm là “một cuộc chạy đua”, chúng ta có thể thấy bao giờ phần thiệt cũng thuộc về những người có điều kiện kinh tế khó khăn, ở những vùng khó khăn như nông thôn, vùng sâu vùng xa (đây là nói về số đông, cái phổ biến). Như vậy là từ bất bình đẳng trong giáo dục sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong việc làm, nghề nghiệp…
Chấm dứt tình trạng học thêm là một việc làm khó, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính, vì nhu cầu xã hội đang có. Xét về mặt kinh tế, đã có cầu, nguồn cung lập tức tự động phát sinh. Xét về tâm lý, không biết hình thành từ bao giờ nhưng có lẽ là có “lịch sử" của nó. Mà đã có lịch sử tức là đã hình thành trong nếp nghĩ. Cho nên khi cho con em học thêm, các bậc phụ huynh thường có tâm lý yên tâm hơn. Đó là chưa nói đến việc “buộc” phải đi học vì những áp lực từ giáo viên (có thể có).
Chỉ có một cách giảm nhu cầu học thêm là tăng chất lượng giáo dục công. Làm thế nào khi học ở trường học sinh giải quyết được tốt hoặc ít nhất là cơ bản những yêu cầu của kiến thức, thậm chí là các kỹ năng. Làm được việc này không thể ngày một ngày hai trong bối cảnh hiện nay mà phải làm lâu dài, kiên trì mới mong đạt được. Song, nếu chúng ta không đặt ra vấn đề như vậy, không làm thì chẳng bao giờ đạt được kết quả. “Cầu” (nhu cầu học thêm) vẫn còn đó, rất khó cấm được việc dạy thêm. Nếu cho thì giáo viên dạy công khai, nếu không thì họ dạy “lén lút”. Một khi đã như vậy thì rất nhiều vấn đề không tích cực phát sinh.
Lê Phương